Ủy ban Pháp luật và Tư pháp họp Phiên toàn thể lần thứ 3
Chiều 6/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 3.

Toàn cảnh Phiên họp
Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng; các thành viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo...
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 3 để thẩm tra các dự án luật, nghị quyết gồm: dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, theo chương trình Phiên họp chiều 6/5, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tiến hành thẩm tra dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 3
Tại Phiên họp, các đại biểu nghe Tờ trình tóm tắt và dự thảo Báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Theo Tờ trình dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), việc xây dựng Bộ luật Hình sự (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phòng, chống tội phạm trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế, vừa bảo đảm tính nhân đạo, khoan hồng, vừa bảo đảm tính răn đe, nghiêm khắc, góp phần đắc lực vào việc bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và tổ chức, góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho mọi người được sống trong một môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh.
Bố cục dự thảo Bộ luật gồm 3 phần, 25 chương, 411 điều. So với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017), đã bỏ 1 chương và 18 điều luật, giữ nguyên 180 điều luật; bổ sung 3 điều luật mới; sửa đổi, bổ sung về nội dung đối với 50 điều luật. Đối với các điều luật khác chỉ sửa đổi, điều chỉnh mức định lượng là tiền để làm căn cứ định khung hình phạt và hình phạt tiền lên gấp đôi để phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội.
Dự thảo Bộ luật bổ sung quy định về việc loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu về đổi mới, sáng tạo theo tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW. Bộ Công an đề xuất trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tham dự Phiên họp
Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành sự cần thiết ban hành và các quan điểm, định hướng chỉ đạo sửa đổi Bộ luật Hình sự như đã nêu tại Tờ trình; đánh giá Hồ sơ dự án Bộ luật đầy đủ các tài liệu theo quy định, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy, với phạm vi sửa đổi toàn diện Bộ luật Hình sự, việc xây dựng, hoàn thiện dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp theo thủ tục rút gọn cần cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm đạt được các mục tiêu đề ra cũng như bảo đảm chất lượng, tính khả thi, tính ổn định của Bộ luật.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu nêu
Về bổ sung quy định loại trừ trách nhiệm hình sự để đáp ứng yêu cầu về đổi mới sáng tạo theo tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW (Điều 25), các thành viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành với nội dung này để đáp ứng yêu cầu về đổi mới sáng tạo và cho rằng, quy định trên sẽ tạo động lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ về tiêu chí loại trừ trách nhiệm hình sự như: không vụ lợi, làm hết trách nhiệm, đã thực hiện hết các biện pháp phòng ngừa, tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, có nguyên nhân khách quan hoặc bất khả kháng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu kết luận nội dung Phiên họp
Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, với tinh thần khẩn trương, tích cực, thảo luận sôi nổi, Phiên họp đã hoàn thành chương trình đề ra; đồng thời đánh giá cao sự nghiêm túc, trách nhiệm cao của Cơ quan soạn thảo là Bộ Công an trong quá trình xây dựng dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Các ý kiến tại Phiên họp đã đề cập đầy đủ, toàn diện các vấn đề trọng tâm và các vấn đề khác liên quan, có giá trị lý luận và thực tiễn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan làm rõ các vấn đề; tiếp tục tổng hợp, có báo cáo tổng kết những vấn đề còn vướng mắc, bất cập để tiếp thu, giải trình làm rõ, có giải pháp tháo gỡ.
Nhấn mạnh dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là rất quan trọng, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, liên quan mật thiết đến quyền của mọi tổ chức, cá nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng lưu ý, cần cân nhắc kỹ lưỡng các quy định trong dự thảo Bộ luật để bảo đảm tính khả thi và tính lâu dài khi ban hành. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị, từ nay đến khi trình Quốc hội cho ý kiến, Cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, cập nhật thêm những nội dung đã được các bộ, ngành cho ý kiến cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để dự án Bộ luật đạt chất lượng cao nhất.
Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 3

Đại diện Lãnh đạo các bộ ngành tham dự Phiên họp

Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tham dự Phiên họp

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Mai Thị Phương Hoa trình bày dự thảo Báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa phát biểu

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Trường Giang phát biểu

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Công Long phát biểu

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu nêu

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu kết luận nội dung Phiên họp