Vai trò của cấp ủy trong xây dựng nông thôn mới ở Ngọc Lặc
Tăng cường lãnh chỉ đạo của cấp ủy, huy động hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt hơn, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vai trò chủ thể của nhân dân, huyện miền núi Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa đã đạt kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thúc đẩy tiến độ, nâng cao chất lượng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, Ban Thường vụ Huyện ủy Ngọc Lặc kiện toàn Ban Chỉ đạo từ huyện đến 20 xã, kiện toàn Văn phòng điều phối nông thôn mới cấp huyện cùng Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP; huy động hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt đi đôi với phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.
Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Huyện ủy; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội huyện Ngọc Lặc quán triệt và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới; lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các mô hình phát triển kinh tế, tự quản về an ninh trật tự, xây dựng khu dân cư xanh, sạch, đẹp, an toàn, thường xuyên làm vệ sinh môi trường, khu dân cư, trồng hoa thay cỏ dại bên đường, trồng cây xanh, tạo thành hàng rào.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Ngọc Lặc Phạm Văn Đạt, mỗi tổ chức đoàn thể đăng ký, thực hiện những phần việc cụ thể gắn với các phong trào tổ chức hội đang chỉ đạo, triển khai thực hiện, như Hội Phụ nữ tham gia xây dựng, nhân rộng phong trào “5 không 3 sạch”, nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi...
Các phòng, ban cấp huyện triển khai, thực hiện nhiều nội dung, hoạt động, lồng ghép tập huấn với tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện nội dung xây dựng nông thôn mới. Cán bộ các cấp hướng nhiều hoạt động về cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng thôn, xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Xuất phát từ thực tiễn địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy Ngọc Lặc phát động các phong trào: “Ngày Chủ nhật sạch”, “Nhà sạch, vườn đẹp, hàng rào xanh”, “Tuyến đường sáng-xanh-sạch-đẹp”, “Tiếng kẻng bình yên” và xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn về phòng cháy chữa cháy”. Cùng với việc rà soát, tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các tiêu chí, nhất là tập hợp, huy động nhân dân thực hiện các phần việc, tiêu chí mềm, không cần nhiều chi phí đầu tư, nội dung làm hàng rào xanh được chỉ đạo triển khai nhằm phát huy lợi thế, truyền thống của cư dân bản địa, góp phần chỉnh trang, tái tạo môi trường, tiệm cận, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
Ủy ban nhân dân huyện xây dựng đề án, trình Hội đồng nhân dân quyết nghị, bố trí ngân sách đồng thời huy động xã hội hóa “Phát triển, trồng hàng rào xanh trên địa bàn huyện Ngọc Lặc, giai đoạn 2024-2025”; thực hiện hỗ trợ mỗi địa phương 5 triệu đồng xây dựng vườn ươm các loại giống cây xanh, 700 đồng/cây chè mạn hoặc cây hoa dâm bụt; mỗi thôn, khu phố xây dựng ít nhất 1km hàng rào xanh được trang cấp một máy cắt tỉa cành cây.
Ban Thường vụ Huyện ủy Ngọc Lặc chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, phát huy vai trò nêu gương, đi đầu của mỗi gia đình cán bộ, đảng viên thúc đẩy cộng đồng dân cư cùng ra quân trồng, chăm sóc, tạo cây xanh thành hàng rào.
Cán bộ từ huyện đến cơ sở sâu sát, xuống các thôn, khu phố hướng dẫn, động viên, cùng làm với nhân dân. Huyện Ngọc Lặc giao Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức chức diễn đàn phổ cập kiến thức, kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây xanh, thi đua giữa các thôn, khu phố trên địa bàn cấp xã, thị trấn, chọn các đơn vị xuất sắc dự thi cấp huyện gắn với khen thưởng, động viên kịp thời những đơn vị có làm hay, sáng tạo nhằm nhân rộng.
Kết quả 100% các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị xây dựng được vườn ươm các giống cây: chè mạn, cây mắt ngọc, dâm bụt, cung ứng cho nhân dân trồng, chăm “hàng rào xanh”.
Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Ngọc Lặc Phạm Thị Thu cho biết: Toàn huyện đã trồng, xây dựng được hơn 660km hàng rào xanh, 365km đường hoa, các gia đình đều có vườn rau xanh.
Hàng rào xanh tôn thêm nét đẹp của mỗi ngôi nhà, cụm dân cư, tập hợp, nhân thêm sức mạnh cộng đồng, định hình trong nhân dân ý thức kế thừa các giá trị truyền thống, chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn thêm sáng-xanh-sạch-đẹp, thân thiện môi trường.
Không những vậy, nhân dân huyện Ngọc Lặc còn hiến gần 42ha đất mở rộng gần 205km đường giao thông xã, thôn, ngõ xóm, tạo lập cảnh quan môi trường nông thôn sáng-xanh-sạch-đẹp và an toàn, tiêu biểu như các xã: Ngọc Sơn, Mỹ Tân, Ngọc Liên, Thúy Sơn, Lam Sơn.
Theo báo cáo, năm 2024 các địa phương trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đã làm mới được gần 25km đường giao thông nông thôn cùng gần 4km mương thoát nước bên đường có nắp đậy, kiên cố hóa gần 1km đường nội đồng; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng gần 22km đường nông thôn; xây mới, nâng cấp 358 nhà ở, 32 nhà văn hóa-khu thể thao thôn; hoàn thành xây dựng 11 phòng học, 5 nhà hiệu bộ, nâng cấp 86 phòng học; hoàn thiện đấu nối hệ thống, cấp nước sạch tập trung cho nhân dân các xã: Ngọc Liên, Thúy Sơn, Lam Sơn, Minh Tiến và Minh Sơn.
Ngọc Lặc tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn có hiệu quả, triển khai mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm nên có thêm 3 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP và lũy kế toàn huyện có 16 sản phẩm OCOP 3 sao.
Đi đôi với phát huy nội lực, việc kịp thời triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến người dân đã góp phần giảm nhanh hộ nghèo. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện còn 5,92%, trong đó đã bao gồm các hộ nghèo đa chiều không có khả năng lao động.
Huyện Ngọc Lặc không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn và luôn quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn.
Đây cũng là địa phương có số lượng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhiều nhất khu vực miền núi Thanh Hóa; mới có thêm Nhà văn hóa thôn Lập Thắng, xã Thạch Lập đưa vào sử dụng, phục vụ sinh hoạt của nhân dân sở tại, đồng thời là nơi tổ chức, giao lưu văn hóa với khách thăm quan du lịch.
Du lịch cộng đồng ở thôn Lập Thắng gắn với khám phá hang Quăn, chinh phục đồi Hích ngắm phong cảnh, “săn mây”, dần hấp dẫn du khách, phát triển ở xã Thạch Lập. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” tiếp tục được triển khai và thực sự phát huy tiềm năng, huy động sức mạnh tổng hợp của người dân vào việc xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp; bảo tồn, phát huy bản sắc văn các dân tộc thiểu số, khơi dậy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, thắt chặt, cố kết cộng đồng dân cư, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, chủ động giải quyết những vấn đề nảy sinh, đặt ra trong thực tiễn.
Năm 2024, huyện Ngọc Lặc huy động các nguồn lực đạt tổng hơn 622.804 triệu đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó động viên từ sức dân và cộng đồng được gần 16 tỷ đồng nên có thêm 3 xã, 22 thôn hoàn thành, đạt chuẩn nông thôn mới. Lũy kế đến nay có 20/20 xã đạt chuẩn chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 13,6 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao và huyện cơ bản đạt 9/9 tiêu chí huyện nông mới.
Sâu sát, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đến quyết liệt tổ chức thực hiện; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, đồng hành của các cấp, các ngành, nhất là vị trí chủ thể của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi Ngọc Lặc thu hút cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư, toàn xã hội tham gia, hợp lưu, thúc đẩy các phong trào thi đua sôi nổi trên địa bàn toàn huyện.
Các chương trình, phong trào phát triển kinh tế-xã hội được Ban Thường vụ Huyện ủy quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức chức hiện đã góp phần tạo nên những đổi thay toàn diện trong nông thôn miền núi, nhất là xây dựng nông thôn mới sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa.