Ưu đãi thuế cho báo chí và cải cách chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp: Đột phá cần thiết để phát triển bền vững trong nền kinh tế số

Trong bối cảnh nền kinh tế đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sâu rộng, Dự thảo Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp (sửa đổi) - dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV - đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng doanh nghiệp, giới chuyên gia và các cơ quan báo chí.

Với nhiều điểm đổi mới đáng chú ý, dự thảo không chỉ đề xuất cải cách kỹ thuật tính thuế mà còn mở rộng phạm vi ưu đãi, trong đó nổi bật là việc đưa báo chí (bao gồm cả quảng cáo trên báo) vào danh mục được hưởng ưu đãi thuế - nội dung đã được nhiều đại biểu Quốc hội, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan truyền thông đề xuất từ nhiều năm qua.

Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) sáng ngày 12/5. Ảnh: media.quochoi.vn

Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) sáng ngày 12/5. Ảnh: media.quochoi.vn

Tại phiên thảo luận toàn thể sáng ngày 12/5/2025 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Trà Vinh đã có một số ý kiến liên quan đến Dự thảo Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), trong đó ông bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao việc đưa hoạt động báo chí - bao gồm cả quảng cáo trên báo vào danh mục được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, như quy định tại điểm v khoản 2 Điều 12 của dự thảo.

Về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ quan báo chí

Đại biểu cho rằng, trong bối cảnh báo chí đang chịu áp lực tài chính lớn do suy giảm doanh thu quảng cáo, cạnh tranh khốc liệt từ nền tảng số xuyên biên giới, thì việc bổ sung chính sách ưu đãi thuế là “một bước đi cần thiết, thể hiện sự đồng hành của Nhà nước với báo chí cách mạng”. Đây là hình thức hỗ trợ gián tiếp nhưng hiệu quả, giúp báo chí duy trì vai trò định hướng dư luận, phản biện chính sách và giữ vững nền tảng tư tưởng - văn hóa.

Từ góc nhìn chuyên môn và thực tiễn chính sách, quy định tại điểm v khoản 2 Điều 12 là sự tiếp thu tích cực kiến nghị nhiều năm của các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam và các đại biểu Quốc hội. Việc đưa báo chí vào diện ưu đãi không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn trước mắt, mà còn tạo điều kiện để các cơ quan báo chí tái đầu tư vào hạ tầng công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nội dung, đồng thời nâng sức cạnh tranh với truyền thông xã hội và nền tảng xuyên biên giới.

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình - Đoàn Trà Vinh thảo luận dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) sáng ngày 12/5. Ảnh: media.quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình - Đoàn Trà Vinh thảo luận dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) sáng ngày 12/5. Ảnh: media.quochoi.vn

Tuy nhiên, để chính sách này thực sự phát huy hiệu quả, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng cần lưu ý một số khía cạnh kỹ thuật và quản lý chính sách: Một là, cần làm rõ phạm vi áp dụng ưu đãi: chỉ áp dụng với cơ quan báo chí được cấp phép hoạt động theo Luật Báo chí, tránh bị lợi dụng bởi các tổ chức truyền thông không chính thống. Cần xác định rõ quảng cáo trên báo điện tử có nằm trong phạm vi được hưởng ưu đãi hay không. Hai là, nên gắn ưu đãi thuế với hiệu quả hoạt động xã hội của cơ quan báo chí, thông qua các tiêu chí định lượng như tỷ lệ nội dung chính thống, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, chất lượng thông tin phục vụ cộng đồng. Ba là, đề nghị kết hợp ưu đãi thuế với hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước, thông qua quỹ đổi mới sáng tạo trong báo chí, hỗ trợ chuyển đổi số, đào tạo và phát triển công nghệ, nhất là với báo chí địa phương và các đơn vị quy mô nhỏ.

Ngoài nội dung về báo chí, đại biểu Thạch Phước Bình cũng đồng tình với nhiều ý kiến khác tại hội trường, kiến nghị Quốc hội và Ban soạn thảo cần tiếp tục hoàn thiện một số quy định cốt lõi trong Dự thảo.

Về phụ lục ngành, nghề, địa bàn được ưu đãi thuế

Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 12, cùng với các quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Dự thảo Luật, các ngành nghề và địa bàn được hưởng ưu đãi thuế được giao cho Chính phủ quy định. Tuy nhiên, theo đại biểu Thạch Phước Bình điều này có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tra cứu và áp dụng vì phải phụ thuộc hoàn toàn vào các văn bản dưới luật, vốn có thể thay đổi hoặc cập nhật muộn. Do đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung phụ lục chính thức kèm theo Luật, quy định cụ thể danh mục ngành nghề và địa bàn được hưởng ưu đãi thuế. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng tra cứu, đối chiếu, đồng thời tạo thuận lợi trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất – kinh doanh phù hợp với định hướng chính sách.

