Vải batik trong đời sống và văn hóa Indonesia và Malaysia

Được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2009 và được quốc tế công nhận là một loại vải lịch sử của nền văn minh loài người, vải batik được cho là có lịch sử hơn 1.000 năm trải dài khắp các vùng tại châu Phi, châu Á và Trung Đông, đặc biệt là tại hai quốc gia Đông Nam Á là Indonesia và Malaysia.

Được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2009 và được quốc tế công nhận là một loại vải lịch sử của nền văn minh loài người, vải batik được cho là có lịch sử hơn 1.000 năm trải dài khắp các vùng tại châu Phi, châu Á và Trung Đông, đặc biệt là tại hai quốc gia Đông Nam Á là Indonesia và Malaysia.

Hiện nguồn gốc thực sự của vải batik vẫn chưa được xác định, tuy nhiên có nhiều nhà nghiên cứu tin rằng loại vải này đã được vận chuyển đến châu Á thông qua tiểu lục địa Ấn Độ. Truyền thống làm vải batik được tìm thấy ở nhiều quốc gia, bao gồm Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka. Tuy nhiên, vải batik được cho là đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật tại đảo Java của Indonesia vào thế kỷ 19.

Vải batik của Indonesia được sản xuất tại đảo Java chứng kiến lịch sử lâu đời về sự giao thoa văn hóa, với nhiều họa tiết đa dạng chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác nhau. Đây cũng là nơi loại vải batik ghi nhận trình độ phát triển phức tạp nhất về họa tiết, kỹ thuật và chất lượng. Nghề thủ công batik thường được truyền lại trong các gia đình qua nhiều thế hệ, gắn liền với bản sắc văn hóa của người dân Indonesia và thông qua ý nghĩa tượng trưng của màu sắc và họa tiết, thể hiện sự sáng tạo và tính tâm linh trong đời sống.

Từ “batik” được cho là bắt nguồn từ từ “ambatik” có nghĩa là “một tấm vải có những chấm nhỏ”. Batik cũng có thể bắt nguồn từ từ “tritik” trong tiếng Java nhằm mô tả một quy trình nhuộm chống thấm, trong đó các hoa văn được giữ lại trên vải bằng cách buộc và khâu các khu vực trước khi nhuộm. Từ này lần đầu tiên được ghi lại bằng tiếng Anh trong Encyclopædia Britannica năm 1880, trong đó nó được viết là battik. Bằng chứng cho loại vải này được chứng thực tại Indonesia trong thời kỳ thuộc địa của Hà Lan dưới nhiều cái tên khác nhau như mbatek, mbatik, batek và batik.

Các họa tiết và màu sắc trên vải batik thường là dấu hiệu thể hiện nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội và vị trí địa lý. Màu sắc truyền thống của vải batik Trung Java thường bao gồm màu xanh lam, nâu, be và đen, trong khi một số hoạt tiết thường gặp bao gồm Kawung (các vòng tròn giao nhau), Ceplok (các thiết kế hình học), Parang (họa tiết dao) hay Prada (vải batik được trang trí bằng lá vàng hoặc bụi vàng). Những hoạt tiết này được lấy cảm hứng từ các nền văn hóa như Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc và Hà Lan, từ đó tạo nên sự phong phú về màu sắc và họa tiết.

Quốc gia láng giềng của Indonesia là Malaysia cũng tuyên bố vải batik là một di sản của tổ tiên mình. Theo tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Văn hóa Oslo (Na Uy), nghề làm vải batik của Malaysia chịu ảnh hưởng từ Java về mặt kỹ thuật cũng như quá trình phát triển các thiết kế vải, đặc biệt là từ thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 16 khi Vương quốc Malacca vẫn đang ở thời kỳ đỉnh cao.

Trong thời kỳ Malaysia là thuộc địa của Bồ Đào Nha, các báo cáo thương mại do Duarte Barbosa - một nhà văn và sĩ quan của Ấn Độ thuộc Bồ Đào Nha vào những năm 1500 - đã ghi lại mối quan hệ thương mại giữa bán đảo Mã Lai và Indonesia không bị ảnh hưởng mặc dù "bị chiếm đóng bởi hai quốc gia châu Âu khác nhau", khiến các học giả suy luận rằng vải batik đã được du nhập vào Malaysia thông qua hoạt động thương mại hàng hải trước đây với Java.

