Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Đơn tố cáo tăng hơn 39%, cho thấy bộ máy hành chính công vụ còn bất cập
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, số đơn tố cáo tăng cao 39,1% và số vụ việc tố cáo tăng 12,4%. Điều này cho thấy hoạt động của bộ máy hành chính công vụ vẫn còn không ít bất cập.
Ngày 26-11, trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo thẩm tra về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận thấy, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã thể hiện sự cố gắng, nỗ lực trong công tác giải quyết tố cáo, đã giải quyết 85,6% số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền, cao hơn mục tiêu “đạt tỷ lệ trên 85%” mà Chính phủ đề ra.
Tuy nhiên, số đơn tố cáo tăng cao 39,1% và số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền tăng 12,4%. Điều này cho thấy hoạt động của bộ máy hành chính công vụ vẫn còn không ít bất cập.
Người dân còn thiếu tin tưởng vào sự khách quan, công tâm, năng lực xử lý của một bộ phận công chức, người có thẩm quyền trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.
Do đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hạn chế này để có giải pháp khắc phục hiệu quả hơn.
Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, dự báo năm 2025 vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, có thể phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo về hành chính liên quan đến đất đai, môi trường. Nhất là đối với các dự án phải thu hồi đất, bồi thường, tái định cư và cơ sở sản xuất phát sinh nhiều khí thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường gần khu dân cư sinh sống.
Khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác nhân sự, việc thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật...
Vì vậy, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần quan tâm, bám sát tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể có tính khả thi.
Cùng với đó, tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, không để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp.
Cùng ngày, báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, năm 2024, các cơ quan đã nhận được 32.212 đơn thư của công dân gửi đến, tăng 1.033 đơn so với năm 2023.
Nội dung đơn thư của công dân gửi đến trong lĩnh vực hành chính chủ yếu có liên quan đến các lĩnh vực: về quản lý đất đai, xây dựng; về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; về quản lý và vận hành nhà chung cư.
Trong đó, đáng lưu ý là các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tài chính; hoạt động của khu xử lý rác thải, đất đai nông, lâm trường ở một số tỉnh…
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho rằng, các nội dung đơn thư trên cần được các cơ quan chức năng quan tâm có giải pháp hữu hiệu để hạn chế phát sinh và giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.
Đáng lưu ý là tình hình khiếu kiện hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương, khi công dân cho rằng cơ quan hành chính nhà nước chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật khi giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai.
Trưởng Ban Dân nguyện lưu ý, đây là vấn đề cần được các cơ quan quản lý hành chính quan tâm khi thực hiện công vụ, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai và phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan tòa án trong việc giải quyết các vụ án hành chính.
Làm rõ bộ trưởng, trưởng ngành chưa tiếp công dân đầy đủ
Năm 2024, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận 480.233 đơn, tăng 6%; đã xử lý 471.229 đơn, chiếm tỷ lệ 98,1%. So với năm 2023, số đơn do các cơ quan tiếp nhận đều tăng. Cụ thể, ở Thanh tra Chính phủ tăng 6,8%, ở các bộ, ngành trung ương tăng 13,4%, ở các địa phương tăng 4,3%.
Việc trực tiếp tiếp công dân của Chủ tịch UBND các cấp được thực hiện tốt nhất ở cấp xã (92%), tiếp theo là cấp huyện (85%) và cấp tỉnh (81%); tuy nhiên, đối với cấp bộ thì chỉ đạt 48%.
Từ đó, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ lý do của việc người đứng đầu các cơ quan hành chính, nhất là việc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân để có giải pháp khắc phục, làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới.