Ưu tiên vốn tín dụng cho 'tam nông'

Trong nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) luôn xác định việc thúc đẩy phát triển tín dụng cho 'tam nông' (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) là một mục tiêu cốt lõi trong chương trình hành động của ngành nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp-nông thôn một cách bền vững.

Ngân hàng Chính sách xã hội cho các đối tượng chính sách vay vốn.

Ngân hàng Chính sách xã hội cho các đối tượng chính sách vay vốn.

Theo Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Hà Thu Giang, bám sát các chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, ngành ngân hàng luôn xác định “tam nông” là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng. Số liệu mới nhất từ NHNN cho thấy, đến nay, dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn đạt gần 3,3 triệu tỷ đồng, chiếm 1/4 tổng vốn tín dụng của toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ doanh nghiệp khoảng 31,5%; dư nợ cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh khoảng 68,3%; dư nợ hợp tác xã và đối tượng khác khoảng 0,25%.

Hiện nay, cả nước có hơn 90 tổ chức tín dụng và gần 1.100 quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, với mạng lưới mở rộng, phủ khắp đến vùng sâu, vùng xa để giúp người dân vùng khó khăn có thể tiếp cận được nguồn vốn vay và dịch vụ ngân hàng một cách dễ dàng. Để nguồn vốn phục vụ “tam nông” thông suốt, ngành ngân hàng thường xuyên rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, nhất là các quy định về hoạt động cấp tín dụng; điều hành chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần đầu tư vào lĩnh vực này.

NHNN cũng kịp thời ban hành hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức triển khai các chương trình, chính sách tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp; chỉ đạo hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng. Bên cạnh đó, NHNN đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP phù hợp hơn với yêu cầu đặt ra về tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong tình hình mới; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị-xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về chủ trương, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn,...

Mới đây nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và NHNN đã ký quy chế phối hợp thúc đẩy tín dụng nông nghiệp, nông thôn. Trước đó, bộ này cũng đã ký với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) về hợp tác, đẩy mạnh tín dụng nông nghiệp gắn với bảo hiểm nông nghiệp theo chuỗi giá trị và phát triển vùng nguyên liệu,… Là ngân hàng giữ vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển “tam nông”, Phó Tổng Giám đốc Agribank Hoàng Minh Ngọc cho hay, tỷ trọng cho vay lĩnh vực “tam nông” tại ngân hàng trong các năm qua luôn chiếm hơn 60% tổng dư nợ cho vay. Sau khi Đề án “Điểm giao dịch lưu động” của Agribank được chấp thuận triển khai, từ khi hoàn thành giai đoạn I, đến nay Agribank đã có 68 xe, 65 chi nhánh trên địa bàn 59 tỉnh thành phố; triển khai tương đối đầy đủ các dịch vụ ngân hàng như: Giải ngân, thu nợ, chuyển tiền,... giúp nguồn vốn tín dụng Agribank phủ kín 100% số xã trên cả nước.

Với mục tiêu phát triển bền vững và “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại các vùng nghèo, diện mạo khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa khởi sắc rõ rệt. Theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Đức Hải, hiện nay, ngân hàng đang triển khai 9 chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới. Nhờ nguồn vốn này, các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác ở khu vực nông thôn, nhất là vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần.

Dù ngành ngân hàng luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, dành ưu tiên cao nhất khi tập trung đầu tư tín dụng, nhưng từ những nguyên nhân thực tiễn khách quan và chủ quan, dòng vốn tín dụng hướng vào lĩnh vực “tam nông” vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Ông Vũ Duy Hưng, Phó Trưởng ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân Việt Nam) chia sẻ, những năm qua, thông qua các hoạt động của hệ thống Quỹ Hỗ trợ Nông dân và các chương trình phối hợp với ngành ngân hàng, Hội Nông dân Việt Nam đã đẩy mạnh các hoạt động nhằm hỗ trợ hiệu quả vốn tín dụng cho hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh,… đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận.

Đến nay, tổng dư nợ tín dụng ủy thác qua Hội Nông dân Việt Nam đạt hơn 185.000 tỷ đồng với hơn 2,6 triệu hội viên vay vốn. Tuy nhiên, ông Hưng cũng chỉ ra một số khó khăn trong thực tiễn, như: Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Mặt khác, phần lớn nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, còn thiếu liên kết trong các khâu sản xuất,… từ đó dẫn tới những khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, đối với ngành ngân hàng, bà Hà Thu Giang cũng nêu một số khó khăn của vấn đề cho vay khu vực “tam nông” hiện nay. Theo đó, nguồn vốn chính được huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư thường có kỳ hạn ngắn, lãi suất theo thị trường, khi cung ứng cho các tổ chức tín dụng thực hiện sẽ vấp phải mâu thuẫn với mục tiêu cho vay vốn giá rẻ, dài hạn đối với “tam nông”. Khó khăn nữa là khi cho vay “tam nông” không có tài sản bảo đảm, trong khi năng lực tài chính, quản trị của một bộ phận khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, phương án sản xuất, kinh doanh chưa thuyết phục; khả năng quản lý dòng tiền cho vay còn gặp nhiều khó khăn,…

Do vậy, để tín dụng hỗ trợ “tam nông” phát triển nhanh, bền vững, cần có sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương với các giải pháp cụ thể. Trong đó, đặc biệt lưu tâm đến chính sách bảo hiểm nông nghiệp thông qua việc mở rộng đối tượng và hỗ trợ phí bảo hiểm cho nông dân canh tác diện tích lớn, ở vùng thường gặp thiên tai; hướng dẫn doanh nghiệp phát triển sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp,…

Phó Tổng Giám đốc Agribank Hoàng Minh Ngọc kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét, xây dựng chương trình tín dụng chính sách theo hướng tách bạch tín dụng chính sách và tín dụng thương mại, tránh tư tưởng ỷ lại vào vốn ngân sách nhà nước, hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng hưởng lợi; có cơ chế xử lý nợ đối với khoản vay không có tài sản bảo đảm theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP; ưu tiên Agribank làm ngân hàng phục vụ các dự án ủy thác đầu tư đối với lĩnh vực “tam nông”. Cùng với đó, các bộ, ngành tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tạo thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm của khu vực nông nghiệp, nông thôn,…

Đại diện Quỹ Hỗ trợ nông dân, ông Vũ Duy Hưng cũng đề xuất ngành ngân hàng đẩy mạnh hoạt động ủy thác tín dụng nông nghiệp, nông thôn thông qua phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội, khảo sát nhu cầu để xây dựng sản phẩm dịch vụ phù hợp từng phân khúc khách hàng; mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ, nhất là khu vực nông thôn và ứng dụng công nghệ số cho hoạt động nông nghiệp; lồng ghép có hiệu quả giữa việc cho vay vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, đào tạo nghề, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/uu-tien-von-tin-dung-cho-tam-nong-5027475.html
Zalo