Theo một báo cáo của Đại học Malaya (Malaysia) về “Sự phát triển của vải batik Malaysia từ những năm 1950 đến những năm 1980”, hoạt động sản xuất vải batik chủ yếu tập trung dọc theo bờ biển phía Đông của Malaysia, nơi mà một nhóm người định cư và thương nhân Java đầu thế kỷ 20 đã sinh sống. Những người này bắt đầu quá trình sản xuất vải batik tại nhà một cách nhỏ lẻ ở các khu vực như Kuala Terengganu và Kelantan.

Hiện vải batik Malaysia có thể được tìm thấy ở bờ biển phía đông Malaysia như Kelantan, Terengganu và Pahang, trong khi vải batik ở bang Johor rõ ràng cho thấy ảnh hưởng của vải batik Java và Sumatra (Indonesia) vì có rất nhiều người Java và Sumatra nhập cư vào miền nam Malaysia. Nghề thủ công này đã phát triển tính thẩm mỹ và thiết kế riêng, mang tính đặc trưng của Malaysia.

Quy trình sản xuất vải Batik truyền thống tại Indonesia bao gồm hai loại là đóng dấu và vẽ lên vải bằng cách sử dụng sáp nóng cùng một dụng cụ chuyên dụng để vẽ sáp thành các đường và các chấm gọi là canting. Canting là một đặc trưng mà chỉ Indonesia mới có.

Phương pháp làm vải batik của Malaysia khác với phương pháp của Indonesia. Cụ thể, các họa tiết trên vải batik của Malaysia thường lớn hơn với họa tiết đơn giản hơn, chủ yếu theo chủ đề cây cối và hoa cỏ, màu sắc cũng có xu hướng nhạt hơn và rực rỡ hơn so với vải batik Java màu đậm. Canting rất hiếm được sử dụng mà thay vào đó, các nghệ nhân chủ yếu sẽ sử dụng kỹ thuật vẽ bằng cọ.

Vải batik Indonesia có hàng trăm họa tiết từ nhiều vùng và tỉnh khác nhau trải dài khắp đất nước, với mỗi hoạt tiết chứa đựng ý nghĩa triết học sâu sắc. Do đó, vải batik có thể được phân biệt theo vùng xuất xứ, chẳng hạn như vải batik Solo, vải batik Pekalongan và vải batik Madura. Vải batik từ Java có thể được phân biệt theo họa tiết và màu sắc chung thành các loại vải batik pedalaman (vải batik nội lục) hoặc vải batik pesisir (vải batik ven biển). Các loại vải batik không thuộc một trong hai loại này chỉ được gọi theo vùng.

Ngoài ra, vải batik còn được phân biệt theo cách phong cách khác nhau bao gồm Batik Tulis, Batik Cap, Batik Lukris và Batik Pesisir.

Batik Tulis, hay còn được gọi là batik “viết”, được coi là phương thức sản xuất phải batik truyền thống và tinh tế nhất. Phương pháp này đòi hỏi sự tập trung và tay nghề thủ công cao khi nghệ nhân sử dụng canting để vẽ tay các họa tiết phức tạp lên vải bằng parafin nóng hoặc sáp ong được nấu chảy.

Cả hai mặt của tấm vải sẽ đều được xử lý bằng sáp trước khi được nhuộm. Việc bôi sáp nhiều lần đảm bảo độ bền cho họa tiết, khiến chúng trở nên sạch và rõ nét trên sản phẩm cuối cùng. Quá trình này có thể mất vài ngày, thậm chí đến cả năm để hoàn thành.

Đối với Batik Cap, hay batik “đóng dấu”, quy trình này không sử dụng canting hay đòi hỏi việc vẽ các hình ảnh bằng tay mà thay vào đó hoạt tiết sáp sẽ được đóng lên vải giống như đóng con dấu. Việc sản xuất loại vải batik này đòi hỏi một công cụ gọi là “canting cap” – công cụ mà các nghệ nhân sử dụng để đóng dấu các thiết kế lặp lại giống nhau và từ đó giúp đẩy nhanh quá trình trang trí.

Phong cách vải batik này ít mang tính cá nhân hơn, nhưng họa tiết được tạo ra nhanh hơn, dễ hơn và đồng đều hơn, do đó ít tốn kém hơn so với vải Batik Tulis vẽ tay. Cùng với Batik Tulis, Batik Cap được UNESCO công nhận là một phần của di sản văn hóa quan trọng.

