Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Chiều 27/9, phiên họp toàn thể lần thứ 8 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội đã cho ý kiến thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì phiên họp.
Trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Phan Viết Lượng cho biết, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2024).
Sau Kỳ họp, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật (tháng 8/2024), Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (ngày 27/8/2024), gửi xin ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội (từ ngày 5 - 24/9/2024).
Đến nay, dự thảo Luật sau khi tiếp thu ý kiến của UBTVQH, các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiếp thu ý kiến của các Đoàn đại biểu quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, gồm 09 chương, 100 điều, giảm 02 điều so với dự thảo CP trình Quốc hội.
Dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện hầu hết các điều, khoản, như các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; về sở hữu di sản văn hóa, nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể; về các hành vi bị nghiêm cấm; các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể, di sản tư liệu; các quy định về bảo tàng, hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa và điều kiện bảo đảm, QLNN về hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa…
Ông Phan Viết Lượng cho rằng, dự thảo Luật cũng đã rà soát, chỉnh lý để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; hoàn thiện, bổ sung nhiều nội dung lớn
Các quy định tại dự thảo Luật được sửa đổi trên cơ sở kế thừa nhiều quy định của Luật hiện hành, chỉnh lý và tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội chuyên trách cơ bản tán thành các nội dung tại Báo cáo mọt số vấn để lớn về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.
Ngay sau phiên họp này, Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo cục tiếp tục phối hợp với các cơ quan soạn thảo, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban, ý kiến của các Đoàn đại biểu quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, dự thảo Báo cáo giải trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Phát biểu tại phiên làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Bộ sẽ tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các đại biểu hôm nay. Tính tới thời điểm này liên quan đến việc xây dựng Luật đã có tới 14 buổi làm việc giữa các cấp, các cơ quan liên quan để thống nhất giải trình, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật.
Nhắc lại nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: "Chưa có bộ luật nào mà cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra lại có sự thống nhất như hiện nay", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, trong thời gian qua Bộ VHTTDL và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện dự thảo Luật với mong muốn biến di sản thành tài sản, mong muốn di sản sẽ không bị mất đi mà được bảo tồn, phát huy, góp phần vào sự phát triển đất nước; hội nhập quốc tế sâu rộng./.