Ưu tiên cho tăng trưởng, tạo đột phá từ thể chế

Chiều 12/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Thủ tướng khẳng định, ưu tiên cho tăng trưởng, tháo gỡ thể chế để huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, nhân dân, xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp ngày 12/11. Ảnh: Quang Vinh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp ngày 12/11. Ảnh: Quang Vinh.

Đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền

Đặt câu hỏi chất vấn đối với Thủ tướng, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) cho biết, Chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả một cách thực chất bộ máy hành chính phải gắn với phân cấp, phân quyền hợp lý giữa các cấp. Tuy nhiên trong quá trình triển khai vẫn còn một số tồn tại hạn chế như việc rà soát sửa đổi bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật về chuyên ngành còn chậm. “Đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với các bộ ngành, với các địa phương trong thời gian tới” - bà Hoa nêu ý kiến.

Trả lời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đây là vấn đề lớn. Đến nay Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 14 Luật có liên quan, 9 Nghị quyết, bổ sung thay thế 27 Nghị định nhưng vẫn vướng về phân cấp, phân quyền tập trung chủ yếu ở Trung ương và đây là nút thắt lớn.

Về giải pháp, theo Thủ tướng, cần rà soát các quy định pháp luật, các quy định của Đảng, rà soát chức năng nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan, xem xét lại các Luật: Tổ chức Chính phủ; Tổ chức Quốc hội; Chính quyền dịa phương để tính toán lại phân cấp, phân quyền. Hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn, tăng cường giám sát kiểm tra.

“Bên cạnh đó, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ quyền lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp để đảm bảo phân cấp, phân quyền có nguồn lực và năng lực thực thi” - Thủ tướng nói.

Quốc hội giao Chính phủ mục tiêu GDP 2025 là 6,5-7%

Chiều 12/11, với gần 89% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội. Trong 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 được Quốc hội giao cho Chính phủ là 6,5-7%, phấn đấu 7 - 7,5% và GDP bình quân đầu người khoảng 4.900 USD.

ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị Thủ tướng cho biết về điểm nhấn quan trọng nhất trong thời gian tới Thủ tướng sẽ chọn vấn đề gì? Bên cạnh đó, nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát là hết sức cấp bách. “Xin Thủ tướng cho biết rõ giải pháp đề hoàn thành nhiệm vụ này trong năm 2025?” - bà Yến nêu câu hỏi.

Trả lời, việc cải cách thể chế nếu được chọn, Thủ tướng cho biết sẽ chọn “phân cấp, phân quyền”. Ưu tiên cho tăng trưởng. Ưu tiên tăng trưởng thì phải có nguồn lực, vì tăng trưởng “bình bình” như hiện nay 6-7% khó đạt mục tiêu 100 năm cho nên ưu tiên tăng trưởng, tháo gỡ thể chế để huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, nhân dân, xã hội, hợp tác công tư, nguồn lực đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp.

Về xóa nhà tạm, nhà dột, Thủ tướng khẳng định: Đây là chủ trương lớn. Sang năm chúng ta thành lập nước được 80 năm, 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng nhưng rà soát lại còn hơn 300 nghìn hộ có nhà dột nát, bao gồm hộ có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo. Quyết tâm từ nay đến năm 2025 chúng ta xóa hết nhà tạm, nhà dột nát.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) nêu vấn đề, chống lãng phí được Đảng, Nhà nước đặt ra cấp bách, trong đó xử lý các dự án chậm tiến độ là giải pháp quan trọng để chống lãng phí. Thời gian qua cử tri đánh giá cao sự quyết liệt, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua việc xử lý các dự án tồn đọng vướng mắc kéo dài nhiều năm ở trung ương và các địa phương. “Tuy nhiên còn một số dự án tồn đọng, yếu kém vẫn chưa được xử lý. Đề nghị Thủ tướng cho biết nguyên nhân, giải pháp về cơ chế, tiến độ trong thời gian tới như thế nào?” - bà Thúy chất vấn.

Về nguyên nhân, Thủ tướng cho biết, có nhiều dự án, tồn đọng kéo dài. Trong thời gian qua 12 đại dự án tồn đọng kéo dài đã xin chủ trương của Bộ Chính trị. Bộ Chính trị đã đồng ý, và hiện Chính phủ đang triển khai thực hiện. Cái nào vượt quyền hạn thì Chính phủ xin ý kiến Quốc hội.

Kinh nghiệm này tiếp tục được vận dụng cho những cái còn lại, trên cơ sở đó rà soát lại những dự án tương tự để xử lý. Tinh thần là tôn trọng hiện trạng, ai vi phạm thì xử lý và phải tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về pháp luật. Như tinh thần đã xử lý 12 dự án, kể cả đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhiệt điện Ô Môn, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. “Vấn đề cơ bản nhất là phải tôn trọng hiện tại, cái đã vỡ rồi khi hàn gắn lại cũng thành sẹo. Từ đó cho cơ chế chính sách để xử lý” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Trả lời vấn đề đại biểu chất vấn liên quan đến việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, Thủ tướng cho biết, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, cũng như quan hệ hành chính, nhưng cũng phải xây dựng thể chế, quy định rõ ràng. Tuy nhiên, đối với tình trạng buôn lậu, trốn thuế, thao túng, găm hàng đội giá, thao túng thị trường thì phải xử lý.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Lê Khánh.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Lê Khánh.

Giải quyết kinh tế báo chí như thế nào?

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các ĐBQH. Đặt vấn đề chất vấn, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, tình trạng tiêu cực của phóng viên, biên tập viên thời gian qua phải chăng do sự bùng nổ của báo chí, tạp chí chuyên ngành trên các lĩnh vực dẫn đến chất lượng về chuyên môn thấp, sai tôn chỉ mục đích, vi phạm điều lệ cấm.

“Thương mại hóa báo chí ngày càng phổ biến do cạnh tranh với các nguồn thông tin trên không gian mạng nên nguồn thu của báo chí bị sụt giảm đáng kể, tạo áp lực lớn đến kinh tế báo chí, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của phóng viên, biên tập viên, khiến tình trạng tiêu cực có thể xảy ra. Vậy nguyên nhân nào gây ra tình trạng trên, và giải pháp nào để hoạt động báo chí và quảng cáo cạnh tranh lành mạnh giữa quảng cáo mạng với thông tin truyền thống” - ông Hòa nói.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nguyên nhân về tiêu cực của báo chí có lý do kinh tế báo chí. 80% quảng cáo trực tuyến trước đây thuộc về báo chí, hiện nay rơi vào tay mạng xã hội, nguồn thu quảng cáo đối với các cơ quan báo chí giảm đáng kể.

Về giải pháp, ông Hùng nêu, Thủ tướng đã ra Chỉ thị năm 2023 về truyền thông chính sách. Trong đó xác định rõ các cơ quan chính quyền các cấp phải coi truyền thông chính sách là một nhiệm vụ của mình, có bộ máy và ngân sách hàng năm để “đặt hàng” báo chí. Đây là nguồn tăng thêm để cho báo chí thực hiện về kinh tế báo chí.

Theo ông Hùng, báo chí cần phải thay đổi công nghệ. “Đã có chiến lược quốc gia về chuyển đổi số trong báo chí để đưa công nghệ của báo chí tương đương với nền tảng xã hội” - ông Hùng nhấn mạnh.

Tranh luận về vấn đề kinh tế báo chí, ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) cho rằng, sự hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết nhưng cần được định hướng rõ ràng, tập trung vào việc hỗ trợ báo chí thực hiện tốt vai trò truyền thông chính sách, chứ không chỉ là nguồn thu để duy trì hoạt động.

Theo ông Nghĩa, hiệu quả của công tác truyền thông chính sách mới là điều quan trọng nhất. Việc cấp kinh phí cho các cơ quan báo chí để thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách là cần thiết, nhưng cần đảm bảo rằng báo chí phải tự chủ, cạnh tranh được với các kênh thông tin khác, đặc biệt là mạng xã hội.

“Báo chí hiện nay đã chuyển sang tự tìm kiếm nguồn thu để tồn tại và phát triển, hiện 30% cơ quan báo chí là nhận từ ngân sách, còn 70% là tự bươn chải. Tuy nhiên, nhiều cơ quan báo chí có tầm ảnh hưởng lớn lại không được hỗ trợ, hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường. Do đó, việc Nhà nước đặt hàng truyền thông và chi trả kinh phí là một hình thức hỗ trợ báo chí. Tuy nhiên mô hình báo chí lý tưởng là mô hình đi bằng “hai chân”, kết hợp giữa việc nhận đặt hàng từ Nhà nước và tự tìm kiếm nguồn thu trên thị trường” - ông Hùng nhấn mạnh.

