Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số

Kiến nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển; hằng năm bố trí thêm nguồn kinh phí đặc thù, giúp cho các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện triển khai đầu tư các công trình bức xúc ở những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu, giúp chính quyền, Nhân dân và đồng bào DTTS các địa phương vùng DTTS nâng cao khả năng ứng phó với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đó là một trong những đề xuất của ông Trần Hoàng Nhỏ, Trưởng Ban dân tộc tỉnh tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS năm 2024, vào sáng nay (16/9).

Đoàn giám sát do ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, làm trưởng đoàn. Tiếp và làm việc cùng đoàn có ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đại diện HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ngành và lãnh đạo huyện.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết, việc giám sát nhằm tổng hợp, đánh giá kết quả triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ở các địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết, việc giám sát nhằm tổng hợp, đánh giá kết quả triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ở các địa phương.

Tại buổi giám sát, ông Trần Hoàng Nhỏ, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: “Tổng vốn năm 2022 và năm 2023 để thực hiện dự án 1 là 16.241 triệu đồng, đã thực hiện hỗ trợ và giải ngân được đạt trên 99% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, hỗ trợ đất ở cho 11 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 283 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 201 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt cho 406 hộ. Các chính sách hỗ trợ có tác động trực tiếp đến đồng bào DTTS, đặc biệt là các nội dung hỗ trợ thuộc Dự án 1 của Chương trình đã được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện khá quyết liệt, đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, yêu cầu cấp thiết về điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt của hộ nghèo vùng đồng bào DTTS, giúp nhiều hộ từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo”.

Bà Bùi Lệ Oanh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đề xuất tăng mức hỗ trợ cho đối tượng tham gia học nghề.

Bà Bùi Lệ Oanh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đề xuất tăng mức hỗ trợ cho đối tượng tham gia học nghề.

Việc rà soát, lựa chọn đối tượng thụ hưởng được thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở, đúng đối tượng, đúng định mức, không chồng chéo, có sự tham gia, ý kiến thống nhất của người dân và cộng đồng nơi bình xét. Ưu tiên lựa chọn các đối tượng khó khăn hơn như: hộ dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù; đối tượng là nữ dân tộc thiểu số; đối tượng thuộc nhóm bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn…

Cũng từ Dự án 1, số hộ gia đình được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tự ổn định chỗ ở; xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở; tạo quỹ đất sản xuất, học nghề và chuyển đổi nghề là 176 hộ, đã giải ngân 6.545 triệu đồng.

“Bên cạnh những kết quả đạt được, tiến độ triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình (trong đó có Dự án 1) cũng như tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn khá chậm, chưa đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp. Các chính sách có tác động trực tiếp, tác động lớn đến đời sống của đồng bào vùng DTTS như chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất thì luôn phải đối mặt với áp lực rất lớn trong việc tạo quỹ đất để triển khai hỗ trợ. Chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề (thay cho đất sản xuất) thì có định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thấp (không quá 10 triệu đồng/hộ) thật sự chưa phát huy được hiệu quả trong việc hỗ trợ thoát nghèo cho đối tượng thụ hưởng”, ông Trần Hoàng Nhỏ cho biết thêm.

Để thực hiện có kết quả các dự án của Chương trình, tại buổi giám sát, Ban Dân tộc tỉnh kiến nghị, đề xuất cơ quan thường trực Chương trình, bộ, ban, ngành Trung trong tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung cơ chế quy định riêng nhằm mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng của "Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn II: từ năm 2026-2030” đối với hộ cận nghèo thuộc địa bàn các xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng DTTS;

nghiên cứu, xem xét đề xuất cơ chế ưu tiên về định mức hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương cho các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (cao hơn khoảng 1,5-2 lần so với định mức chung của Chương trình) để thực hiện các nội dung chính sách hỗ trợ về: đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt, nhất là định mức hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các địa phương vùng DTTS của các tỉnh trong khu vực, nhằm phù hợp hơn với suất đầu tư thực tế của vùng.

“Riêng đối với Dự án 1 "Giải quyết tình trạng thiểu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt", kiến nghị Trung ương xem xét, ban hành cơ chế hỗ trợ "tạo quỹ đất sản xuất" từ ngân sách Nhà nước để địa phương triển khai hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng thuộc Chương trình”, ông Trần Hoàng Nhỏ kiến nghị.

Tại buổi giám sát, thành viên đoàn cùng các đại biểu cùng thảo luận, trao đổi, làm rõ những nội dung liên quan đến việc thực hiện Dự án 1.

Tính đến nay, có 406 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt, mỗi hộ được hỗ trợ 3 triệu đồng để mua bồn chứa nước sinh hoạt. (Ảnh minh họa)

Tính đến nay, có 406 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt, mỗi hộ được hỗ trợ 3 triệu đồng để mua bồn chứa nước sinh hoạt. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết: “Việc giám sát trực tiếp triển khai thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình nhằm tổng hợp, đánh giá kết quả triển khai thực hiện của các địa phương, đơn vị, góp phần chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra vi phạm, tiêu cực; kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc, hạn chế, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng quy định. Đối với những ý kiến, đề xuất liên quan đến các nội dung thực hiện Dự án 1 của Chương trình, đoàn giám sát tổng hợp, ghi nhận, kịp thời phản ánh lên cấp có thẩm quyền để các nội dung của Chương trình được thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới”.

Quỳnh Anh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/uy-ban-trung-uong-mttq-viet-nam-giam-sat-viec-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-vung-dan-toc--a34459.html
Zalo