Ủy ban Olympic Việt Nam 'đuối', nhiều Liên đoàn chưa tạo được nguồn thu, cho VĐV thi đấu nước ngoài

Đấy là ý kiến phát biểu của Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt tại Diễn đàn Kinh tế thể thao diễn ra sáng 17/10 tại Hà Nội.

Diễn đàn do Cục TDTT, Ủy ban Olympic Việt Nam phối hợp Công ty Cổ phần thương mại và nội dung số Vietcontent tổ chức. Sự kiện thu hút nhiều quan chức, đại diện ngành thể thao các các liên đoàn, gồm Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tham dự. Nội dung sự kiện nhằm tìm hướng phát triển kinh tế thể thao, đưa ra các giải pháp huy động nguồn đầu tư cho lĩnh vực thể thao.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Mạnh Hùng-Phó vụ trưởng Vụ Xã hội và Ban kinh tế Trung ương cho biết, chủ trương xã hội hóa (XHH) thể thao đã bắt đầu từ Đại hội 7 dù cụm từ này chỉ được chính thức đề cập từ đại hội 9. Theo ông Hùng, điều đó cho thấy Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, chính sách khuyến khích đầu tư vào hoạt động thể dục, thể thao từ rất sớm.

“Thể thao là 1 trong những ngành được ưu tiên, quan tâm sớm. Chính phủ vừa qua cũng đã ban hành, điều chỉnh nhiều văn bản pháp luật để phục vụ công tác quản lý, hỗ trợ cho sự phát triển của ngành thể thao nói chung, kinh tế thể thao nói riêng. Các chính sách XHH góp phần thu hút nguồn lực xã hội, đầu tư cho thể thao. Thành quả chúng ta đạt được lớn dù chưa có đầy đủ con số thống kê”-ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Ủy ban Olympic Việt Nam chưa phát huy được chức năng

Chia sẻ quan điểm trên, ông Đặng Hà Việt-Cục trưởng Cục TDTT- cho rằng quá trình XHH thể thao ở Việt Nam có nhiều thuận lợi và cả những khó khăn, rào cản. Mặt thuận lợi, chính sách của Đảng và Nhà nước góp phần giúp thể thao phát triển. Đời sống kinh tế của người dân ngày càng tăng cũng khiến thể thao được quan tâm hơn.

Sự kiện thu hút sự tham gia của đại diện nhiều ban ngành, truyền thông trong nước (ảnh Hiển Trần)

Sự kiện thu hút sự tham gia của đại diện nhiều ban ngành, truyền thông trong nước (ảnh Hiển Trần)

Tuy nhiên về mặt khó khăn, bất cập cũng còn nhiều, từ nguồn vốn đầu tư đến vướng mắc về các cơ chế, chính sách cụ thể, các quy định liên quan…Theo ông Đặng Hà Việt, chi phí vận hành các trung tâm thể thao rất lớn, để đảm bảo kinh phí, nhiều đơn vị phải tính đến vấn đề liên doanh, liên kết, nhưng công tác triển khai còn vướng mắc.

Ông Đặng Hà Việt cho biết thêm, mỗi năm trung bình có khoảng 2.500 sự kiện thể thao được tổ chức, Việt Nam phải tham dự khoảng 700 giải. “Tuy nhiên, ngân sách của trung ương chỉ đảm bảo 170 giải, khoảng chưa đến ¼ các giải cần thi đấu. Còn lại phải cần ngân sách địa phương, nguồn XHH các liên đoàn hiệp hội”-ông Đặng Hà Việt cho biết. Theo ông Đặng Hà Việt, trong khi đó về huy động nguồn vốn XHH, ngay Ủy ban Olympic Việt Nam cũng chưa năng động, phát huy được vai trò. Về đào tạo và cho VĐV thi đấu nước ngoài, Cục trưởng Đặng Hà Việt cho biết chỉ vài liên đoàn làm được.

Cần các doanh nghiệp lớn

Bàn thêm vấn đề này, Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL Lê Thanh Liêm cho biết thanh tra Bộ VH-TT&DL vừa qua đã tiến hành thanh tra 38 liên đoàn, đưa ra 8 tồn tại, hạn chế và 5 nguyên nhân để từ đó có giải pháp xử lý. Theo ông Lê Thanh Liêm, việc khuyến khích XHH hoạt động thể thao, tiến hành kinh doanh thể thao phải dựa vào hệ thống chính sách đầu tư và văn bản về thuế.

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết hoạt động XHH thể thao có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn về cơ chế, nguồn vốn (ảnh Hiển Trần)

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết hoạt động XHH thể thao có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn về cơ chế, nguồn vốn (ảnh Hiển Trần)

“Luật không hạn chế cá nhân tổ chức tham gia hoạt động thể thao, nhưng thể thao chuyên nghiệp cần 1 số điều kiện. Luật giao cho trách nhiệm liên đoàn rất lớn, liên đoàn thể thao quốc gia xây dựng quy chế thể thao chuyên nghiệp trình bộ VHTTDL phê duyệt. Thực tế hiện nay 1 số liên đoàn cần sớm xây dựng quy chế chuyên nghiệp, từ đó mới có cơ chế để hoạt động”-ông Lê Thanh Liêm nói.

Ông Lê Thanh Liêm lấy ví dụ một số hoạt động đăng ký “thể thao quần chúng quốc tế” có sự tham gia của VĐV nước ngoài, bản chất là hoạt động thể thao chuyên nghiệp. Như vậy nếu không có quy định, khi xảy ra vấn đề liên quan tính mạng, sức khỏe VĐV sẽ khó xử lý.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, để phát triển và cạnh tranh được với quốc tế, Việt Nam cần khuyến khích để tạo nên các tập đoàn, doanh nghiệp đủ lớn hoạt động trong lĩnh vực thể thao, đủ năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về hoạt động của một số liên đoàn, đại diện VFF là ông Lê Văn Thành chia sẻ thực tế quá trình tài trợ, một số liên đoàn như bóng đá, bóng chuyền đảm bảo được các quy định về hóa đơn, chứng từ…Tuy nhiên nhiều liên đoàn và cả Ủy ban Olympic Việt Nam “không có hóa đơn nên ngoài VAT, doanh nghiệp có thể bị truy thu thuế tới 22%, nếu bị phạt nữa thì thiệt hại rất lớn”.

Nguyên Phong

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/uy-ban-olympic-viet-nam-duoi-nhieu-lien-doan-chua-tao-duoc-nguon-thu-cho-vdv-thi-dau-nuoc-ngoai-post1683116.tpo
Zalo