Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cụ thể số lượng xã được sắp xếp

Theo kết luận của Trung ương, sẽ sắp xếp khoảng 60 - 70% đơn vị cấp xã trong tổng số khoảng 10.035 xã trên cả nước. Tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét số lượng cụ thể các xã được sắp xếp.

Sáng 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 44. Theo chương trình dự kiến, phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong hai tuần. Đợt 1 từ ngày 14/4 đến ngày 17/4 và đợt 2 từ ngày 22/4 đến ngày 28/4.

Cho ý kiến về hồ sơ sửa đổi Hiến pháp

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết đây là phiên họp rất quan trọng, khối lượng công việc rất lớn để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15.

Theo chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến, xem xét, quyết định 42 nhóm nội dung tại phiên họp, bao gồm 24 nhóm nội dung về công tác lập hiến, lập pháp, 10 nhóm nội dung về kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng, 8 nội dung thuộc thẩm quyền đồng thời cho ý kiến xem xét, quyết định bằng văn bản đối với 5 nội dung khác.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp.

Trong đó, sau khi Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Theo kết luận của Trung ương, sẽ sắp xếp khoảng 60 - 70% đơn vị cấp xã. Hiện nay trên toàn quốc có khoảng 10.035 xã và tại phiên họp này sẽ xem xét số lượng cụ thể các xã được sắp xếp.

Bên cạnh những nội dung chính thức đã được đưa vào chương trình, Chủ tịch Quốc hội cũng cho hay còn rất nhiều nội dung trong chương trình dự phòng cần xem xét để phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; sắp xếp các đơn vị hành chính; xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; thực hiện yêu cầu của Ban chỉ đạo về phục vụ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị; tháo gỡ các điểm nghẽn để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều sửa đổi Hiến pháp năm 2013, lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

“Việc sửa đổi Hiến pháp là nhiệm vụ đặc biệt hệ trọng với khối lượng công việc rất lớn, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức gắn với chủ trương là tinh gọn, sắp xếp tổ chức hệ thống chính trị theo tinh thần Kết luận 126, 127 của Bộ Chính trị và Ban chỉ đạo của Trung ương”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Ngoài ra, hiện nay Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan liên quan đang rất nỗ lực triển khai các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực để chủ động ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ với Việt Nam. “Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng xem xét các vấn đề thuộc thẩm quyền để nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân để phát triển kinh tế xã hội liên quan đến chính sách miễn, giảm, giãn thuế đối với các doanh nghiệp và của Mỹ”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Nhiệm vụ lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay

Tổng kết lại, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tính đến thời điểm này, nhiệm vụ lập pháp tại kỳ họp thứ 9 là lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Theo chương trình của kỳ họp gửi tới các vị đại biểu, Quốc hội xem xét thông qua tới 30 luật và 7 nghị quyết, cho ý kiến 6 dự án luật. So với Kỳ họp thứ tám, số lượng luật thông qua là 18 luật, thì kỳ này thông qua 30 luật là số lượng rất là lớn, chưa kể rất nhiều các luật, nghị quyết khác đang được Chính phủ, các cơ quan tiếp tục đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp.

Toàn cảnh phiên họp sáng 14/4.

Toàn cảnh phiên họp sáng 14/4.

Hiện nay, một số dự án luật vẫn thực hiện theo quy trình cũ theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Trong khi nhiều dự án luật sẽ thực hiện theo quy trình lập pháp mới theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi năm 2025. Do đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cơ quan cần bám sát quy định của pháp luật để triển khai công việc.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, sau khi Hội nghị Trung ương quyết định những vấn đề lịch sử, Chính phủ cụ thể hóa, thì trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội là phải làm hết sức mình để thực hiện các nghị quyết của Đảng. Trên tinh thần thấu tình đạt lý lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, các kiến nghị, đề xuất hiện nay mà Chính phủ đang trình Quốc hội để xem xét sẽ được giải quyết một cách nhanh nhất, tốt nhất để đảm bảo năm 2025 đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong điều kiện sát nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp xã với nhiều vấn đề tổ chức liên quan, Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Trong phiên làm việc sáng 14/4, ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về: dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2025.

Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về: dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều 157 của Luật Đất đai (bao gồm cả nội dung giảm tiền thuê đất năm 2025); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về: dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án (theo đề xuất của Ban Chỉ đạo 1568); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc một số dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về: Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội; Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025 (trong đó có nội dung: Việc điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2025 để bố trí ít nhất 3% ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tiếp tục nâng lên 2% GDP trong 5 năm tiếp theo và việc thực hiện các nhiệm vụ phát sinh năm 2025 gắn với sắp xếp bộ máy, miễn giảm học phí; dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương, số bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương và tỷ lệ phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương sau sáp nhập tỉnh).

Cùng với đó là Báo cáo của Chính phủ về tài chính nhà nước năm 2023, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 (trong đó có nội dung kết quả huy động, sử dụng và thanh toán, quyết toán tổng thể nguồn lực chi cho phòng, chống dịch COVID-19 của giai đoạn 2020 - 2022); chủ trương hỗ trợ vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam từ nguồn ngân sách nhà nước; việc bố trí nguồn thanh toán các khoản nợ thuộc trách nhiệm của Chính phủ thuộc Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC)...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026; xem xét, quyết định phương án phân bổ sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024; xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và cho ý kiến về Đề án, Phương án thiết kế xây dựng Bảo tàng Quốc hội Việt Nam.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-se-xem-xet-cu-the-so-luong-xa-duoc-sap-xep-174506.html
Zalo