Vai trò chủ trì hiệp thương trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp

Hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động là nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phương thức này được thực hiện trong hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, trên các lĩnh vực hoạt động của Mặt trận. Bài viết trình bày nội dung về hiệp thương và hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây vừa là nguyên tắc tổ chức vừa là phương thức hoạt động đặc thù của Mặt trận. Thực hiện tốt nguyên tắc này sẽ phát huy tốt hơn tính dân chủ, tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Một số khái niệm về hiệp thương và hiệp thương dân chủ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Khái niệm về hiệp thương

Hiệp thương theo nghĩa của Từ điển Tiếng Việt của Trung tâm từ điển học do Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành năm 1995, là: “Họp thương lượng về những vấn đề chính trị, kinh tế có liên quan chung tới các bên. Hội nghị hiệp thương chính trị, hiệp thương ký kết các hợp đồng kinh tế”1.

Theo sách tra cứu các mục từ về tổ chức của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, hiệp thương là: “Họp mặt nhau lại cùng nhau bàn bạc, thương lượng để hiểu nhau, nhất trí với nhau về những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội… có liên quan tới các bên tham gia và cùng nhau tìm ra giải pháp, phối hợp hành động thực hiện có kết quả những vấn đề đặt ra”2.

Hiệp thương dân chủ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các đoàn thể nhân dân, các hội quần chúng, các cá nhân tiêu biểu liên hiệp với nhau và dùng phương thức hiệp thương dân chủ để giải quyết những vấn đề quan hệ đến các thành viên của Mặt trận; để cử ra các cơ quan và cán bộ lãnh đạo Mặt trận ở các cấp; Chương trình phối hợp và thống nhất giữa các thành viên trong Mặt trận Tổ quốc và những chủ trương quan trọng khác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang tính chất dân chủ, là hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Hiệp hương dân chủ về thực chất là cuộc thảo luận chính trị dân chủ, công khai, bình đẳng, là sự tìm hiểu lắng nghe ý kiến lẫn nhau để đi đến thỏa thuận chung, cũng tức là sự tương đồng, thống nhất. Hiệp thương tự nó bao hàm cả sự nhân nhượng, thậm chí không loại trừ cả sự thỏa hiệp tích cực khi cần thiết.

Xuất phát từ cơ cấu của tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là rất đa dạng, bao gồm liên minh rộng rãi của các giai cấp, thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài. Vì vậy, để tạo ra được sức mạnh cần phải thực hiện liên minh các giai cấp, thành phần nói trên lại với nhau. Do đó, phải thực hiện hiệp thương dân chủ để đi đến sự thống nhất về quan điểm, cùng nhau hợp tác, phối hợp và thống nhất hành động chung.

Hiệp thương không tách rời dân chủ. Thực hiện tốt hiệp thương dân chủ sẽ tạo ra dân chủ thực chất. Trong hiệp thương dân chủ thì hiệp thương là cách thức, phương thức thực hiện, còn dân chủ là tiền đề, vừa là mục tiêu, mục đích hiệp thương cần đạt tới. Hiệp thương dân chủ còn nhằm tăng cường sự đoàn kết, hiệu quả. Mấu chốt của hiệp thương dân chủ là sự thành thật, tin cậy, hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, cùng vì trách nhiệm chung với đất nước, với Nhân dân.

Hiệp thương dân chủ của Mặt trận được thực hiện trong công tác xây dựng bộ máy lãnh đạo của tổ chức mình là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và trong việc xây dựng chương trình phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên trong Mặt trận Tổ quốc ở mỗi cấp.

Tính chất dân chủ được thể hiện trong các cuộc họp của Ủy ban Mặt trận, của Đoàn Chủ tịch và các cuộc họp giữa các tổ chức thành viên đều mang tính chất hiệp thương dân chủ, bình đẳng giữa các thành viên là tổ chức và cá nhân tiêu biểu. Việc thảo luận mọi vấn đề đều tiến đến thấu tình, đạt lý, không áp đặt, không gò ép; mở rộng dân chủ và phát huy cao độ quyền làm chủ trực tiếp của các thành viên trong Mặt trận Tổ quốc mỗi cấp.

Hiệp thương dân chủ không chỉ thực hiện trong các cuộc họp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, mà còn phải thực hiện dân chủ trong quá trình thực hiện các quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029. ẢNH: HƯƠNG DIỆP

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029. ẢNH: HƯƠNG DIỆP

Nguyên tắc của hiệp thương dân chủ

Thứ nhất, nguyên tắc thỏa thuận, thương lượng, là bàn bạc cho thấu tình, đạt lý để đi đến thống nhất một vấn đề nào đó của nội dung bàn bạc về tổ chức, nhân sự; về chương trình hành động đối với các hoạt động, như: hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật trong Nhân dân, hoạt động giám sát và phản biện xã hội, công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân… Không thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. Tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc và mục tiêu của liên minh chính trị.

Thứ hai, nguyên tắc của hiệp thương dân chủ là thực hiện tự nguyện của các thành viên tổ chức và thành viên cá nhân trong Mặt trận Tổ quốc; không thực hiện cưỡng bức, áp đặt.

- Về tổ chức, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp gia nhập Mặt trận đều thực hiện trên cơ sở tự nguyện, tán thành Điều lệ và các quy định của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, làm đơn gia nhập Mặt trận Tổ quốc, được Ủy ban Mặt trận cùng cấp xem xét công nhận. Thủ tục, trình tự gia nhập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện theo văn bản hướng dẫn Điều lệ của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Về hoạt động, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có các quyền và trách nhiệm được quy định tại Điều 2, Điều 3 Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Việc thực hiện chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc là trên cơ sở tự nguyện của các tổ chức thành viên, cá nhân tiêu biểu, gắn với chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức, cá nhân. Điều lệ không quy định chế độ hướng dẫn, kiểm tra, hoạt động của các tổ chức thành viên.

Trong sinh hoạt và hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các thành viên trình bày ý kiến của mình, cùng trao đổi bàn bạc và thống nhất. Không dùng mệnh lệnh gò ép, áp đặt. Nếu có ý kiến khác nhau trên những vấn đề cụ thể thì cùng nhau trao đổi, thảo luận cho thấu tình, đạt lý, thuyết phục, động viên để đi tới sự đồng thuận.

Thứ ba, nguyên tắc phối hợp và thống nhất hành động là sự phối hợp giữa các tổ chức thành viên, giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc với Ban lãnh đạo của các tổ chức thành viên trong Mặt trận Tổ quốc, để thực hiện Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được Đại hội, hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở mỗi cấp thông qua.

Khi chương trình phối hợp thống nhất hành động được Đại hội, Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thông qua, các tổ chức thành viên, các cá nhân tiêu biểu tự đặt kế hoạch thực hiện sự phối hợp và thống nhất hành động đó, tự đánh giá kết quả công việc và hành vi xử sự của mình, không cần có sự đôn đốc của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở cấp mình; tự nguyện thông tin cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc theo quy định của Điều lệ và Quy chế phối hợp công tác trong các tổ chức thành viên với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở mỗi cấp.

Công tác phối hợp và thống nhất hành động là để thực hiện các quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong các công tác vận động Nhân dân, hội viên, đoàn viên; phối hợp công tác xây dựng pháp luật, xây dựng Đảng và Nhà nước; công tác giám sát và phản biện xã hội; công tác dân tộc, tôn giáo, công tác đối ngoại nhân dân; thông qua các hình thức cử cán bộ tham gia các hoạt động của mỗi bên, tham gia hội thảo các chuyên đề, phối hợp đi giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương về mặt công tác nào đó khi cần thiết của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, của các tổ chức thành viên.

