Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 45, chiều 17/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày Tờ trình tóm tắt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn–Pleiku.
Theo đó, Mục tiêu đầu tư dự án là góp phần hình thành trục ngang Đông - Tây kết nối vùng Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung bộ, kết nối hệ thống trục dọc (đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông, Quốc lộ 1, đường bộ ven biển), phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo; từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Về quy mô đầu tư, điểm đầu cao tốc Quy Nhơn – Pleiku tại Quốc lộ 19B thuộc địa phận Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tổng chiều dài khoảng 125 km; trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định khoảng 40 km, qua địa phận tỉnh Gia Lai khoảng 85 km.

Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh báo cáo tại phiên họp.
Dự án đi qua địa phận Thị xã An Nhơn và huyện Tây Sơn thuộc tỉnh Bình Định; thị xã An Khê, huyện Đắk Pơ, huyện Mang Yang, huyện Đắk Đoa và Thành phố Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai. Quy mô đầu tư 04 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường là 24,75 m. Tiêu chuẩn kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 100, tương ứng với vận tốc thiết kế 100 km/h.
Tổng diện tích đất sử dụng sơ bộ: khoảng 942,15 ha, gồm: đất trồng lúa khoảng 189,92 ha; đất lâm nghiệp khoảng 257,35 ha; các loại đất khác theo quy định của pháp luật đất đai khoảng 494,88 ha. Số hộ bị ảnh hưởng: khoảng 491 hộ. Đề xuất hình thức đầu tư Dự án là đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư là khoảng 43.734 tỷ đồng. Đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024, nguồn ngân sách trung ương và địa phương giai đoạn 2021 – 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2025, hoàn thành năm 2029.

Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku. Theo báo cáo, dự án đáp ứng các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 8 của Luật Đầu tư công. Do đó, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án là phù hợp với quy định của pháp luật. Hồ sơ Dự án, cơ bản đáp ứng yêu cầu tại Điều 21 của Luật Đầu tư công. Theo báo cáo thẩm tra, Chính phủ đề xuất phân chia Dự án thành 02 dự án thành phần, theo địa giới hành chính của tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, dự kiến tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai sẽ sáp nhập thành tỉnh Gia Lai, khi đó Dự án sẽ nằm trọn trong địa bàn một tỉnh. Bên cạnh đó, Dự án có địa hình phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao, do đó đề nghị làm rõ hơn các nguyên tắc, tiêu chí phân chia các dự án thành phần của Dự án nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất hiệu quả của toàn bộ Dự án và phù hợp với định hướng sát nhập 02 tỉnh gắn với năng lực quản lý của địa phương.
Về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội quyết định. Chính phủ căn cứ quy định của Luật Đầu tư công hiện hành báo cáo bổ sung việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của Dự án.

Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự phiên họp.
Để bảo đảm tiến độ, hiệu quả cho Dự án thì việc cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là cần thiết. Chính phủ đề xuất 09 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho Dự án, theo đó cơ bản các chính sách đặc thù, đặc biệt này đã được Quốc hội cho phép áp dụng đối với một số dự án quan trọng quốc gia trong thời gian qua, do đó đề xuất của Chính phủ là có cơ sở. Tuy nhiên, một số chính sách đã được điều chỉnh so với các chính sách tương tự được áp dụng cho một số dự án thời gian qua. Do đó, đề nghị thuyết minh làm rõ hơn việc điều chỉnh một số chính sách này. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các cơ chế, chính sách áp dụng, bảo đảm các cơ chế chính sách này khả thi, phù hợp đối với tính chất, mục tiêu của Dự án.
Thảo luận, cho ý kiến về dự án, đa số các đại biểu đồng tình Tờ trình tóm tắt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn–Pleiku. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương về dài hạn, cần xem xét phạm vi dự án từ An Nhơn đến cửa khẩu Lệ Thanh (thay vì chỉ kéo dài đến thành phố Pleiku). Như vậy sẽ tạo ra hành lang giao thông thuận lợi, kết nối trực tiếp các tỉnh Tây Nguyên và các nước láng giềng, nhất là trong xu thế kết nối giữa các nước Asean, thúc đẩy giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế vùng biên giới. Ngoài ra, sẽ giúp phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh vùng biên giới phía tây.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp.
Ông Trần Minh Khương, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, việc đầu tư ngay từ đầu 4 làn xe có thể sẽ gây lãng phí, với lưu lượng xe không đông và còn nhiều tuyến đường khác chạy song song thay thế được. Vì vậy giai đoạn 1 giải phóng mặt bằng quy mô 4 làn xe, nhưng đầu tư xây dựng 2 làn đường và đến năm 2035 có thể nâng lên 4 làn xe theo kế hoạch
Chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tán thành tờ trình Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn–Pleiku. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Dự án cao tốc Quy Nhơn–Pleiku phải phù hợp với quy hoạch đã được duyệt, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật tuyến đường, phù hợp với các điều kiện tự nhiên của khu vực, hạn chế việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng và các trường hợp thu hồi đất.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến tại phiên họp.
Đảm bảo kết nối liên vùng giữa các đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch; yêu cầu Chính phủ nghiên cứu kỹ việc phân chia sự án thành phần, chú ý xây dựng làn đường dự phòng (khẩn cấp); nghiên cứu mức độ ảnh hưởng đến các tuyến đường BOT hiện hữu song hành khi dự án này đưa vào hoạt động. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cân đối tổng thể dự án, tránh trồng lấn nguồn kinh phí, khi triển khai dự án phải đảm bảo khả năng giải ngân.