Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại họp Phiên toàn thể, thẩm tra chính thức 3 dự án luật

Để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, sáng 23-4, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ nhất, thẩm tra chính thức 3 dự án luật, gồm: Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội chủ trì Phiên họp. Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại điều hành nội dung họp.

Dự phiên họp có Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; đại diện Ban soạn thảo dự án Luật, Bộ Quốc phòng, các đồng chí đại diện Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, đại diện Văn phòng Trung ương Đảng.

 Quang cảnh Phiên họp của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại. Ảnh: TRỌNG QUỲNH

Quang cảnh Phiên họp của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại. Ảnh: TRỌNG QUỲNH

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới cho biết, tại Phiên họp này, Ủy ban sẽ tiến hành thẩm tra các dự án Luật: Luật Tình trạng khẩn cấp; Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Về dự án Luật Tình trạng khẩn cấp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cho biết, để phục vụ quá trình thẩm tra dự án Luật, Thường trực Ủy ban đã ban hành Kế hoạch khảo sát số 114/KH-UBQPANĐN15 và đã tiến hành khảo sát, làm việc tại một số đơn vị để các đại biểu Quốc hội có nhiều thông tin trong quá trình nghiên cứu, cho ý kiến về dự án Luật.

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại mong muốn, các đại biểu tích cực tham gia ý kiến đối với Tờ trình, nội dung dự thảo Luật để Ủy ban hoàn thiện Báo cáo thẩm tra.

Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam báo cáo tại phiên họp. Ảnh: TRỌNG QUỲNH

Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam báo cáo tại phiên họp. Ảnh: TRỌNG QUỲNH

Theo Tờ trình dự án Luật Tình trạng khẩn cấp, việc ban hành dự án Luật nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật về tình trạng khẩn cấp; tạo lập cơ sở pháp lý cho thi hành pháp luật nhằm tăng cường tính chủ động trong việc ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp, góp phần bảo vệ Nhà nước và nhân dân, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Đa số ý kiến của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại tán thành việc ban hành dự án Luật Tình trạng khẩn cấp, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, xử lý các tình huống cấp bách về quân sự, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; sẵn sàng ứng phó hiệu quả thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại kết luận phiên họp. Ảnh: TRỌNG QUỲNH

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại kết luận phiên họp. Ảnh: TRỌNG QUỲNH

Tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật, các thành viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại và đại diện các Bộ có liên quan bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp như trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra.

Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định về tình trạng khẩn cấp trong các luật khác, để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật. Do có nhiều luật chuyên ngành quy định liên quan, Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật trong luật này để tránh sự chồng chéo. Trong bối cảnh chúng ta thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo chủ trương của Trung ương, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã để mở rộng không gian phát triển, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đảm bảo sự đồng bộ, khả thi.

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng cho rằng, sau 25 năm thực hiện Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp, thực tiễn có rất nhiều thay đổi. Điển hình là trong bối cảnh dịch Covid-19 xảy ra cho thấy, không có cơ sở pháp lý đủ mạnh để thực hiện các biện pháp cấp bách trong công tác phòng, chống dịch. Vì vậy, rất cần thiết ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp, trong đó quy định các nội dung liên quan đến thẩm quyền ban bố, các biện pháp áp dụng trong tình trạng khẩn cấp; lực lượng thi hành, công tác phối hợp trong tình trạng khẩn cấp. Bên cạnh đó, các ý kiến khác cũng đề nghị tiếp tục rà soát để làm rõ các khái niệm về tình trạng khẩn cấp, thống nhất về giải thích; nghiên cứu các quy định để phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho cơ sở triển khai thực hiện trong tình trạng khẩn cấp.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Hải Hưng đề nghị, Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội.

AN AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/uy-ban-quoc-phong-an-ninh-va-doi-ngoai-hop-phien-toan-the-tham-tra-chinh-thuc-3-du-an-luat-825262
Zalo