Nội dung của nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong Ủy ban, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc

Thứ nhất, các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Mặt trận Tổ quốc đều được thỏa thuận, thương lượng để cử ra làm việc theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ, được bàn bạc, thỏa thuận và thống nhất trước và trong Đại hội theo quy định của Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận các cấp làm việc theo chế độ tập thể bàn bạc và quyết định theo đa số, có phân công cá nhân phụ trách (Điều 10 Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).

Thứ hai, cơ quan hiệp thương cao nhất của Mặt trận Tổ quốc là Đại hội đại biểu toàn quốc; cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là Đại hội đại biểu từng cấp. Giữa hai kỳ của Đại hội, cơ quan hiệp thương là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở mỗi cấp.

Thứ ba, chương hành động, lời kêu gọi, tuyên bố của Mặt trận Tổ quốc được thảo luận, thỏa thuận và thống nhất, được đa số thành viên trong cuộc họp tán thành.

Thứ tư, khi phối hợp và thống nhất hành động, các thành viên của Mặt trận Tổ quốc tuân theo Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời vẫn giữ tính độc lập của tổ chức mình (Điều 5 Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).

Từ những nguyên tắc nêu trên, tại Điều 6 Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp về tổ chức, do vậy mỗi tổ chức thành viên có cơ cấu tổ chức và hoạt động theo Điều lệ của tổ chức mình, với những phương thức hoạt động phù hợp đối tượng thành viên, đoàn viên, hội viên. Sự phối hợp và thống nhất hành động là theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ để thực hiện mục tiêu chung và theo chương trình phối hợp và thống nhất hành động chung đã thống nhất trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp.

Quá trình thực hiện vai trò chủ trì hiệp thương dân chủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã ngày càng thực hiện tốt các nguyên tắc của hiệp thương dân chủ và nội dung của nguyên tắc hiệp thương trong việc xây dựng tổ chức và hoạt động ở mỗi cấp. Số lượng thành viên gia nhập tổ chức Mặt trận ở Trung ương ngày càng nhiều. Đại hội III Mặt trận Tổ quốc ở Trung ương số thành viên là 139 vị, trong đó thành viên là tổ chức có 29 vị và thành viên là cá nhân tiêu biểu là 110 vị. Đến Đại hội VIII tổng số thành viên là 445, trong đó 45 là thành viên tổ chức, 400 thành viên là cá nhân tiêu biểu.

Ở địa phương, từ khi có Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1999, nay là Luật Mặt trận Tổ quốc năm 2015, tổ chức thành viên và cá nhân tiêu biểu trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã ngày càng nhiều lên về số lượng và chất lượng.

Về công tác xây dựng chương trình phối hợp và thống nhất hoạt động được thực hiện hiệp thương trước và trong Đại hội, hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở mỗi cấp để đề ra Chương trình hành động 5 năm và hàng năm của Mặt trận Tổ quốc ở mỗi cấp, trên cơ sở 7 quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.

Mặt trận Tổ quốc đã chủ trì hiệp thương dân chủ trong việc thực hiện các quyền, và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng được phát huy, chặt chẽ và hiệu quả, rõ vai, rõ việc, rõ trách nhiệm, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, như:

1) Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tham gia xây dựng bộ máy nhà nước, thông qua công tác hiệp thương 5 bước để lựa chọn giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương; 2) Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức hội nghị hiệp thương với các tổ chức thành viên lựa chọn giới thiệu người để Hội đồng nhân dân bầu làm Hội thẩm tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; 3) Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc mỗi cấp thực hiện công tác hiệp thương dân chủ để thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện các hoạt động giám sát và phản biện xã hội; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân để phản ánh với Đảng, kiến nghị với Nhà nước và thực hiện các hoạt động đối ngoại nhân dân.

Nhờ thực hiện tốt công tác hiệp thương dân chủ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, việc thực hiện các hoạt động của Mặt trận ngày càng đem lại kết quả ngày càng tốt hơn, mặc dù mấy năm qua, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, nhưng Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức hành viên đã thực hiện tốt nhiệm vụ do Đại hội đề ra, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực thiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng và bảo vệ vệ Tổ quốc.

