Ưu tiên bố trí kinh phí khuyến công quốc gia cho các tỉnh miền núi
Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động khuyến công, Sở Công Thương Hòa Bình đề xuất Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương ưu tiên bố trí kinh phí khuyến công quốc gia cho các tỉnh miền núi nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng.
Doanh nghiệp thụ hưởng chính sách ngày càng tăng
Hiện tỉnh Hòa Bình có khoảng 6.600 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó có hơn 500 doanh nghiệp sản xuất - lực lượng này đang góp phần quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp của địa phương với sự hỗ trợ hữu hiệu của chương trình khuyến công. Số lượng cơ sở công nghiệp nông thôn hàng năm được hưởng chính sách khuyến công ngày càng tăng lên.
Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình cho biết, thời gian qua, Sở đã chỉ đạo tăng cường khảo sát các cơ sở công nghiệp nông thôn có nhu cầu hỗ trợ khuyến công với nhiều cách tiếp cận để hoạt động khuyến công được lan tỏa sâu rộng, tìm ra những hướng đi mới, những kế hoạch sản xuất khả thi.
Năm 2023, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (Trung tâm Khuyến công) chủ động tiếp cận từ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau với mục tiêu hỗ trợ nhiều nhất cho các cơ sở và đã có những kết quả nhất định. Cụ thể, đã hỗ trợ 15 cơ sở ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất, tăng 25% so với năm 2022, với tổng kinh phí hơn 4,3 tỷ đồng, tăng 26,3%. Doanh thu của các cơ sở sau khi được kinh phí khuyến công hỗ trợ tăng trung bình khoảng 20% so với trước; và có những mô hình mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội.
Năm 2024, Sở Công Thương Hòa Bình đã thẩm định 6 đề án khuyến công địa phương. Trong đó có 4 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất đồ uống; chế biến nông, thủy sản; chế biến dược liệu; chế biến thảo mộc”. Hai đề án còn lại là “Thông tin tuyên truyền hoạt động khuyến công” và “Tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2024”. Các đề án được nhận xét, đánh giá cụ thể nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả như mong muốn.
Tuy nhiên, hoạt động khuyến công thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn về tài chính. Nguồn nhân lực, quản trị của nhiều doanh nghiệp, nhất là cơ sở công nghiệp nông thôn, còn rất hạn chế, ảnh hưởng đến việc tiếp nhận chính sách hỗ trợ cũng như khả năng tận dụng cơ hội thị trường.
Tập trung hỗ trợ ngành nghề có thế mạnh
Nhằm tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn vượt qua khó khăn, Sở Công Thương Hòa Bình cho biết sẽ tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, để các cơ sở sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, chế độ chính sách cũng như các quy định khác về quản lý hoạt động khuyến công.
Cùng với đó, chú trọng hỗ trợ phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp ưu tiên làm nền tảng cho hiện đại hóa nông thôn, có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp. Hỗ trợ có hiệu quả công nghiệp chế tạo, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản. Tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách đã ban hành để điều chỉnh bổ sung hoàn thiện cho phù hợp với thực tế của địa phương và phù hợp với các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách khuyến công. Ưu tiên hỗ trợ các cơ sở trong lĩnh vực ngành nghề có thế mạnh của địa phương như chế biến nông, lâm, thủy sản, chế biến dược liệu... Khuyến khích hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ vào sản xuất.
Thực hiện tốt công tác phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể xã hội, các tổ chức hỗ trợ phát triển khác để hỗ trợ và thực hiện hoạt động khuyến công.
Để chính sách khuyến công tác động có hiệu quả hơn nữa, Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình kiến nghị Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ quy định các khoản hỗ trợ mà doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như kinh phí hỗ trợ khuyến công là khoản thu nhập được miễn thuế. Đồng thời, phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ quy định thống nhất duy trì ổn định mô hình tổ chức bộ máy các Trung tâm khuyến công trực thuộc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố là đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý Nhà nước lĩnh vực công thương; bảo đảm nguồn chi thường xuyên hàng năm phục vụ cho các hoạt động công tác của đơn vị.
Sở cũng kiến nghị Cục Công Thương địa phương quan tâm ưu tiên bố trí kinh phí khuyến công quốc gia cho các tỉnh miền núi nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng, phê duyệt và bổ sung các đề án khuyến công hàng năm do Sở Công Thương Hòa Bình đề xuất. Xem xét tăng định mức hỗ trợ kinh phí cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế hiện nay để khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển cụm công nghiệp; hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn.