Uống nước nhớ nguồn - nghĩa cử cao đẹp của dân tộc
Thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng; quan tâm chăm sóc sức khỏe và điều dưỡng; thăm hỏi, tặng quà; hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở… cho thương, bệnh binh, gia đình chính sách là những việc làm thiết thực mà các cấp, các ngành, nhân dân trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai có hiệu quả trong thời gian qua. Từ đó, phát huy truyền thống đạo lý, nghĩa cử cao đẹp của dân tộc Việt Nam: 'Uống nước nhớ nguồn', 'Đền ơn đáp nghĩa'.
Những ngày giữa tháng 7, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Bình Sinh, 72 tuổi ở bản Thành Công (xã San Thàng, thành phố Lai Châu). Ông là một trong những người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc hiếm hoi trở về còn nguyên vẹn sau khi trải qua nhiều chiến trường khốc liệt, mưa bom bão đạn, từ Lào đến chiến dịch Tây Nguyên, Hồ Chí Minh năm 1975.
Tiếp chúng tôi bên hiên nhà nhỏ, ông Sinh vui mừng khoe rằng ngôi nhà vừa mới được sửa sang lại, đẹp hơn trước rất nhiều. Được biết, ông Sinh quê ở Hà Nam, năm 1970 ông lên đường nhập ngũ, tham gia Đại đội 19, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316.
Ông Sinh tâm sự: Năm 1976 xuất ngũ, tôi được cử về Huyện đoàn Phong Thổ công tác. Trải qua nhiều vị trí khác nhau, năm 1992, tôi nghỉ chế độ. Mấy năm gần đây, nhà ở đã xuống cấp, mái dột hỏng, được sự quan tâm của các cấp, ngành đã hỗ trợ gia đình tôi 20 triệu đồng sửa nhà. Vợ chồng tôi rất vui mừng. Các con cháu góp thêm, bà con giúp đỡ nên nhà được thay mái ngói bằng tôn lạnh, làm lại cửa chắc chắn.
Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo đời sống NCC với tấm lòng, sự tri ân sâu sắc, trách nhiệm cao nhất. Cụ thể hóa Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về ưu đãi NCC với cách mạng, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 70/2023/NQ-HĐND, ngày 8/12/2023 quy định một số chính sách trong công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe và điều dưỡng; thăm hỏi khi ốm đau; phúng viếng trong lễ tang; thăm hỏi, tặng quà nhân Ngày Thương binh - Liệt sỹ, tết Nguyên đán của tỉnh. Hằng năm, UBND tỉnh ban hành các quyết định thăm, tặng quà cho NCC, thân nhân NCC…
Đồng chí Đèo Văn Thương - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Hằng năm, bên cạnh tham mưu UBND tỉnh tổ chức thăm hỏi, tặng quà, sở chi trả kịp thời, đầy đủ chế độ cho gia đình chính sách, NCC và thân nhân liệt sỹ. Thẩm định, xét duyệt giải quyết chế độ chính sách cho NCC đảm bảo quy định. Thực hiện tốt công tác kiểm tra chế độ chính sách NCC tại cơ sở. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận và công nhận mới 35 NCC, thân nhân NCC với cách mạng. Toàn tỉnh đang quản lý 8.014 hồ sơ và 648 NCC và thân nhân NCC đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Kinh phí chi trả trợ cấp trên 1,5 tỷ đồng/tháng. Thực hiện điều dưỡng phục hồi sức khỏe 1.019 lượt người. Tổ chức đưa 68 NCC đi thăm chiến trường xưa và 8 NCC đi dự hội nghị biểu dương NCC tiêu biểu toàn quốc.
Xác định công tác chăm lo các gia đình thương binh, liệt sỹ và NCC với cách mạng là trách nhiệm và vinh dự, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã và đang đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, lan tỏa sâu rộng đạo lý truyền thống của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” bằng nhiều hoạt động thiết thực. Điển hình là vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân ủng hộ quỹ: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nghĩa tình đồng đội”. Từ nguồn quỹ này dành để thăm hỏi, tặng quà; hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở… cho các gia đình chính sách, NCC.
Ông Phạm Chí Mười - Chủ tịch UBND thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên) cho biết: Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thị trấn duy trì quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, vận động mỗi hộ gia đình đóng góp 10 nghìn đồng, mỗi năm thu khoảng 30 triệu đồng. Từ nguồn này, thị trấn thăm hỏi, tặng quà cho gia đình NCC và thân nhân NCC nhân dịp lễ tết, Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Hằng năm, chỉ đạo đoàn thanh niên, các trường học tổ chức cho học sinh đến thăm, động viên, giúp đỡ các gia đình NCC dọn vệ sinh nhà ở.
Trong 3 năm qua, toàn tỉnh đã vận động quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 2,5 tỷ đồng, xây mới và sửa chữa 30 căn nhà tình nghĩa với kinh phí gần 1 tỷ đồng; sửa chữa 1 công trình ghi công liệt sỹ với kinh phí trên 46 triệu đồng. Tổ chức thăm hỏi, tặng 6.389 suất quà cho NCC nhân dịp tết Nguyên đán và Ngày Thương binh - Liệt sỹ hằng năm. Trên địa bàn tỉnh hiện đang quản lý 27 công trình ghi công liệt sỹ, trong đó có 9 nghĩa trang liệt sỹ với 1.035 mộ liệt sỹ. Giai đoạn 2021-2023, trung ương hỗ trợ đầu tư nâng cấp, sửa chữa 17 lượt công trình ghi công liệt sỹ, kinh phí trên 12 tỷ đồng.
Ông Vũ Văn Tri (cựu chiến sỹ Điện Biên ở thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên) phấn khởi nói: Năm nào tôi cũng được lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương đến thăm hỏi, động viên, tặng quà. Mừng lắm, bản thân có thêm động lực để sống vui, sống khỏe.
Ngoài ra, để tưởng nhớ công lao to lớn của thế hệ cha anh đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, hằng năm, vào dịp 27/7, các cấp bộ đoàn tổ chức hoạt động thắp nến tri ân, dọn vệ sinh các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn tỉnh. Từ đó, thể hiện lòng biết ơn vô hạn của thế hệ trẻ hôm nay dành cho các anh hùng dân tộc.
Thời gian tới, các cấp, ngành trong tỉnh tiếp tục làm tốt công tác chăm lo cho NCC với cách mạng và thân nhân của họ đảm bảo có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân của người dân nơi cư trú. Đồng thời, tạo điều kiện để thương binh, bệnh binh và gia đình NCC phát huy năng lực, phẩm chất, truyền thống cách mạng thi đua sản xuất, phát triển kinh tế xây dựng quê hương Lai Châu giàu đẹp. Đặc biệt, tỉnh thực hiện có hiệu quả hơn nữa chế độ chính sách với tinh thần không có NCC nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Ðảng, Nhà nước.