Vắc xin Abdala của Cuba: Đối thủ của Pfizer và Moderna

Trong nỗ lực đầy tham vọng nhằm tự chủ về vắc xin, Cuba đã đặt tên cho một trong những loại thuốc của mình là Abdala, theo tên một câu ca kịch nổi tiếng của anh hùng độc lập và biểu tượng quốc gia Jose Marti.

Vắc xin COVID-19 của Cuba mang tên Abdala. Ảnh: Xinhua

Bài liên quan

Cuba ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng cao kỷ lục

Mỹ cảnh báo Cuba, Venezuale từ chối các tàu nghi chở vũ khí của Iran

Cuba giận dữ trước cáo buộc khủng bố mới của Mỹ

Ông Raul Castro thôi giữ vị trí lãnh đạo Đảng Cộng sản Cuba

Theo quan điểm của nhiều người Cuba, đó là cái tên hoàn hảo cho loại vắc xin COVID-19 đầu tiên được phát triển ở Mỹ Latinh. Và hình ảnh hoàn hảo cho câu chuyện về một hòn đảo nhỏ với 11 triệu cư dân đang háo hức cho thấy mình không thể bị phá hủy bởi một loại virus chết người và cuộc phong tỏa kinh tế kéo dài suốt 60 năm của Mỹ, nơi tự hào có nhiều nhà khoa học lỗi lạc.

Ngôi sao khoa học mới của Cuba

Một trong số đó là Gerardo Enrique Guillen Nieto, giám đốc nghiên cứu y sinh tại Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học (CIGB) ở Havana, nơi Abdala được phát triển.

Chủ nhật tuần trước vào Ngày của Cha, truyền hình Cuba đã chiếu một đoạn quảng cáo có sự góp mặt của ông Guillen Nieto, 58 tuổi. Cùng với âm nhạc du dương, nhà khoa học xuất hiện trong phòng thí nghiệm của mình trong khi con trai ông nói trước máy quay về cách cha mình làm việc không mệt mỏi vì gia đình và mọi người.

Nhà khoa học Gerardo Enrique Guillen Nieto. Ảnh: TC

"Chúng tôi đã làm việc toàn thời gian kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch, mỗi thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, từ sáng sớm cho đến tận đêm khuya, không một giây phút nghỉ ngơi", nhà khoa học cho biết trong clip. "Và chúng tôi rất phấn khởi vì kết quả vượt quá sự mong đợi của chúng tôi. Vắc xin rất tốt, ngay cả tôi cũng không mong đợi kết quả như vậy".

Theo tập đoàn công nghệ sinh học nhà nước, BioCubaFarma, Abdala đã chứng minh được khoảng 92,28% hiệu quả chống lại COVID-19 trong các thử nghiệm lâm sàng, ngang hàng với các loại vắc xin hiệu quả nhất từ BioNTech-Pfizer và Moderna. Những tràng pháo tay lớn đã nổ ra trong khán phòng của CIGB tuần này khi kết quả ấn tượng được công bố.

Kể từ đó, ông Guillen Nieto trở thành ngôi sao mới của cả Cuba cũng như thế giới. Cả thế giới muốn biết công thức thành công của Abdala. Vắc xin Cuba không phải là vắc xin vectơ cũng như không hoạt động với công nghệ mRNA. Thay vào đó, nó là một loại vắc xin protein. Điều đó có nghĩa là nó mang một phần protein đột biến mà virus sử dụng để liên kết với các tế bào của con người. Nó bám vào các thụ thể của protein đột biến của chính virus, do đó kích hoạt phản ứng miễn dịch. Các nhà khoa học đang sử dụng nấm men như một liên kết thụ thể.

Chương trình tiêm chủng của chính phủ đã được triển khai vào giữa tháng 5 với Abdala và vắc xin tự sản xuất thứ hai là Soberana 2, thậm chí trước khi hoàn thành giai đoạn ba của thử nghiệm lâm sàng. Đây là những loại vắc xin đầu tiên trên hòn đảo này kể từ khi Cuba từ chối nhập khẩu bất kỳ mũi tiêm nào từ Nga hoặc Trung Quốc. Cuba cũng đã quyết định không tham gia sáng kiến COVAX do Liên hợp quốc hậu thuẫn, một dự án toàn cầu nhằm đưa COVID-19 đến các quốc gia bất kể giàu nghèo.

“Chúng tôi biết rằng cuối cùng chúng tôi luôn phải dựa vào chính mình, vào sức mạnh và khả năng của chính mình", ông Guillen Nieto nói, ám chỉ đến sự cô lập chính trị do lệnh cấm vận của Mỹ gây ra và nhấn mạnh "Kết quả là một hệ thống chăm sóc sức khỏe không chỉ miễn phí mà còn được kiểm soát tập trung, và đã hoàn thiện khả năng ứng phó nhanh với thảm họa, với các chiến dịch tiêm chủng hoặc thậm chí là sản xuất vắc xin".

Tiêm phòng để hạn chế lây nhiễm COVID-19

Theo ông Guillen Nieto, 2,2 triệu người Cuba đã được tiêm mũi vắc xin đầu tiên, 1,7 triệu người được tiêm 2 mũi và 900.000 người được tiêm 3 mũi.

Abdala được tiêm ba liều, với khoảng cách hai tuần giữa mỗi lần tiêm. Dựa trên các kế hoạch đầy tham vọng của chính phủ, 70% dân số của đất nước sẽ được tiêm phòng trước tháng 8.

Đó là một cuộc chạy đua với thời gian vì số ca nhiễm mới trên đảo Caribe đang tăng đều đặn với hơn 2.000 ca mỗi ngày. Gần 1.200 người đã chết vì COVID-19 ở Cuba. Ông Guillen Nieto đang tin tưởng vào chiến dịch tiêm chủng của đất nước sẽ thay đổi được cục diện.

Ông nói: “Có một mức độ tin tưởng chưa từng có đối với hệ thống y tế Cuba. Ví dụ, chúng tôi không bao giờ gặp vấn đề trong việc tìm kiếm tình nguyện viên khi thử nghiệm lâm sàng. Ở Cuba, mọi người cực kỳ mong muốn được tiêm chủng. Không ai ở đây sẽ nghĩ đến việc không được tiêm chủng vì mọi người đều biết tiêm chủng quan trọng như thế nào".

Một hội đồng chuyên gia độc lập ở Havana hiện sẽ xem xét kỹ lưỡng vắc xin Abdala và dự kiến phê duyệt khẩn cấp chính thức trong hai tuần tới. Sau đó, Cuba cũng có thể nộp đơn lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để chấp thuận cho Abdala sử dụng trên phạm vi quốc tế. Bolivia, Jamaica, Venezuela, Argentina và Mexico đã thể hiện sự quan tâm với vắc xin của Cuba.

Một cụ ông được tiêm phòng COVID-19 ở Cuba. Ảnh: AP

WHO chia sẻ sự lạc quan

Nhưng liệu Abdala có thực sự là loại vắc xin thần kỳ mà những con số hứa hẹn? Có lẽ ông Jose Moya là người thích hợp nhất để đánh giá điều này. Bác sĩ người Peru khởi nghiệp là một nhà dịch tễ học 30 năm trước tại quê hương Ayacucho của ông, sau đó làm việc cho Tổ chức Bác sĩ không biên giới ở Guatemala, Mozambique và Nigeria.

Trong hai năm qua, ông Moya là đại diện tại Cuba của PAHO (Tổ chức Y tế Liên Mỹ), một tổ chức khu vực của WHO với 27 văn phòng quốc gia. Và ông tin tưởng vào những số liệu của Cuba.

"Viện Nghiên cứu CIGB có 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu vắc xin. Tôi tin tưởng vào kết quả đã được công bố. Đây là những nghiên cứu nghiêm túc, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu và các tổ chức cam kết về khoa học", ông Moya nói.

Bằng chứng tốt nhất là thực tế rằng 80% tất cả các loại vắc xin của Cuba được sản xuất trong nước, ông Moya nói. Ông không ngạc nhiên về hiệu quả cao của Abdala, nói rằng đó chỉ đơn giản là hệ quả hợp lý của một hệ thống chăm sóc sức khỏe đã hoạt động ổn định trong nhiều thập kỷ.

Ông nói: “Các kết quả được các nhà khoa học công bố trước đó đã cho thấy một phản ứng tốt về mặt sản xuất kháng thể".

Tuy nhiên, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel không muốn dựa vào các đánh giá khoa học về loại vắc xin mới. Đối với ông, nỗ lực theo đuổi các giải pháp tự sản xuất thay vì nhập khẩu vắc xin nước ngoài là một thành công của ngành công nghệ sinh học Cuba.

"Thành công này chỉ có thể được so sánh với sự hy sinh to lớn của chúng tôi. Đó là một ví dụ về niềm tự hào với ngành công nghiệp dược phẩm của đất nước, nơi vốn đã phải sống với lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ từ năm 1962", ông Miguel cho biết.

Hoàng Việt

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vac-xin-abdala-cua-cuba-doi-thu-cua-pfizer-va-moderna-post141278.html
Zalo