Ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số

Cuối tuần qua, Quốc hội đã thảo luận tổ về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Tại Tổ 8 (gồm Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ và các tỉnh Điện Biên, Vĩnh Long, Kon Tum), chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số là nội dung nhiều đại biểu quan tâm.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính, ĐBQH TP. Cần Thơ, tại phiên thảo luận tổ sáng 23.11

Thủ tướng Phạm Minh Chính, ĐBQH TP. Cần Thơ, tại phiên thảo luận tổ sáng 23.11

Chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số được quy định tại Điều 5 của dự thảo Luật với 8 khoản. ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ), người đang giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng trường của Trường Đại học Cần Thơ, ủng hộ thiết kế chính sách ưu tiên để thúc đẩy công nghiệp công nghệ số phát triển. Tuy nhiên, ông cho rằng, dự thảo Luật hiện ưu đãi quá nhiều, dàn trải và không tập trung.

Theo thống kê của ông, trong dự thảo Luật từ “ưu tiên” lặp lại 23 lần; từ “hỗ trợ” lặp 53 lần; từ “ưu đãi” lặp 32 lần, “khuyến khích” là 6 lần. Ưu tiên, ưu đãi phải đúng chỗ mới thúc đẩy được, ông bày tỏ quan điểm và cho rằng cần ưu tiên phát triển hạ tầng, gồm: điện - yếu tố cực kỳ quan trọng với công nghiệp bán dẫn, công nghiệp công nghệ số; nước sạch; nguồn nhân lực.

Trong khi đó, theo cảm nhận của ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên), những chính sách về nghiên cứu triển khai (R&D), hạ tầng, tài chính, nhân lực, thị trường, chuẩn hóa, dữ liệu số - vốn là yếu tố cốt lõi để phát triển công nghiệp công nghệ số - vẫn còn khá chung chung, chưa đột phá mạnh mẽ, chưa rõ đối tượng áp dụng; như vậy sẽ dẫn đến việc khó triển khai trong thực tiễn.

Vấn đề này, nhiều ý kiến trong Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - cơ quan thẩm tra dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, cũng lo ngại. Báo cáo thẩm tra cho rằng, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công nghiệp công nghệ số thì cần có chính sách rõ ràng hơn, cơ chế khuyến khích, ưu đãi có tính vượt trội, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta. Đồng thời, dự thảo Luật phải cụ thể hóa đầy đủ các chính sách này thành điều, khoản để bảo đảm tính khả thi.

Bên cạnh đó, những ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư và các cơ chế ưu đãi khác để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số có thể mâu thuẫn với các luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp… hiện hành, cũng cần nghiên cứu và có hướng giải quyết.

Tham dự phiên thảo luận tổ ngay sau khi vừa kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominicana, Thủ tướng Phạm Minh Chính - ĐBQH TP. Cần Thơ, cũng chia sẻ với các đại biểu về chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp công nghệ số.

Thủ tướng nhấn mạnh, muốn phát triển lĩnh vực nào thì phải có ưu đãi; chúng ta đang ưu tiên tăng trưởng thì ngoài việc làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) phải thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, trong đó có công nghệ số. Ví dụ, với ngành then chốt như chip bán dẫn, cần ưu tiên về đất đai, thuế, hạ tầng, và tài chính để thu hút đầu tư, tạo cơ hội chuyển giao công nghệ nhưng đồng thời phải bảo đảm lợi ích quốc gia. Thủ tướng cũng cho rằng, cần áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) với công nghiệp công nghệ số và kiểm soát bằng thời gian thử nghiệm. Ví dụ, cho phép thử nghiệm một năm, nếu làm tốt thì tiếp tục mở rộng, nếu không tốt thì hạn chế, dừng lại. Ngoài ra, cần chính sách khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực trẻ cho các lĩnh vực như bán dẫn, điện toán đám mây, và IoT, tận dụng lợi thế dân số trẻ và tư duy toán học tốt của người Việt.

Những ý kiến tại phiên thảo luận đã làm sáng tỏ nhiều khía cạnh quan trọng trong việc xây dựng chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số. Đây là lĩnh vực then chốt, có tiềm năng trở thành động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế nếu được định hướng đúng đắn. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số cần thiết kế các cơ chế, chính sách ưu đãi một cách trọng tâm, rõ ràng, khả thi và phù hợp với điều kiện của đất nước. Việc chú trọng phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời áp dụng mô hình thử nghiệm có kiểm soát sẽ giúp ngành công nghiệp công nghệ số từng bước phát triển bền vững, khẳng định vị thế của Việt Nam trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.

Cẩm Phô

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/uu-dai-cho-cong-nghiep-cong-nghe-so-post397350.html
Zalo