Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Đường bộ

Tiếp tục phiên họp thứ 31, chiều nay (15/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Đường bộ.

Sử dụng ngân sách Trung ương, địa phương làm quốc lộ chỉ có tính tạm thời

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung theo ý kiến của đại biểu cũng như ý kiến tham gia của Thường trực Ủy ban Pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Bày tỏ thống nhất với nhiều nội dung chỉnh lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, dự thảo Luật đã chỉnh lý phạm vi điều chỉnh để phân định rõ hơn giữa Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Đồng thời làm rõ, Luật Đường bộ điều chỉnh về các vấn đề về quy hoạch đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, tổ chức vận tải giao thông đường bộ hay nói gọn hơn là điều chỉnh về giao thông tĩnh.

"Còn Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ điều chỉnh về giao thông trên đường bộ, tức là giao thông động. Dù các nội dung lớn cơ bản đã đảm bảo phân định được giữa hai luật song cũng cần tiếp tục rà soát về câu chữ, cụ thể", ông Tùng nói.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị rà soát làm rõ các quy định về trách nhiệm đầu tư xây dựng công trình đường bộ và trách nhiệm đầu tư dựng đường cao tốc nội dung của dự thảo Luật liên quan đến Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công; các quy định liên quan đến Luật PPP, các quy định đề nghị có hiệu lực thi hành sớm hơn… để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Phát biểu về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh bày tỏ quan tâm tới quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng công trình đường bộ, quy định tại Điều 32 của dự thảo luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, theo nghị quyết Trung ương, trong thời gian sắp tới Chính phủ sẽ trình đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước để đảm bảo các điều kiện ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo. Vừa qua, chúng ta đã phối hợp các nguồn ngân sách Trung ương và địa phương để xây dựng các đường quốc lộ trên địa bàn các tỉnh.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, thực tiễn này xuất phát từ việc những năm qua, các địa phương thu ngân sách cao, có điều kiện tốt, nên Quốc hội đã thống nhất chủ trương sử dụng phần ngân sách của các tỉnh để tham gia cùng ngân sách Trung ương, thực hiện việc xây dựng một số đường quốc lộ. Tuy nhiên, về lâu dài, ngân sách của Trung ương cơ bản giữ vai trò chủ đạo.

"Việc tập trung nguồn lực quốc gia để xây dựng hệ thống cao tốc quốc lộ trong những năm gần đây và trong thời gian sắp tới cũng chỉ tiếp tục trong một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, việc phối hợp ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương là tạm thời", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nói và cho rằng không nên vì tình hình đó mà sửa nguyên tắc trong Luật Ngân sách Nhà nước.

Trách nhiệm của Trung ương là đầu tư quốc lộ tạo kết nối liên thông

Quan tâm đến quy định về phân cấp quản lý ngân sách, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đồng tình với ý kiến của đại biểu đã phát biểu trước đó. Luật Ngân sách đã quy định rất chặt chẽ, không phải là thiếu sót của Luật Ngân sách, trong đó ngân sách là thống nhất cấp quốc gia và đảm bảo vai trò chủ đạo ngân sách Trung ương.

Điều quan trọng nhất là chúng ta cần phê duyệt quy hoạch về phát triển giao thông quốc gia để trong trung và dài hạn phân bổ nguồn lực, quyết tâm hoàn thành theo thứ tự ưu tiên các tuyến cao tốc xương sống nhằm kết nối vùng.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

"Do vậy, ngân sách quốc gia phải tập trung các nguồn lực ngắn hạn và dài hạn để đầu tư các quốc lộ đảm bảo đúng tiêu chuẩn, an toàn và kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển.

Các địa phương nên tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh, đường huyện, trách nhiệm của Trung ương là đầu tư các tuyến quốc lộ để tạo sự kết nối liên thông", ông Hải nói.

Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, một số địa phương tham gia đầu tư quốc lộ có thể xem xét như trường hợp đặc thù.

Tại cuộc họp, có một số ý kiến cho rằng không cần quy định cao tốc phải có tối thiểu 4 làn, đầu tư cao tốc phải dựa trên sự cân đối ngân sách, xem xét sửa đổi bổ sung quy định phí sử dụng đường bộ cao tốc....

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng.

Phát biểu tại phiên họp, sau khi lắng nghe tất cả các ý kiến góp ý, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trân trọng cảm ơn các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp ý vào dự thảo luật.

Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng xin tiếp thu đầy đủ, sẽ phối hợp với các cơ quan để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 tới đây.

Kết luận nội dung cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự tích cực chủ động của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp chặt chẽ với quan soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu để tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật, xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật đã được tiếp thu chỉnh lý. Dự thảo luật đã cơ bản thể chế hóa được quan điểm của Đảng, bám sát yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, đủ điều kiện để trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục cho ý kiến", ông Phương nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, sau phiên họp, Chính phủ cần chỉ đạo ban soạn thảo thống kê danh mục, báo cáo đánh giá tác động cho các loại chính sách, cơ chế chưa có trong pháp luật hiện hành, hoặc luật hóa từ các quy định, thực tiễn, hoặc các cơ chế trái với quy định hiện hành để có hướng nghiên cứu, xử lý, đảm bảo luật hóa đầy đủ những nội dung đã chín, đã rõ, trên tinh thần cẩn trọng, chặt chẽ.

"Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cần phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, các Ủy ban của Quốc hội để hoàn thiện các quy định trong luật, đảm bảo chất lượng của dự án luật đạt được các yêu cầu đặt ra, trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7", ông Phương nói.

Về quy định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng quốc lộ (Điều 32), đường cao tốc thuộc hệ thống quốc lộ (Điều 47) và quản lý, vận hành khai thác, bảo trì quốc lộ (Điều 39), Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết, có ý kiến nhất trí với dự thảo Luật Chính phủ trình; có ý kiến đề nghị cân nhắc để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công.
Trên cơ sở thảo luận, nghiên cứu, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, điểm c khoản 2 Điều 32 dự thảo Luật Chính phủ trình là phù hợp với tình hình thực tiễn, tận dụng được nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển hệ thống đường bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải, lưu thông hiện nay. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, Thường trực UBQPAN xin xây dựng 2 phương án quy định điểm c khoản 2 Điều 32 trong dự thảo Luật như sau:
Phương án 1: Quy định cho phép Bộ Giao thông vận tải phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đầu tư xây dựng quốc lộ tại điểm c khoản 2 Điều 32; đồng thời bổ sung quy định sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công tại khoản 4, khoản 5 Điều 90 của dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
Phương án này vừa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay, vừa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tương tự, đối với đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc thuộc hệ thống quốc lộ, Thường trực UBQPAN cũng đề nghị sửa điểm c khoản 4 như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
Phương án 2: Cơ bản giữ nội dung điểm c khoản 2 Điều 32 như dự thảo Luật Chính phủ trình, nhưng bổ sung nội dung điểm đ khoản 3 Điều này quy định việc đầu tư xây dựng công trình đường bộ phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về ngân sách và pháp luật có liên quan. Theo đó, trước mắt việc giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đầu tư xây dựng quốc lộ vẫn thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan; đồng thời, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật có liên quan để thống nhất nội dung này, bảo đảm tính khả thi.
Đối với hoạt động quản lý, vận hành khai thác và bảo trì quốc lộ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho quy định theo hướng điều chuyển đoạn tuyến quốc lộ đó cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, theo đó bổ sung điểm c khoản 2 Điều 39 của dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-cho-y-kien-hoan-thien-du-thao-luat-duong-bo-192240315161445946.htm
Zalo