Ưu tiên kết nối chiến lược đường sắt, đường bộ Việt Nam - Trung Quốc

Để hiện thực hóa kết quả quan trọng trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, hai bên cần nâng tầm hợp tác thực chất trên các lĩnh vực trọng tâm, trong đó ưu tiên hàng đầu là kết nối chiến lược về đường sắt, đường cao tốc.

45 văn kiện hợp tác - "Con số biết nói"

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây là sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng nhất đối với quan hệ song phương Việt - Trung trong năm nay.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh trước khi bước vào hội đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh trước khi bước vào hội đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm.

Ngay trong ngày đầu tiên của chuyến thăm, lần đầu tiên Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết đăng trên "Nhân Dân nhật báo" - cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đồng thời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình có bài viết đăng trên báo "Nhân dân" của Việt Nam.

Theo ông, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc đã thành công hết sức tốt đẹp.

Đáng chú ý, các lãnh đạo hai bên đều khẳng định chuyến thăm trở thành mốc son mới trong quan hệ láng giềng hữu nghị, Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm cùng Chủ tịch nước Lương Cường (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm cùng Chủ tịch nước Lương Cường (Ảnh: TTXVN)

Một trong những kết quả nổi bật là việc hai bên đều khẳng định coi trọng và mong muốn nâng tầm hợp tác thực chất theo hướng chất lượng hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn.

Hai bên cũng mong muốn thúc đẩy tạo những điểm sáng mới về hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu, Trung Quốc có thế mạnh như đường sắt khổ tiêu chuẩn, thương mại nông sản, khoa học công nghệ, AI, giáo dục đào tạo, kinh tế số, kinh tế xanh...

Hai bên đã nhất trí thành lập cơ chế Ủy ban hợp tác đường sắt giữa hai Chính phủ để thúc đẩy hợp tác xây dựng các dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.

Đồng thời, lãnh đạo hai nước cùng nhau nhất trí phối hợp tổ chức tốt các hoạt động của Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc, góp phần củng cố nền tảng xã hội vững chắc cho quan hệ song phương; đẩy nhanh tiến độ các dự án viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc dành cho Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình xem trưng bày 45 văn kiện hợp tác giữa hai nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình xem trưng bày 45 văn kiện hợp tác giữa hai nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, con số 45 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương hai bên và Tuyên bố chung chính là thành quả rõ nét nhất của chuyến thăm.

Giải thích rõ, Thứ trưởng cho biết tuyên bố chung là một trong những văn kiện chung có nội dung phong phú, chất lượng cao nhất từ trước đến nay, có nội dung toàn diện, vừa mang tầm định hướng chiến lược, vừa xác định rõ những trọng tâm cụ thể, đáp ứng các yêu cầu của ta và hài hòa lợi ích cả hai bên.

Còn 45 văn kiện hợp tác trên hàng loạt lĩnh vực, tạo tiền đề vững chắc để thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước, tương xứng với định vị, nội hàm, tầm mức mới của quan hệ song phương. Trong đó, có những văn kiện hợp tác cấp Chính phủ với tầm quan trọng đặc biệt, đáp ứng nhu cầu phát triển bứt phá và bền vững của Việt Nam, có tác động lâu dài đối với sự phát triển của đất nước trong trong kỷ nguyên mới.

"45 văn kiện hợp tác là con số biết nói, minh chứng cho cục diện hợp tác sôi động, thực chất, đa dạng, đan xen lợi ích ngày càng chặt chẽ giữa hai nước hiện nay", ông Vũ nhấn mạnh.

Nâng tầm hợp tác thực chất

Để triển khai hiệu quả các kết quả quan trọng đạt được trong chuyến thăm, Thứ trưởng cho rằng trong thời gian tới, hai bên cần bám sát tinh thần Tuyên bố chung và các nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai bên, tập trung thúc đẩy hợp tác trên một số phương diện chính.

Trước hết là duy trì thường xuyên trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp để tiếp tục củng cố và cùng nhau nâng tin cậy chiến lược lên mức cao hơn.

Cùng đó là nâng tầm hợp tác thực chất trên các lĩnh vực trọng tâm. Trong giai đoạn hiện nay, ưu tiên hàng đầu chính là đẩy nhanh kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, trước hết là kết nối hạ tầng về đường sắt khổ tiêu chuẩn, đường bộ cao tốc, hạ tầng cửa khẩu thông minh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội kiến cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội kiến cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Nghiên cứu triển khai hợp tác về công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.

Đẩy nhanh xây dựng cửa khẩu thông minh tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, tạo cơ sở nhân rộng ra các cửa khẩu khác nếu đủ điều kiện.

Nâng cấp "kết nối mềm" hải quan thông minh, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa; thúc đẩy khôi phục và mở thêm các chuyến bay để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch, kinh tế xanh, kinh tế số, ứng dụng công nghệ 5G.

Tích cực nghiên cứu thí điểm triển khai mô hình khu hợp tác kinh tế qua biên giới, mở rộng phạm vi thanh toán bằng đồng bản tệ; nghiên cứu triển khai hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản then chốt.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh trao văn kiện hợp tác với Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc Trịnh Sách Khiết.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh trao văn kiện hợp tác với Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc Trịnh Sách Khiết.

Khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực, uy tín và công nghệ tiên tiến của nước này sang đầu tư tại nước kia, thúc đẩy hợp tác thực chất trong các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, xử lý ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn…

Một biện pháp quan trọng khác là tăng cường giao lưu nhân dân, củng cố nền tảng xã hội vững chắc cho việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc.

Ngoài ra hai bên cần duy trì phối hợp, hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trong các cơ chế, diễn đàn đa phương mà hai nước cùng là thành viên; phối hợp quản lý tốt biên giới trên đất liền; kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định trên biển.

Trang Trần

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/dat-ket-noi-chien-luoc-ve-duong-sat-duong-bo-viet-nam-trung-quoc-len-uu-tien-hang-dau-192250416222046697.htm
Zalo