Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn:Phát huy sức mạnh 'Dân vận khéo' trong giải quyết nhiệm vụ khó khăn, phức tạp

Gần 15 năm qua, phong trào thi đua 'Dân vận khéo' đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn thành phố Hà Nội với trung bình hơn 10.000 mô hình được đăng ký thực hiện mỗi năm, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn cho biết, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Hội thi “Dân vận khéo” năm 2024 đang diễn ra sôi nổi ở các quận, huyện, thị xã, thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo khí thế và động lực mới để quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả giai đoạn 2020-2025, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn.

Vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, đường lối

- Cách đây gần 15 năm, Ban Dân vận Trung ương chính thức phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong cả nước. Đồng chí có thể chia sẻ những kết quả nổi bật mà Đảng bộ Thủ đô đạt được trong việc triển khai phong trào thi đua ý nghĩa này?

- Quán triệt sâu sắc quan điểm “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, thời gian qua, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, đường lối của Trung ương để vận động, tập hợp nhân dân. Qua đó đã phát huy dân chủ, khơi dậy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng chung sức, đồng lòng xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.

Cách đây 15 năm, Ban Dân vận Trung ương chính thức phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong cả nước bằng Kế hoạch số 70-KH/BDVTƯ ngày 26-2-2009. Thủ đô Hà Nội là địa phương tích cực hưởng ứng và có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao. Trong các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020, 2020-2025; Thành ủy đều ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố. Ban Dân vận Thành ủy đã chủ động ban hành các đề án, văn bản hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong từng năm và từng giai đoạn; phát huy tốt vai trò của tổ dân vận, tổ chức việc đăng ký, xây dựng, công nhận, lan tỏa và biểu dương, khen thưởng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” từ từng xóm, thôn, tổ dân phố đến cấp thành phố với các nội dung thiết thực, bám sát các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, các vấn đề khó khăn, phức tạp của từng địa phương, đơn vị và toàn thành phố.

Để động viên, khích lệ, tuyên truyền và nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, Ban Dân vận Thành ủy đã tham mưu, triển khai cuộc thi viết về gương “Dân vận khéo” các năm 2018, 2020; tổ chức hội thi “Dân vận khéo” bằng hình thức sân khấu hóa năm 2019; phát hành cuốn sách “Những điển hình “Dân vận khéo” của Thủ đô”; hưởng ứng cuộc thi Báo chí viết về gương “Dân vận khéo”…

Có thể nói, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố được triển khai sâu rộng, thu hút sự tham gia tích cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân.

Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm, toàn thành phố có hơn 10.000 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký thực hiện trên 4 lĩnh vực: Xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và được đăng ký triển khai tại 3 cấp: Cấp cơ sở; cấp quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy và cấp thành phố. Hàng nghìn mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ghi nhận, biểu dương khen thưởng và nhân rộng, đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.

- Trong nhiệm kỳ 2020-2025, một trong những “điểm sáng” của phong trào thi đua “Dân vận khéo” là những mô hình trong lĩnh vực văn hóa xã hội, góp phần xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu và xây dựng đời sống văn hóa mới. Xin đồng chí chia sẻ thêm về những mô hình này?

- Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025", Ban Dân vận Thành ủy đã ban hành Đề án số 13-ĐA/BDVTU về “Xây dựng và triển khai mô hình “Dân vận khéo” gắn với thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.

Các mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực văn hóa - xã hội đã được hệ thống dân vận thành phố triển khai rất sáng tạo, phong phú, thiết thực; hướng tới nội dung: Bồi dưỡng tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc và khát vọng xây dựng, phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường, bài trừ các hủ tục lạc hậu. Trong đó, mô hình vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được thực hiện bài bản, kiên trì, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng và thu được kết quả nổi bật. Tại nhiều địa phương, nhiều đám cưới được thực hiện theo nếp sống mới, tổ chức tại nhà văn hóa, tổ chức tiệc trà, báo hỷ, không ăn uống linh đình, kéo dài nhiều ngày…

Trong việc tang, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đã vận động các gia đình tổ chức chu đáo, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa của địa phương. Các hủ tục như lăn đường, khóc mướn… hầu như không còn. Tỷ lệ hỏa táng ở các địa phương ngày một tăng; nhiều địa phương đạt hơn 90%; có thôn, tổ dân phố đạt 100%.

