Ủy ban Quốc phòng và An ninh khảo sát, làm việc với UBND thành phố Nam Định về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Để phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, chiều 04/9, Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh do Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dẫn đầu, đã tiến hành khảo sát thực tế và làm việc với UBND thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn khảo sát Ủy ban Quốc phòng và An ninh với UBND thành phố Nam Định

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn khảo sát Ủy ban Quốc phòng và An ninh với UBND thành phố Nam Định

Tham gia Đoàn khảo sát có ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các đồng chí trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Về phía Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (C07), Bộ Công an, tham dự buổi làm việc có Thiếu tướng Huỳnh Thới An, Phó Cục trưởng Cục C07. Tham dự buổi làm việc, về phía địa phương có bà Nguyễn Thị Như, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nam Định; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, Công an tỉnh, Công an thành phố Nam Định…

Theo UBND thành phố Nam Định, công tác triển khai Luật Phòng cháy chữa cháy được sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các giải pháp được đẩy mạnh nhằm đảm bảo an toàn PCCC, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở, hộ gia đình. Thông qua công tác kiểm tra đảm bảo an toàn PCCC đã kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác PCCC; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, qua đó hạn chế các nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn và thiệt hại.

Tuy nhiên, việc chỉ đạo triển khai thực hiện công tác PCCC và CNCH của 1 số cơ quan, đơn vị có thời điểm còn chậm, chưa chủ động. Hoạt động của một số đội PCCC cơ sở và dân phòng còn hiệu quả chưa cao; phương tiện trang bị còn thiếu so với quy định của Bộ Công an, nhất là lực lượng dân phòng. Kinh phí phục vụ công tác PCCC từ nguồn ngân sách địa phương còn hạn hẹp; do đó công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về PCCC, công tác huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho các lực lượng và quần chúng nhân dân, công tác thực tập các phương án về PCCC và CNCH, công tác trang bị phương tiện, chế độ chính sách đối với đội ngũ chữa cháy cơ sở còn nhiều hạn chế. Cũng theo báo cáo của UBND thành phố Nam Định, còn có chủ hộ gia đình chưa nắm vững các quy định về PCCC, do đó còn nhiều lúng túng trong việc xây dựng phương án PCCC của cơ sở, không đề ra các giải pháp thoát nạn.

Bà Nguyễn Thị Như, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nam Định phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Bà Nguyễn Thị Như, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nam Định phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Từ thực tế nêu trên, UBND thành phố Nam Định kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC và CNCH phù hợp với thực tiễn; chỉ đạo nghiên cứu, phê duyệt các đề án, dự án nâng cao năng lực cho lực lượng PCCC và CNCH, nhất là lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, lực lượng dân phòng.

Đối với dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, UBND thành phố Nam Định góp ý về quy định phòng cháy đối với nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh (Điều 18, Điều 19). Cụ thể, UBND thành phố đề xuất xem xét nghiên cứu tính khả thi quy định phòng cháy đối với nhà ở nêu tại điểm b, khoản 1, Điều 19, quy định “khu vực kinh doanh phải được ngăn cách với khu vực để ở”. Trước thực trạng hiện nay, một số hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh có diện tích nhỏ, hẹp, không đủ không gian để xây hoặc ngăn cách. Các văn bản cũng cần nghiên cứu để quy định khả thi, cụ thể việc ngăn cách giữa các phòng cùng tầng, giữa các tầng. Bên cạnh đó, hiện nay việc thi công lắp đặt dây dẫn điện, thiết bị điện do nhiều đơn vị thi công không được cấp phép, không có chứng chỉ hành nghề, không đảm bảo đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật điện dẫn đến nguy cơ chập, cháy điện trong quá trình sử dụng. UBND thành phố Nam Định cũng kiến nghị, về Phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện (Điều 22), cần nghiên cứu quy định thêm việc lắp đặt dây dẫn điện, thiết bị điện phải do đơn vị thi công được cấp phép, cá nhân lắp đặt phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định và quy định trách nhiệm cụ thể đối với đơn vị thi công, cá nhân lắp đặt không đảm bảo an toàn theo quy định.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phát biểu kết luận.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phát biểu kết luận.

Kết luận buổi làm việc, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thay mặt Đoàn khảo sát, đánh giá cao sự chỉ đạo của UBND thành phố Nam Định trong công tác PCCC. Thành phố đã có những cách làm hay trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn PCCC, đặc biệt là tuyên truyền kỹ năng PCCC cho các học sinh trong trường học; tăng cường kiểm tra công tác PCCC ở các ngõ nhỏ. Đoàn khảo sát cũng chia sẻ với những khó khăn trong công tác PCCC và CNCH, đồng thời ghi nhận những kiến nghị, đề xuất từ thực tế ở địa phương. Đoàn sẽ tổng hợp, nghiên cứu, báo cáo Ủy ban Quốc phòng và An ninh, phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong thời gian tới.

Đoàn khảo sát tìm hiểu thực tế công tác PCCC tại Cửa hàng xăng dầu số 6 Petrolimex, phường Lộc Hòa, thành phố Nam Định.

Đoàn khảo sát tìm hiểu thực tế công tác PCCC tại Cửa hàng xăng dầu số 6 Petrolimex, phường Lộc Hòa, thành phố Nam Định.

Trước đó, đầu giờ chiều, Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã khảo sát thực tế công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ tại Cửa hàng xăng dầu số 6 Petrolimex, công tác PCCC tại 1 trường học và làm việc với UBND phường Lộc Hòa, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định để phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Khắc Phục

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=88941
Zalo