Về đơn giản hóa quy định chi phí được trừ

Điều 9, khoản 1 và 2 của Dự thảo Luật quy định khá chi tiết về các khoản chi được trừ và không được trừ khi tính thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, nội dung vẫn còn mang tính kỹ thuật cao và chưa phù hợp với năng lực kế toán - tài chính của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Từ đó, đại biểu kiến nghị bổ sung vào khoản 3 Điều 9 nội dung cho phép áp dụng cơ chế kế toán đơn giản hoặc danh mục chi phí mặc định theo tỷ lệ định mức dành riêng cho nhóm doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính ban hành bộ hướng dẫn mẫu giúp doanh nghiệp dễ áp dụng, cũng như có quy định rõ hơn về cách xử lý các sai sót nhỏ trong chứng từ, hóa đơn điện tử nhằm giảm rủi ro bị loại chi phí khi thanh tra - kiểm tra thuế.

Về thuế điện tử xuyên biên giới và thuế tối thiểu toàn cầu

Dự thảo tại khoản 5 Điều 3 và khoản 2 Điều 11 đã đề cập đến nghĩa vụ thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định toàn cầu, đặc biệt là doanh nghiệp không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể cho các doanh nghiệp kỹ thuật số xuyên biên giới - vốn đang là thách thức lớn trong việc quản lý thuế. Do đó, đại biểu kiến nghị cần bổ sung nội dung vào Điều 3 hoặc Điều 11 quy định rõ về nghĩa vụ kê khai và nộp thuế của các doanh nghiệp kỹ thuật số xuyên biên giới, áp dụng theo chuẩn quốc tế của OECD (Pillar 1 & Pillar 2). Đồng thời, kiến nghị giao Chính phủ xây dựng và ban hành hướng dẫn kỹ thuật về việc triển khai Income Inclusion Rule (IIR) và Undertaxed Payment Rule (UTPR), áp dụng với các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu toàn cầu vượt 750 triệu EUR.

Về cơ chế kiểm soát sau ưu đãi và miễn thuế

Dự thảo tại khoản 4 và 5 Điều 14 cùng với khoản 2 và 3 Điều 18 quy định điều kiện hưởng ưu đãi thuế. Tuy nhiên, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng dự thảo Luật lại chưa có cơ chế kiểm soát hậu kiểm rõ ràng để đảm bảo doanh nghiệp duy trì điều kiện trong suốt thời gian hưởng ưu đãi. Vì vậy, đại biểu kiến nghị bổ sung tại Điều 18 quy định bắt buộc các doanh nghiệp đang được miễn, giảm thuế hoặc hưởng ưu đãi thuế phải chịu kiểm toán thuế định kỳ từ 03 - 05 năm/lần. Ngoài ra, cần bổ sung quyền cho cơ quan thuế thu hồi ưu đãi nếu phát hiện doanh nghiệp không còn đáp ứng điều kiện. Đồng thời, khoản 5 Điều 14 cũng cần được chỉnh sửa để yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo hàng năm về việc duy trì điều kiện ưu đãi.

Về chính sách hỗ trợ hợp tác xã quy mô nhỏ phát triển thành doanh nghiệp

Dự thảo Luật đã có nhiều quy định tích cực dành cho hợp tác xã, đặc biệt tại khoản 1, 2 và 12 Điều 4 và điểm r khoản 2 Điều 12. Tuy nhiên, để khuyến khích hợp tác xã nhỏ phát triển lên mô hình doanh nghiệp hiệu quả hơn, cần có chính sách hỗ trợ rõ ràng. Từ đó, đại biểu đề xuất bổ sung quy định mới cho phép các hợp tác xã quy mô nhỏ khi chuyển đổi thành doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 02 - 03 năm đầu sau chuyển đổi. Đồng thời, cần công nhận tính tương đương giữa hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ trong việc áp dụng chính sách ưu đãi thuế nếu đáp ứng cùng các tiêu chí về doanh thu, lao động, và minh bạch tài chính. Nội dung này có thể được quy định chi tiết tại khoản 4 Điều 18, giao Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện.

Về mở rộng ưu đãi đối với các dự án “xanh” và kinh tế tuần hoàn

Về nội dung này, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, Dự thảo Luật đã có những quy định khuyến khích năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường tại điểm d khoản 2 Điều 12, cùng với Điều 13 và Điều 14. Tuy nhiên, khái niệm “xanh” và “kinh tế tuần hoàn” vẫn chưa được phản ánh đầy đủ. Do vậy, đại biểu kiến nghị bổ sung thêm nội dung trong Điều 12, mở rộng ưu đãi cho các lĩnh vực: Tái chế rác thải sinh hoạt, rác nông nghiệp, Sản xuất vật liệu sinh học, vật liệu xanh, thân thiện với môi trường, Các mô hình kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi mô hình sản xuất từ tuyến tính sang tái sử dụng- tái chế.

Ngoài ra, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất Điều 13 cần quy định áp dụng thuế suất 10% trong 20 năm cho các doanh nghiệp đạt chứng chỉ mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng (ESG), chứng nhận “sản xuất sạch hơn”, hoặc các tiêu chuẩn môi trường quốc tế khác. Cũng nên bổ sung thêm điểm riêng trong Điều 13 để khuyến khích các mô hình xanh - tuần hoàn ngoài lĩnh vực năng lượng truyền thống.

Báo Trà Vinh Online

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/chinh-tri/uu-dai-thue-cho-bao-chi-va-cai-cach-chinh-sach-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-dot-pha-can-thiet-de-phat-trien-ben-vung-trong-nen-kinh-te-so-45958.html
Zalo