Batik Lukis có liên quan tới việc vẽ các họa tiết, hình ảnh hoặc đường nét lên vải trắng chưa nhuộm bằng các loại công cụ vẽ đa dạng như cọ vẽ, tăm hay cán chổi. Thường được gọi là tranh batik, Batik Lukis là một sự phát triển mới hơn một chút so với 2 hình thức đầu tiên và là một phong cách ít truyền thống hơn, sáng tạo hơn, cho phép phát triển các hình ảnh mới và họa tiết hiện đại.

Phong cách này thường liên quan đến tính thẩm mỹ và lựa chọn cá nhân của các nghệ nhân nhiều hơn là tính biểu tượng văn hóa. Màu nhuộm và họa tiết sáp trong Batik Lukis cũng có xu hướng vui nhộn và mang tính thử nghiệm cao hơn.

Đối với Batik Pesisir, còn được biết đến là "batik ven biển", đây là quy trình sản xuất batik đóng dấu được thực hiện trên đảo Java cũng như các vùng ven biển khác của Indonesia. Phong cách này trở nên phổ biến khi các thương gia Hà Lan, Trung Quốc và Ấn Độ tham gia vào ngành công nghiệp batik.

Dù đã tồn tại hàng thế kỷ, Batik Pesisir là một phong cách tương đối mới khi chỉ trở nên phổ biến vào thế kỷ 19 và ít gắn liền với một di sản văn hóa cụ thể. Không mang giá tri biểu tượng lâu đời và thể hiện địa vị như các phong cách batik lịch sử, Batik Pesisir tập trung nhiều hơn vào khía cạnh thời trang, thương mại và tính phổ biến. Kỹ thuật được sử dụng để sản xuất vải batik theo phong cách này cũng ít cứng nhắc hơn. Chịu ảnh hưởng lớn từ nghệ thuật Hồi giáo vào thế kỷ 16, phong cách Batik Pesisir có xu hướng ưa chuộng màu đỏ và xanh lam rực rỡ hơn là các màu đen và nâu truyền thống hơn.

Sự tồn tại và sử dụng vải batik đã được ghi nhận từ thế kỷ 12 và kể từ đó, loại vải này đã trở thành bản sắc của người Indonesia. Vải batik được sử dụng cho nhà Vua và các thành viên trong hoàng gia, với họa tiết thể hiện rõ cấp bậc của người mặc. Loại vải này cũng được sử dụng để làm địu cho trẻ em, làm trang phục truyền thống cho phụ nữ, trang phục cho cô dâu, chú rể và người nhà trong đám cưới hay thậm chí còn được sử dụng trong tang lễ.

Trang phục batik đóng vai trò trung tâm trong một số nghi lễ như lễ ném vải batik vào núi lửa, lễ naloni mitoni (lễ mang thai đầu tiên) của người Java khi người mẹ tương lai được quấn 7 lớp vải batik nhằm cầu mong những điều tốt đẹp hay lễ tedak siten. Vải batik sử dụng trong các nghi lễ trước đây thường được trang trí bằng lá vàng hoặc bụi vàng. Loại vải này được gọi là vải prada (một từ tiếng Java có nghĩa là vàng). Hiện loại vải này vẫn được sản xuất, tuy nhiên vải nhuộm màu vàng đã được thay thế cho việc sử dụng lá vàng và bụi vàng.

Vải batik còn được sử dụng trong đồng phục của hãng hàng không quốc gia Indonesia là Garuda Indonesia. Hiện nay, vải batik không chỉ được sử dụng để may quần áo mà còn được sử dụng làm vải trang trí, vải bạt treo tường, khăn trải bàn, phụ kiện gia dụng cũng như tranh.

Vào ngày 2/10 hàng năm, người dân Indonesia kỷ niệm Ngày Batik Quốc gia - ngày kỷ niệm việc UNESCO công nhận vải batik là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Vào ngày kỷ niệm này, chính phủ thường kêu gọi người dân Indonesia mặc quần áo làm từ vải batik như một hành động hưởng ứng và tôn vinh văn hóa.

Ngân Hà

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/vai-batik-trong-doi-song-va-van-hoa-indonesia-va-malaysia-37809.html
Zalo