Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về tiếp xúc cử tri
Sáng 6-1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua với 100% ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết nhất trí.
Nghị quyết mới được xây dựng trên cơ sở tích hợp dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Nghị quyết mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bao gồm 7 chương, 58 điều, trong đó có 31 điều quy định chung với việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, 27 điều quy định riêng đối với việc tiếp xúc cử tri của từng chủ thể.
Trong đó, chương 1 có 3 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, nguyên tắc tiếp xúc cử tri.
Chương 2 gồm 14 điều, quy định về quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp xúc cử tri.
Chương 3 gồm 19 điều, quy định về hoạt động, hình thức, nội dung tiếp xúc cử tri.
Chương 4 gồm 7 điều, quy định về tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Chương 5 gồm 8 điều, quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị giải quyết kiến nghị cử tri.
Chương 6 gồm 4 điều, quy định về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Chương 7 gồm 3 điều, quy định về điều khoản thi hành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định, Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày được thông qua (6-1-2025).