Vắc xin ở Việt Nam phòng được những chủng cúm nào?

Dịch cúm mùa đang hoành hành ở các tỉnh phía Bắc, khiến nhiều người nhập viện, có trường hợp phải thở máy, thở ECMO... Theo các bác sĩ, người đã tiêm vắc xin cúm ít bị biến chứng nặng.

 Người dân chờ đợi tiêm phòng cúm.

Người dân chờ đợi tiêm phòng cúm.

Người tiêm phòng ít bị chuyển nặng

Ở nước ta, các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Cúm mùa lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi.

Theo CDC Việt Nam, mỗi năm trên thế giới có khoảng 9 - 45 triệu trường hợp mắc cúm với khoảng trên 61.000 trường hợp tử vong do biến chứng viêm phổi do cúm.

Tại Việt Nam, nhiều bệnh viện đang có lượng bệnh nhân cúm rất đông. Trong đó, nhiều người đã phải thở máy, thở ECMO, hầu hết là có bệnh nền.

Có kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân cúm trong nhiều năm, điều dưỡng Hà Thị Thanh Hoa - Khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết bệnh cúm có thể biến chứng nặng, nguy hiểm ở những người có bệnh mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Trong các biện pháp phòng bệnh cúm, một nội dung quan trọng mà Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân là tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng, chống cúm.

 Tiêm phòng cúm rất quan trọng với người lớn tuổi

Tiêm phòng cúm rất quan trọng với người lớn tuổi

Vắc xin cúm có thể “đẩy lùi” 4 chủng cúm

TS. Lê Kiến Ngãi - Trưởng Khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin: Tiêm vắc xin phòng cúm là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh và tránh các biến chứng nặng.

Hiện nay ở Việt Nam đang phổ biến 4 loại vắc xin phòng cúm là vắc xin Influvac Tetra (Hà Lan), GC Flu Quadrivalent (Hàn Quốc), Ivacflu-S (Việt Nam) và Vaxigrip tetra (Pháp). Trong đó, vắc xin Vaxigrip tetra, Influvac tetra, GCFlu quadrivalent phòng được 4 chủng cúm gồm 2 chủng cúm A và 2 chủng cúm B

Sau khi tiêm vắc xin cúm được một tháng, cơ thể hình thành kháng thể cao nhất bảo vệ người tiêm khỏi các chủng virus cúm có trong vắc xin. Sau khi tiêm rồi vẫn có thể mắc bệnh do một số nguyên nhân như thời gian tác động của vắc xin chưa đủ; mắc phải chủng cúm không được ngăn ngừa trong vắc xin; cơ thể không thể đáp ứng hệ miễn dịch cho vắc xin cúm; không tiêm nhắc lại hàng năm...

“Tuy nhiên, phần lớn những người bị mắc cúm sau khi đã tiêm phòng cúm đủ liều sẽ có triệu chứng nhẹ hơn và giảm tỷ lệ các biến chứng của bệnh so với những người chưa tiêm chủng” - điều dưỡng Hà Thị Thanh Hoa nhấn mạnh.

 Các trạm y tế xã đang triển khai tiêm phòng cho trẻ.

Các trạm y tế xã đang triển khai tiêm phòng cho trẻ.

Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn đều nên tiêm phòng cúm, đặc biệt là nhóm người có nguy cơ cao dễ gặp biến chứng: Người trên 65 tuổi; phụ nữ đang mang thai hoặc dự định mang thai; trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi; người có bệnh mãn tính: hen, tiểu đường, tim mạch, ung thư, suy thận,...; người suy giảm miễn dịch; người có tiếp xúc trực tiếp với những người thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm cúm.

Theo các bác sĩ, việc hàng năm phải tiêm nhắc lại vắc xin cúm bởi có rất nhiều chủng virus, chúng luôn biến đổi. Các kháng thể được tạo ra đáp ứng với vắc xin cúm hiệu quả trong năm nay nhưng có thể không còn tác dụng đối với virus cúm trong năm sau. Các thành phần của vắc xin cúm được nghiên cứu, cập nhật và thay đổi hàng năm để phù hợp hơn với các chủng virus cúm đang lưu hành năm đó.

“Chính vì virus cúm có nhiều chủng và biến đổi thường xuyên, nên dù mới khỏi cúm, vẫn nên tiêm phòng cúm” - điều dưỡng Hà Thị Thanh Hoa nhấn mạnh.

Bên cạnh tiêm phòng vắc xin, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết; khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Thanh Hằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/vac-xin-o-viet-nam-phong-duoc-nhung-chung-cum-nao-post182820.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat
Zalo