Đặc biệt, trong năm 2023, Ban Dân vận Thành ủy đã chủ trì xây dựng và phát hành cuốn sách “Dân vận khéo” trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, giới thiệu 40 mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu và được gửi tới gần 5.000 tổ dân vận thôn, tổ dân phố, là “cẩm nang” để các đơn vị tham khảo trong triển khai, nhân rộng phong trào.

Những kết quả trên đã góp phần hình thành một nếp sống mới, đồng thời gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của người Hà Nội.

Phát huy sức mạnh của nhân dân

- Phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian qua cũng đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để giải quyết các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp của thành phố. Đồng chí có thể chia sẻ rõ hơn về những kết quả quan trọng này?

- Thực tế thời gian qua cho thấy, vai trò của công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” càng được khẳng định khi thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, trong những hoàn cảnh cam go, thử thách; trở thành bài học kinh nghiệm quý trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tiêu biểu là “Dân vận khéo” trong phòng, chống đại dịch Covid-19 đã phát huy vai trò nòng cốt của hệ thống chính trị ở cơ sở, huy động hàng trăm nghìn cán bộ, đoàn viên, hội viên tham gia hơn 26.000 “Tổ Covid-19 cộng đồng” ở 579 xã, phường, thị trấn; vận động nhân dân thực hiện quy định phòng, chống dịch; vận động tín đồ, chức sắc tôn giáo tạm dừng tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, điểm, nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung để phòng chống dịch; phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, huy động nguồn lực to lớn từ nhân dân để cùng với cấp ủy, chính quyền thực hiện công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, kéo dài.

Đặc biệt, trong công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án trọng điểm của thành phố, nhất là Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, công tác dân vận đã vào cuộc tích cực từ sớm, với cách làm chủ động, khoa học, bài bản, tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, với các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên; thường xuyên nắm tình hình, tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận với chủ trương, chính sách của thành phố, đồng thời, kiến nghị với cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân... Những hoạt động trên đã đóng góp quan trọng vào việc khởi công dự án đúng tiến độ, trong thời gian ngắn.

Qua 15 năm, có thể khẳng định, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được thành phố quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả, có sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ với các phong trào thi đua, các cuộc vận động và bám sát nhiệm vụ chính trị của thành phố, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Qua đó đã phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

- Những ngày qua, Hội thi “Dân vận khéo” năm 2024 diễn ra sôi nổi trên địa bàn thành phố. Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của sự kiện này?

- Thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), ngay từ đầu năm 2024, Ban Dân vận Thành ủy đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 48-KH/BDVTU về tổ chức Hội thi “Dân vận khéo” năm 2024; xác định đây là hoạt động trọng điểm của ngành Dân vận chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” (15/10/1949 - 15/10/2024), 94 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2024), 25 năm “Ngày Dân vận của cả nước” (15/10/1999 - 15/10/2024) và 15 năm triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” (15/10/2009 - 15/10/2024).

Nhiều quận, huyện đã tổ chức hội thi sôi nổi từ thôn, tổ dân phố đến xã, phường, thị trấn, tạo không khí phấn khởi, thực sự là “ngày hội” của những người làm công tác dân vận Thủ đô. Theo kế hoạch, vòng chung khảo hội thi cấp thành phố sẽ được tổ chức trong tháng 9-2024.

Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về công tác dân vận của Đảng, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò công tác dân vận; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác dân vận; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; qua đó tạo khí thế, quyết tâm mới để thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của thành phố… Hội thi cũng là dịp để tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm, khuyến khích sự sáng tạo của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận, đồng thời nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trên địa bàn thành phố.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/uy-vien-ban-thuong-vu-thanh-uy-truong-ban-dan-van-thanh-uy-ha-noi-do-anh-tuan-phat-huy-suc-manh-dan-van-kheo-trong-giai-quyet-nhiem-vu-kho-khan-phuc-tap-672003.html
Zalo