Giải pháp phát huy vai trò chủ trì hiệp thương dân chủ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Về nhận thức, tư tưởng

Tiếp tục nâng cao nhận thức trong tổ chức, bộ máy, cán bộ Mặt trận và các thành viên của Mặt trận Tổ quốc về vai trò chủ trì công tác hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 tại Điều 4 quy định: “Tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động”. Như vậy, hiệp thương dân chủ là nguyên tắc cơ bản, chủ đạo trong tổ chức và hoạt động, còn phối hợp và thống nhất hành động là một phương thức hoạt động cơ bản hàng đầu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Do vậy, trong tư duy người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ Mặt trận và các tổ chức thành viên phải luôn luôn quán triệt các nguyên tắc nêu trên.

Về hành động

Phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc không chỉ để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thông qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, mà cả trong tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; thực hiện các hoạt động giám sát và phản biện xã hội; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân để phản ánh với Đảng, kiến nghị với Nhà nước; trong các hoạt động đối ngoại nhân dân và cả khi ra tuyên bố, lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phối hợp và thống nhất hành động ở tất cả 4 cấp trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhất là ở cấp xã, chú trọng Ban Công tác Mặt trận ở địa bàn dân cư thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum sóc.

Các tổ chức thành viên và thành viên cá nhân thực hiện quyền và trách nhiệm của mình theo quy định tại các điều 2, 3 và 4 Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Vai trò các chủ thể

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp có trách nhiệm chủ trì công tác hiệp thương với các thành viên của Mặt trận trong các hội nghị Ủy ban để thương lượng và thỏa thuận về dự kiến xây dựng cơ cấu thành phần, số lượng Ủy viên Ủy ban, Ủy viên Đoàn Chủ tịch (ở Trung ương); và thỏa thuận, thương lượng về dự thảo chương trình phối hợp thống nhất hành động để thỏa thuận và quyết định tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc theo nhiệm kỳ.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp có trách nhiệm chủ trì công tác hiệp thương với đại diện Ban lãnh đạo các tổ chức thành viên để thương lượng, thỏa thuận về kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp công tác hàng năm, để các tổ chức thành viên chủ động xây dựng Kế hoạch phối hợp và thống nhất hành động của tổ chức mình với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở mỗi cấp.

Đối với những hoạt động của Mặt trận Tổ quốc có liên quan đến quyền và trách nhiệm của tổ chức thành viên nào đó hoặc liên quan đến đối tượng vận động của tổ chức thành viên nào đó, Ban Thường trực mời đại diện của tổ chức thành viên đó tham gia hoạt động, nhằm tăng cường sự phối hợp và thống nhất hành động của Mặt trận Tổ quốc ở mỗi cấp.

Các tổ chức thành viên đều độc lập về tổ chức, do cấp ủy cùng cấp lãnh đạo, Mặt trận Tổ quốc chỉ phối hợp và thống nhất hành động với các tổ chức thành viên trong các hoạt động chung mang tính toàn dân, để phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng quần chúng. Ngoài các hoạt động này, từng đoàn thể nhân dân còn có nhiệm vụ riêng của mình, không xem là hoạt động của Mặt trận Tổ quốc.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở mỗi cấp định kỳ hàng năm tổ chức các lớp tập huấn cán bộ để nâng cao nhận thức tư tưởng về vai trò chủ trì hiệp thương dân chủ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; về chương trình phối hợp và thống nhất hành động; về kỹ năng thực hành các hoạt động về tuyên truyền, vận động; về giám sát và phản biện xã hội; về tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.v

Chú thích:

1. Trung tâm từ điển học, Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 1995, tr. 423.

2. Sách tra cứu các mục từ về tổ chức, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 330.

ĐỖ DUY THƯỜNG - Ủy viên Đoàn Chủ tịch,

nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/nghien-cuu/vai-tro-chu-tri-hiep-thuong-trong-hoat-dong-cua-mat-tran-to-quoc-viet-nam-cac-cap-57593.html
Zalo