Vạch trần chiêu trò lừa đảo sang Campuchia làm 'việc nhẹ lương cao'

Trước sự chứng kiến của 12 thôn làng đồng bào Xơ Đăng, 2 nạn nhân mắc bẫy 'việc nhẹ lương cao' đã tự nguyện chia sẻ câu chuyện bị lừa đảo, cuộc sống địa ngục trần gian ở đất khách. Qua câu chuyện kể, các nạn nhân mong muốn đồng bào Xơ Đăng sẽ có đủ nhận thức, tránh sập bẫy chiêu trò lừa đảo của đối tượng xấu.

Clip Hội nghị nhận diện chiêu bài lừa gạt đồng bào dân tộc thiểu số sang Campuchia làm việc nhẹ lương cao

 A Nhanh chia sẻ câu chuyện bị lừa đảo. Ảnh: HỮU PHÚC

A Nhanh chia sẻ câu chuyện bị lừa đảo. Ảnh: HỮU PHÚC

Ngày 26-3, UBND xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) phối hợp Công an xã tổ chức “Hội nghị nhận diện chiêu bài lừa gạt đồng bào dân tộc thiểu số sang Campuchia làm việc nhẹ lương cao”.

Tham dự có anh A Kun và A Nhanh, 2 người dân xã Đăk Na bị kẻ xấu lừa gạt sang Campuchia làm việc nhẹ lương cao, vừa được giải cứu trở về. Hội nghị còn có lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể, già làng, người có uy tín của 12 thôn trên địa bàn; các doanh nghiệp, hợp tác xã uy tín đang có nhu cầu tuyển dụng lao động.

 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: HỮU PHÚC

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: HỮU PHÚC

Hội nghị được phát livestream để đồng bào Xơ Đăng trên toàn huyện Tu Mơ Rông xem trực tuyến.

Mở đầu hội nghị, ông Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch UBND xã Đăk Na cho biết, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng xấu đã dụ dỗ, lừa gạt họ sang Campuchia làm các công việc lừa đảo. Tại xã Đăk Na, vừa qua, có 3 công dân bị lừa sang Campuchia làm công việc 1.000 USD/tháng, nhưng họ bị đánh đập, tra tấn, sau đó được giải cứu đưa về nhà.

 Chủ tịch UBND xã Đăk Na Nguyễn Thanh Thủy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HỮU PHÚC

Chủ tịch UBND xã Đăk Na Nguyễn Thanh Thủy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HỮU PHÚC

“Xã tổ chức hội nghị trước sự chứng kiến của 12 thôn nhằm mục đích cảnh báo, để người dân trên địa bàn nắm rõ thủ đoạn, không bị mắc bẫy. Xã đã mời 2 nhân chứng sống là A Kun, A Nhanh tham gia và chính họ sẽ kể câu chuyện bị đối tượng xấu lừa đảo để các thôn nắm rõ thủ đoạn”, Chủ tịch UBND xã Đăk Na Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.

 A Kun và A Nhanh (bên trái) tham gia hội nghị với tư cách là nhân chứng của nạn lừa đảo làm việc nhẹ lương cao. Ảnh: HỮU PHÚC

A Kun và A Nhanh (bên trái) tham gia hội nghị với tư cách là nhân chứng của nạn lừa đảo làm việc nhẹ lương cao. Ảnh: HỮU PHÚC

Trước 12 thôn làng, anh A Kun, A Nhanh thuật lại câu chuyện bị đối tượng xấu lừa gạt với chiêu trò giới thiệu công việc nhẹ nhàng, nhận mức lương khủng với thù lao 1.000 USD/tháng. 2 anh cho biết, chính cám dỗ về mức lương cao đã khiến các anh bị sa vào bẫy, dẫn đến chuỗi ngày ác mộng ở đất khách. Đó là bị đánh đập, bỏ đói, cuộc sống như “địa ngục trần gian”.

 A Nhanh mong muốn câu chuyện của bản thân anh kể, sẽ giúp người dân cảnh giác, không bị mắc bẫy làm việc nhẹ lương cao. Ảnh: HỮU PHÚC

A Nhanh mong muốn câu chuyện của bản thân anh kể, sẽ giúp người dân cảnh giác, không bị mắc bẫy làm việc nhẹ lương cao. Ảnh: HỮU PHÚC

“Trải qua thời gian tăm tối ở Campuchia, tôi thấy nhớ nhà, nhớ quê hương, nhận ra không đâu tốt bằng quê hương mình. Tôi chỉ ước được thoát khỏi thảm cảnh hiện tại để trở về quê hương, được sống bên người thân, gia đình, được đi làm với công việc phù hợp với năng lực. Cuối cùng, tôi cũng được người dân, chính quyền hỗ trợ, giải cứu đưa về nhà. Nhìn thấy căn nhà thân thuộc, tôi hạnh phúc vô cùng. Tôi cảm ơn quê hương đã cưu mang, che chở, cứu giúp tôi được làm lại cuộc đời. Tôi sẽ nỗ lực chăm chỉ sản xuất, trở thành công dân có ích cho xã hội”, anh A Kun nói.

Clip ông A Xơi, bố anh A Kun mong qua câu chuyện con ông chia sẻ bị lừa đảo, người dân sẽ không còn bị lừa

Anh A Kun cho biết thêm, việc anh tự nguyện chia sẻ câu chuyện bị lừa với hy vọng người dân, cộng đồng thôn làng đồng bào Xơ Đăng cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo của kẻ xấu.

 A Kun rưng rưng nước mắt khi kể về câu chuyện bị lừa gạt. Ảnh: HỮU PHÚC

A Kun rưng rưng nước mắt khi kể về câu chuyện bị lừa gạt. Ảnh: HỮU PHÚC

Chủ tịch UBND xã Đăk Na Nguyễn Thanh Thủy, cho biết, việc 3 công dân bị lừa gạt ngoài lý do cám dỗ về mức lương, nhận thức hạn chế thì có 1 phần do chưa có công việc ổn định. Thời gian qua, xã đã kết nối người dân tham gia lao động tại các hợp tác xã, doanh nghiệp có uy tín. Nhờ đó, nhiều đồng bào đã có được việc làm ổn định. Trong đó, anh A Kiên, một nạn nhân bị lừa gạt sang Campuchia làm việc nhẹ lương cao, khi được giải cứu trở về, đã tham gia làm công nhân cao su của Chi nhánh 716 (Binh đoàn 15) với mức lương từ 8,5 đến 10 triệu đồng/tháng. Hiện xã đang kết nối tìm việc làm cho anh A Kun, A Nhanh. Công an xã đang hỗ trợ 3 công dân làm các giấy tờ cá nhân.

 Trưởng Công an xã Đăk Na cam kết sẽ hỗ trợ 3 công dân bị lừa gạt làm các thủ tục giấy tờ, ổn định cuộc sống. Ảnh: HỮU PHÚC

Trưởng Công an xã Đăk Na cam kết sẽ hỗ trợ 3 công dân bị lừa gạt làm các thủ tục giấy tờ, ổn định cuộc sống. Ảnh: HỮU PHÚC

Tại hội nghị, UBND xã Đăk Na cũng đã mời hộ dân có kinh nghiệm đi xuất khẩu lao động bằng con đường chính ngạch chia sẻ kinh nghiệm đi xuất khẩu lao động để đồng bào Xơ Đăng tham khảo, xem xét lựa chọn tìm kiếm công việc phù hợp, an toàn, hiệu quả.

 UBND xã Đăk Na và Chi nhánh 716 ký ghi nhớ ưu tiên tuyển dụng lao động đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Đăk Na. Ảnh: HỮU PHÚC

UBND xã Đăk Na và Chi nhánh 716 ký ghi nhớ ưu tiên tuyển dụng lao động đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Đăk Na. Ảnh: HỮU PHÚC

UBND xã Đăk Na đã ký kết hợp ghi nhớ hợp tác cung cấp lao động đồng bào dân tộc thiểu số cho Chi nhánh 716. Theo đó, đồng bào dân tộc thiểu số xã Đăk Na có nhu cầu làm công nhân sẽ được công ty ưu tiên tuyển dụng, từ đó giúp họ có nguồn thu nhập ổn định.

 Ông A Xơi, bố anh A Kun nói qua câu chuyện con ông chia sẻ, người dân sẽ cảnh giác, không bị mắc bẫy việc nhẹ lương cao. Ảnh: HỮU PHÚC

Ông A Xơi, bố anh A Kun nói qua câu chuyện con ông chia sẻ, người dân sẽ cảnh giác, không bị mắc bẫy việc nhẹ lương cao. Ảnh: HỮU PHÚC

HỮU PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/vach-tran-chieu-tro-lua-dao-sang-campuchia-lam-viec-nhe-luong-cao-post787753.html
Zalo