Ưu tiên cao nhất cho chất lượng dự án luật, không chạy theo số lượng

Ngày 27/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị.

Không né tránh các nội dung dễ xảy ra trục lợi chính sách

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến đối với 12 dự án luật, gồm: 11 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua là: Luật Địa chất và khoáng sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Phòng không nhân dân. Và dự án Luật vừa được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 là Luật Điện lực (sửa đổi).

Đối với Luật Điện lực (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu được chuẩn bị tốt, Quốc hội thảo luận đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.

Để việc thảo luận đạt hiệu quả cao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách tập trung phân tích, thảo luận, thể hiện rõ quan điểm đối với những nội dung cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, xin ý kiến, những nội dung còn có các phương án khác nhau. Cho ý kiến rõ các dự án đã đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới hay chưa?

“Ưu tiên cao nhất cho chất lượng dự án luật, không chạy theo số lượng” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đồng thời yêu cầu chỉ những dự án luật bảo đảm chất lượng, giải quyết thỏa đáng các vấn đề vướng mắc thì mới trình Quốc hội thông qua. Những vấn đề thực tiễn đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì quyết tâm thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cần rà soát kỹ lưỡng các dự thảo luật xem đã quán triệt, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng hay chưa? Các điều khoản cụ thể trong dự thảo luật đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với các luật khác trong hệ thống pháp luật hay chưa? Cần lưu ý việc đánh giá tác động đối với những đề xuất quy định mới.

Đặc biệt, cần quán triệt và thực hiện tốt Quy định 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Đặc biệt, các chính sách đã bảo đảm việc không để sơ hở, phòng ngừa, ngăn chặn được tình trạng “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực cơ quan quản lý nhà nước chưa? Vì vậy, các vị đại biểu Quốc hội khi phát biểu cần thể hiện rõ quan điểm, khách quan, không né tránh đối với các nội dung nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách.

Cần quy định rõ về quy hoạch đô thị xanh

Tại hội nghị, các đại biểu hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) kiến nghị, ở những địa phương chưa cân đối được nguồn thì cho phép sử dụng kinh phí chi thường xuyên để lập, thẩm định, quyết định đối với quy hoạch đô thị và nông thôn được lập sau ngày 16/6/2022 và quy hoạch đã được bố trí một phần kinh phí nhưng phát sinh thêm các nhiệm vụ quy hoạch sau ngày 16/6/2022.

Theo bà Vang, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sớm có chủ trương thống nhất với Chính phủ để các bộ, ngành liên quan có sự đồng bộ trong hướng dẫn các địa phương áp dụng triển khai, tổ chức và thực hiện kịp thời và hiệu quả Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội.

Về quy hoạch chung xã, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại khoản 6 Điều 27 về việc không yêu cầu lập riêng quy hoạch chung xã đối với tất cả các xã mà chỉ lập riêng quy hoạch chung xã trong trường hợp xã có đặc thù về quy mô dân số, diện tích, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, điều kiện tự nhiên, cảnh quan; tại thời điểm lập quy hoạch chung huyện, UBND cấp tỉnh xác định các xã cần phải lập quy hoạch chung xã trong nhiệm vụ quy hoạch chung huyện. Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng, cần có thước đo chung về đặc thù, quy mô dân số, diện tích, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương, địa bàn trên cả nước. Tránh việc lợi dụng, lạm dụng làm cản trở đến sự phát triển chung của đất nước.

Trong khi đó, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) đề nghị, cần quy định rõ hơn hoặc quy định nguyên tắc về quy hoạch đô thị xanh để làm căn cứ triển khai thực hiện trong thực tiễn. Trong đó nên quan tâm việc bảo đảm tiếp cận phổ cập với không gian công cộng xanh, an toàn và thân thiện cho toàn dân, đặc biệt đối với phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật.

Còn Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) đề nghị, Bộ Nội vụ cần xem xét lại việc sắp xếp đơn vị hành chính. Theo đó, chỉ khi đạt đúng bản chất đô thị mới là đô thị. Chứ đừng đơn thuần tính theo diện tích và dân số, dẫn đến tình trạng nhiều địa phương, đặc biệt các thành phố miền núi có xã không mang tính chất đô thị và không thể phát triển đô thị được.

Cùng ngày, các Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã cho ý kiến về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/uu-tien-cao-nhat-cho-chat-luong-du-an-luat-khong-chay-theo-so-luong-10288878.html
Zalo