Theo ĐBQH Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên), ngoài việc tăng cường chất lượng, đẩy mạnh số hóa báo chí thì bài toán kinh tế báo chí, mô hình kinh doanh báo chí sẽ phải giải quyết như thế nào để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và tồn tại, làm tốt vai trò người lính xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Trả lời vấn đề trên, ông Hùng nêu quan điểm, báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi. Cách đây nhiều năm, khi kinh tế thị trường mới ở Việt Nam, các doanh nghiệp phải quảng cáo để bán hàng nên chi khá nhiều tiền cho quảng cáo và lúc đó chỉ có mỗi phương tiện là báo chí.

“Dù mong muốn tự chủ và hoạt động linh hoạt hơn, các cơ quan báo chí truyền thống đang phải đối mặt với thách thức lớn khi nguồn thu từ quảng cáo trực tuyến bị mạng xã hội chiếm lĩnh. Điều này càng trở nên khó khăn hơn khi số lượng cơ quan báo chí ngày càng tăng trong khi nguồn thu lại giảm sút” - ông Hùng nhận định đồng thời thông tin, trong Chỉ thị của Thủ tướng về truyền thông chính sách, bộ, ngành địa phương phải coi truyền thông là việc của mình, phải có ngân sách hàng năm để thực hiện. “Trước đây ta cứ nghĩ đây là việc của báo chí, họ lấy tiền đâu thì không biết, không chi ngân sách cho việc đấy. Đây là việc cần thay đổi. Vì vậy, từ năm ngoái các cơ quan đã tăng ngân sách cho báo chí. Khi sửa Luật Báo chí sắp tới, Bộ sẽ có một mục nói về kinh tế báo chí, cho phép cơ quan báo chí lớn được kinh doanh nội dung, lĩnh vực truyền thông” - ông Hùng nói.

Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đã có 136 lượt đại biểu chất vấn, 18 lượt đại biểu tranh luận, còn 80 đại biểu đăng ký phát biểu nhưng chưa được phát biểu do hết thời gian. Qua phiên chất vấn tại kỳ họp cho thấy, các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề cử tri, Nhân dân cả nước và các vị ĐBQH quan tâm. “Đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành với tinh thần “nói đi đôi với làm và làm ngay”, phát huy những kết quả đạt được, khẩn trương khắc phục những hạn chế, vướng mắc, có giải pháp mới để thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trả lời thêm sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, để báo chí phát triển trong thời gian tới chúng ta phải hoàn thiện pháp luật về báo chí và pháp luật có liên quan. Siết lại tiêu chí, tôn chỉ, mục đích của báo và tạp chí hiện nay. Đổi mới, tăng cường cơ chế tài chính cho cơ quan báo chí, trong đó có chính sách thuế.

Ngày làm việc thứ 19 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Ngày 12/11, Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ 19 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH và một số nội dung khác dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Buổi sáng: Dưới sự chủ trì điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH.

Từ 8 giờ - 8 giờ 30: Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực y tế. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Từ 8 giờ 30 - 8 giờ 40: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ hai.

Từ 8 giờ 40 - 11 giờ 30: Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Buổi chiều: Nội dung 1: Dưới sự chủ trì điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH.

Từ 14 giờ 00 - 14 giờ 50: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của ĐBQH về nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Từ 14 giờ 50 - 15 giờ 00: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ ba.

Từ 15 giờ 00 -16 giờ 20: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của ĐBQH.

Từ 16 giờ 20 -16 giờ 30: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Nội dung 2: Từ 16 giờ 30 -17 giờ 00: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành các nội dung sau: Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 426 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 88.94% tổng số ĐBQH), có 424 đại biểu tán thành (bằng 88.52% tổng số ĐBQH), có 2 đại biểu không biểu quyết (bằng 0.42% tổng số ĐBQH)…

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/uu-tien-cho-tang-truong-tao-dot-pha-tu-the-che-10294356.html
Zalo