Uy lực của xe tăng lội nước hạng nhẹ Sprut-SDM1

Với những thiết bị hiện đại, pháo cỡ lớn cùng khả năng vượt chướng ngại nước, xe tăng hạng nhẹ Sprut- SDM1 của Nga đang thu hút sự quan tâm trên thị trường vũ khí toàn cầu.

Theo Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới (TSAMTO) của Nga, dù phổ biến trong Chiến tranh thế giới thứ hai và những thập kỷ sau chiến tranh, nhưng vào đầu thế kỷ này, xe tăng hạng nhẹ dường như đã trở thành dĩ vãng. Tuy nhiên, ngày nay, xe tăng hạng nhẹ với nhiều cải tiến đáng kể bắt đầu được ưa chuộng trở lại trong lực lượng vũ trang các nước. Các cường quốc quân sự đã tăng cường đầu tư chế tạo các loại xe tăng hạng nhẹ hiện đại để đối phó với mối đe dọa từ máy bay không người lái (UAV) cảm tử hạng nhẹ mang theo lựu đạn chống tăng hoặc súng phóng lựu.

Xe tăng lội nước hạng nhẹ Sprut-SDM1 là phiên bản cải tiến của xe tăng Sprut-SD. Ảnh: RT

Xe tăng lội nước hạng nhẹ Sprut-SDM1 là phiên bản cải tiến của xe tăng Sprut-SD. Ảnh: RT

Trong khi Trung Quốc có xe tăng hạng nhẹ “leo núi” Type 15, Mỹ có M10 Booker thì Nga sản xuất xe tăng hạng nhẹ Sprut-SDM1. Trong một số cuộc phỏng vấn, các quan chức cấp cao của Tập đoàn nhà nước Rostec (Nga), trong đó có công ty High Precision Systems thuộc Tập đoàn, đã liên tục gọi phương tiện này là xe tăng lội nước.

Là phiên bản cải tiến của xe tăng Sprut-SD, nhìn từ bên ngoài, Sprut-SDM1 khác với mẫu xe tăng thế hệ cũ ở chỗ loại xe tăng này có ống ngắm hiện đại và súng máy PKTM điều khiển từ xa trên nóc tháp pháo. Ngoài ra, lớp giáp bảo vệ tiêu chuẩn của Sprut-SDM1 còn được trang bị bộ bảo vệ bổ sung. Đây là một bộ màn chắn và lưới bọc thép bảo vệ khỏi sát thương từ đạn tích lũy của đối phương. Bộ bảo vệ bổ sung được chế tạo trên cơ sở các nguyên tắc giống như ở các xe tăng chiến đấu chủ lực trong kho vũ khí của Quân đội Nga như T-62M, T-72B3M, T-80BVM, T-90A/M. Khi được trang bị bộ bảo vệ bổ sung và thiết bị tác chiến điện tử, khả năng đối đầu của Sprut-SDM1 trước vũ khí mới của đối phương như UAV cảm tử hạng nhẹ có thể so sánh với xe tăng chiến đấu chủ lực.Với pháo 125mm, xe tăng hạng nhẹ Sprut-SDM1 không hề thua kém xe tăng chiến đấu chủ lực về hỏa lực nhưng nhẹ và gọn hơn, giúp kíp lái cơ động hơn, nhanh chóng tìm và rời vị trí bắn.

Xe tăng lội nước hạng nhẹ Sprut-SDM1 không hề thua kém xe tăng chiến đấu chủ lực về hỏa lực nhưng nhẹ và gọn hơn. Ảnh: Rostec.

Xe tăng lội nước hạng nhẹ Sprut-SDM1 không hề thua kém xe tăng chiến đấu chủ lực về hỏa lực nhưng nhẹ và gọn hơn. Ảnh: Rostec.

Khi chuyển từ Sprut-SD sang phiên bản cải tiến Sprut-SDM1, động cơ 2V-06-2S được thay thế bằng UTD-29T-01 có công suất 450 mã lực. Súng máy đồng trục PKTM cỡ nòng 7,62 mm đã được bổ sung thêm khẩu thứ hai trong hệ thống điều khiển từ xa. Sprut-SDM1 sở hữu tổ hợp chế áp quang-điện tử giúp ngăn chặn hiệu quả các cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc hệ thống laser. Sprut-SDM1 còn được trang bị các ống ngắm quang-điện tử chụp ảnh nhiệt từ xa ngày và đêm với đường ngắm ổn định. Theo Bộ Quốc phòng Nga, thiết bị liên lạc trang bị cho Sprut-SDM1 được tích hợp vào hệ thống điều khiển cấp chiến thuật thống nhất, giúp đơn giản hóa việc sử dụng thiết bị trong các hoạt động chung của Lực lượng đổ bộ đường không (VDV) và Lực lượng mặt đất.

Một ưu thế nổi trội của Sprut-SDM1 là khả năng “lội nước”. Sprut-SDM1 không cần phải có thời gian chuẩn bị vượt qua chướng ngại nước. Điều này có nghĩa là Sprut-SDM1 không gặp rủi ro lớn khi gặp chướng ngại nước như xe tăng chiến đấu chủ lực. Hè 2023, thông qua văn phòng báo chí của Công ty High Precision Systems, Rostec đã thông báo về việc hoàn thành giai đoạn chính trong quá trình thử nghiệm cấp nhà nước đối với Sprut-SDM1. Trong các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước, Sprut-SDM1 cho thấy hiệu quả tốt khi thử nghiệm các đặc tính nổi ở Biển Đen. Về khả năng cơ động trên mặt nước và trên bộ, Sprut-SDM1 có thể so sánh với xe chiến đấu đổ bộ BMD-4M.

 Xe tăng lội nước hạng nhẹ Sprut-SDM1 trong cuộc thử nghiệm ở Biển Đen. Ảnh: RIA Novosti

Xe tăng lội nước hạng nhẹ Sprut-SDM1 trong cuộc thử nghiệm ở Biển Đen. Ảnh: RIA Novosti

Xe tăng lội nước có giá trị đặc biệt trong điều kiện của Đông Nam Á. Từ năm 1951 đến năm 1967, hơn 3.000 chiếc xe tăng lội nước hạng nhẹ PT-76 đã được sản xuất tại Liên Xô. Sự hiện diện của các xe tăng lội nước hạng nhẹ PT-76 trong quân đội của một số nước Đông Nam Á đã giúp họ đạt được nhiều thành tựu. Hiện nay, một số xe tăng PT-76 vẫn đang phục vụ trong lực lượng mặt đất và thủy quân lục chiến của một số nước đang phát triển. Trong bối cảnh PT-76 đã lỗi thời, với nhiều ưu thế hơn, Sprut-SDM1 được xem là ứng cử viên tốt nhất để thay thế.

TÚ ANH (Theo armstrade.org)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/uy-luc-cua-xe-tang-loi-nuoc-hang-nhe-sprut-sdm1-810678
Zalo