Ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân để thu hút, giữ chân người tài

Ngày 6/5, Quốc hội nghe tờ trình về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN,ĐMST).

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long báo cáo trước Quốc hội (Ảnh: Quang Vinh)

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long báo cáo trước Quốc hội (Ảnh: Quang Vinh)

Trình bày tờ trình trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển KH,CN,ĐMST và chuyển đổi số quốc gia đã quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ chi tiêu tài chính từ ngân sách nhà nước, hoạt động của tổ chức và nhân lực trong tổ chức KH&CN công lập, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hoạt động KH&CN trong doanh nghiệp, công nghệ chiến lược; cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, đấu thầu, tài chính và thử nghiệm có kiểm soát cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số chiến lược để tháo gỡ vướng mắc tạo cơ chế, chính sách vượt trội trong hoạt động KH,CN,ĐMST và chuyển đổi số quốc gia.

Các chính sách nêu trên nhằm giải quyết những vướng mắc đã rõ, có thể thi hành được ngay. Tuy nhiên, còn nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, thể chế đầy đủ và có hệ thống trong Luật KH,CN&ĐMST.

Từ phân tích trên, theo ông Long, để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, định hướng của Quốc hội và chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ về hoàn thiện thể chế, việc đề xuất xây dựng Luật KH,CN&ĐMST là rất cần thiết.

Ông Long khái quát, dự thảo Luật KH,CN&ĐMST gồm 8 chương và 83 điều (tăng 2 điều so với Luật KH&CN năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo (ĐMST) và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành.

Dự thảo Luật KH,CN&ĐMST có 6 nhóm chính sách như: Chính sách 1: Đổi mới hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST; Chính sách 2: Phát triển tiềm lực KH&CN; Chính sách 3: Thu hút đầu tư, tạo thuận lợi sử dụng ngân sách cho KH,CN,ĐMST; Chính sách 4: Thúc đẩy hoạt động KH,CN,ĐMST trong doanh nghiệp và phát triển thị trường KH&CN; Chính sách 5: Tăng cường phổ biến tri thức KH&CN. Đồng thời, để kịp thời thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 57-NQ/TW, Luật KH,CN,ĐMST đã bổ sung Chính sách 6 liên quan đến hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Luật KH,CN,ĐMST tiếp tục khẳng định KH,CN,ĐMST giữ vai trò then chốt trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên và môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển đồng bộ các lĩnh vực KH&CN gắn với phát triển văn hóa và nâng cao dân trí; tăng nhanh và sử dụng có hiệu quả tiềm lực KH&CN của đất nước bên cạnh việc nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu KH&CN hiện đại trên thế giới; hình thành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo, trọng dụng nhân tài và đẩy mạnh ứng dụng KH&CN. Trong đó, xây dựng đồng bộ chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng nhân lực, nhân tài KH&CN.

Dự thảo Luật bổ sung chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, chính sách thưởng cho các nghiên cứu cơ bản, chính sách chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho nhân lực trong nước; cơ chế thỏa thuận lương, ưu đãi, tạo thuận lợi về giấy phép lao động, cấp thị thực để thu hút chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN trọng điểm tại Việt Nam, giúp giải quyết các vấn đề mà chuyên gia trong nước chưa giải quyết được. Dự thảo Luật cũng đặc biệt bổ sung nguyên tắc, tiêu chí xác định nhân tài trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó quy định cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân tài.

Lý do được ông Long nêu ra là để thu hút, giữ chân người tài tham gia hoạt động KH,CN,ĐMST; thu hút nhân tài là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam làm việc.

Về phát triển nhân lực, nhân tài KH,CN,ĐMST, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ, và môi trường của Quốc hội cho rằng, nội dung này cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng có quy định để thu hút nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các nhà khoa học ở trong nước, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài có khả năng tổ chức, điều hành, chỉ huy, dẫn dắt nghiên cứu, triển khai, kể cả ở tầm khu vực và quốc tế; có cơ chế thực sự cạnh tranh về đãi ngộ và sử dụng, giữ chân nhân tài; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo nhân lực với nhu cầu thực tiễn; hệ sinh thái KH,CN,ĐMST đủ hấp dẫn để khuyến khích nhân tài phát huy tối đa khả năng sáng tạo.

“Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về xây dựng chương trình đào tạo nhân lực nghiên cứu trình độ cao và kỹ năng công nghệ mới (AI, dữ liệu lớn), cơ chế luân chuyển nhà khoa học giữa viện - trường - doanh nghiệp, cơ chế thu hút chuyên gia quốc tế và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài tham gia các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ KH,CN, ĐMST mang tầm chiến lược”, ông Huy nêu.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/uu-dai-ve-thue-thu-nhap-ca-nhan-de-thu-hut-giu-chan-nguoi-tai-10305168.html
Zalo