Ủy ban Pháp luật thẩm tra Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh, thành phố
Chiều ngày 9/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 29 thẩm tra các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.
Tham dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Nguyễn Phương Thủy, Ngô Trung Thành, Nguyễn Trường Giang, Trần Hồng Nguyên; Nguyễn Thị Mai Phương và các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội.
Cùng dự phiên họp còn có: Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Tĩnh, Tp. Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Sơn La, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
Giảm 01 ĐVHC cấp huyện và 161 ĐVHC cấp xã
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, Chính phủ đề nghị thực hiện sắp xếp, thành lập đối với 06 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và 361 ĐVHC cấp xã để hình thành 05 ĐVHC cấp huyện và 200 ĐVHC cấp xã mới của 12 tỉnh, thành phố. Như vậy, sau sắp xếp, giảm 01 ĐVHC cấp huyện và 161 ĐVHC cấp xã.
Về số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù và chưa thực hiện sắp xếp do có các lý do khác: có 05 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Trị) đề nghị không thực hiện sắp xếp 08 ĐVHC cấp huyện và có 9 tỉnh, thành phố (Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ chí Minh, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc) đề nghị không thực hiện sắp xếp 258 ĐVHC cấp xã.
Về tiêu chuẩn loại đô thị, cơ cấu và trình độ phát triển KTXH và cơ sở hạ tầng đô thị, các thành phố, thị xã, phường, thị trấn hình thành mới sau sắp xếp, thành lập đã đảm bảo hoặc có cam kết bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn của ĐVHC đô thị theo quy định.
Việc tổ chức, kiện toàn các cơ quan, đơn vị và chức danh lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của 05 ĐVHC cấp huyện và 200 ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp của 12 tỉnh, thành phố thực hiện theo quy định của Đảng, Điều lệ của tổ chức và của pháp luật hiện hành. Đối với các đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục: 12 tỉnh, thành phố đều đề nghị: Giữ nguyên trạng các cơ sở giáo dục (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) để bảo đảm đủ cơ sở vật chất trường, lớp cho học tập của học sinh trên địa bàn; Nhập các Trạm y tế của ĐVHC cấp xã (cũ) để thành lập Trạm y tế của ĐVHC cấp xã (mới); đồng thời các trạm y tế cũ được sử dụng làm cơ sở hoạt động các chương trình y tế cộng đồng thuộc Trạm y tế của ĐVHC cấp xã (mới) để bảo đảm dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn hoặc được sắp xếp theo hướng dẫn của cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực...
Liên quan tới số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại các ĐVHC cấp huyện, cấp xã, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, cấp huyện: 136 người dôi dư, cấp xã: 3.342 người dôi dư. UBND 12 tỉnh, thành phố đã xây dựng phương án chi tiết để bố trí, sắp xếp và giải quyết đối với số cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư theo đúng quy định.
Đối với giải quyết trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp ĐVHC, tại các Đề án đã rà soát, thống kê số lượng trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp. Theo đó, cấp huyện có 09 trụ sở dôi dư; cấp xã có 329 trụ sở dôi dư. UBND 12 tỉnh, thành phố đã xây dựng phương án chi tiết để xử lý số lượng trụ sở, tài sản công dôi dư theo đúng quy định.
Làm rõ lý do không thể nhập thêm các ĐVHC liền kề để hình thành các ĐVHC bảo đảm tiêu chuẩn
Cho ý kiến tại Phiên họp, các đại biểu đánh giá cao quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện, thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị của 12 tỉnh, thành phố trong việc quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Các Đề án của Chính phủ được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, cơ bản bảo đảm chất lượng, đầy đủ thành phần hồ sơ, tài liệu và nội dung theo quy định.
Đồng thời, các ý kiến cũng cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, phương án giải quyết trụ sở, tài sản công tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp của 12 tỉnh, thành phố. Theo đó, các ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp đều được Chính phủ, chính quyền địa phương cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng để xây dựng phương án sắp xếp hoặc có giải trình cụ thể, qua đó đã đề xuất thực hiện sắp xếp đối với một số lượng lớn các ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025, kết hợp với việc sắp xếp, điều chỉnh địa giới các ĐVHC khác trên địa bàn để đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương báo cáo, làm rõ hơn lý do của việc không thể nhập thêm các ĐVHC liền kề để hình thành các ĐVHC bảo đảm tiêu chuẩn; đồng thời tiếp tục nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc xây dựng phương án tổng thể về sắp xếp ĐVHC của các địa phương.
Ngoài ra, đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành liên quan và chính quyền các tỉnh, thành phố cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng phương án sắp xếp phù hợp đối với các ĐVHC thuộc diện bắt buộc sắp xếp mà chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025, xây dựng phương án và lộ trình hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện cần thiết để bảo đảm thực hiện sắp xếp trong những năm tiếp theo theo đúng quy định, tránh trường hợp khi xây dựng phương án sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2026 - 2030 lại gặp khó khăn do không thể nhập, điều chỉnh với các ĐVHC khác liền kề.
Tại phiên họp, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã giải trình, làm rõ thêm nội dung ý kiến đại biểu nêu. Trong đó, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã báo cáo, giải trình lý do việc thành lập 10 phường thuộc thị xã Kim Bảng; lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh làm rõ về sự phù hợp của đề xuất mở rộng nội thị của thị xã Kỳ Anh để thành lập 02 phường với quy hoạch phân khu đã được phê duyệt; việc bố trí, sắp xếp đội ngũ viên chức dôi dư, việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp. Lãnh đạo tỉnh Sơn La cũng giải trình, cung cấp thêm thông tin về tỷ lệ đại biểu HĐND các cấp của tỉnh Sơn La biểu quyết tán thành với nội dung của Đề án; lý do của việc cùng lúc phải sắp xếp, thay đổi địa giới của số lượng lớn ĐVHC cấp xã, nhất là của huyện Mộc Châu trong khi số lượng giảm được rất ít; việc kiện toàn tổ chức bộ máy của HĐND, UBND cũng như phương án sắp xếp các trường học, trạm y tế trên địa bàn các ĐVHC cấp xã thuộc thị xã Mộc Châu hình thành sau thành lập, sắp xếp.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật ghi nhận nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và quy định của UBTVQH về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, Ủy ban Pháp luật cũng cơ bản tán thành với nội dung Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố như Chính phủ trình. Hồ sơ Đề án cơ bản đầy đủ và đủ điều kiện trình UBTVQH xem xét, quyết định kèm theo việc bổ sung các tài liệu, nội dung báo cáo, thuyết minh, giải trình như đã nêu tại Phiên họp.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng lưu ý, sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính, Chính phủ và các địa phương cần khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai nghị quyết, sớm ổn định tổ chức bộ máy, bảo đảm điều kiện hoạt động của các cơ quan chính quyền, các cơ quan trong hệ thống chính trị ở những đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp. Trong đó, đặc biệt, quan tâm tới các vấn đề liên quan đến kiện toàn cơ quan chính quyền địa phương, UBND, HĐND trong bối cảnh thời điểm tiến hành Đại hội đảng bộ các cấp sắp tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, Bộ Nội vụ và Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện quy trình, thủ tục, đáp ứng yêu cầu về tiến độ của các nội dung trong nghị quyết; Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện Báo cáo thẩm tra phục vụ phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
***Một số hình ảnh tại Phiên họp: