Ươm mầm tài năng từ cơ sở

Mặc dù cơ sở vật chất còn thiếu song các câu lạc bộ (CLB) thể thao ở nhiều địa phương đã trở thành 'chiếc nôi' huấn luyện, tạo nguồn vận động viên (VĐV) tài năng cho tỉnh.

Miệt mài luyện tập

Những ngày cuối năm 2024, mặc dù công việc khá bận, thời tiết lạnh song anh Đỗ Xuân Hoàng (SN 1991), Chủ nhiệm CLB Võ thuật cổ truyền huyện Tân Yên vẫn có mặt tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện duy trì huấn luyện để chuẩn bị cho các giải đấu năm 2025. Trong trang phục võ thuật khỏe khoắn, hàng chục thí sinh say sưa luyện tập dù đường phố đã lên đèn. Các kỹ thuật: Xoay người, gạt, đỡ, đấm, đá, bẻ, khóa, gài, móc, chặn… cùng đòn quăng, quật, vật, nhảy được các võ sinh thực hiện dứt điểm, chính xác dưới sự chỉ bảo tận tình của huấn luyện viên (HLV) Đỗ Xuân Hoàng.

 Buổi huấn luyện của CLB Võ thuật cổ truyền huyện Tân Yên.

Buổi huấn luyện của CLB Võ thuật cổ truyền huyện Tân Yên.

Tranh thủ lúc giải lao, anh Hoàng chia sẻ, CLB được thành lập cách đây 10 năm, hiện có khoảng 150 thành viên từ 10 đến 18 tuổi, tập trung ở thị trấn Cao Thượng và một số xã lân cận. CLB thường xuyên duy trì tập luyện vào cuối các buổi chiều và ngày nghỉ, thời gian từ 2-3 tiếng. Kể từ khi thành lập đến nay, CLB cung cấp nhiều VĐV cho đội tuyển của tỉnh. Trong đó có những VĐV trẻ giành Huy chương Vàng (HCV) ở các giải đấu quốc gia. "Đây là môn thể thao có tính chất đối kháng, chế độ tập luyện, thi đấu rất khắc nghiệt, nguy cơ bị chấn thương cao, nếu ai không kiên trì rất dễ bỏ cuộc. Để các em gắn bó, theo đuổi môn thể thao này, HLV phải biết truyền lửa đam mê, động viên kịp thời", anh Hoàng nói.

Hiện trên địa bàn huyện Tân Yên có 12 CLB thể thao thành tích cao, tổ chức luyện tập nhiều bộ môn như: Vật, võ thuật, điền kinh, cờ vua, đá cầu... Ông Dương Quang Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Tân Yên cho biết: "Ngoài HLV hiện có của đơn vị, Trung tâm ký hợp đồng huấn luyện với cộng tác viên là giáo viên giáo dục thể chất ở các trường học hoặc VĐV từng giành thành tích cao ở các giải quốc gia. Đây là những HLV nhiệt huyết, trách nhiệm, có uy tín, kinh nghiệm trong huấn luyện.

Trung tâm quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất: Thảm, sân, thiết bị tập luyện. Tham mưu UBND huyện động viên khen thưởng kịp thời (tặng giấy khen, tiền) đối với các HLV, VĐV đạt thành tích xuất sắc. Từ các CLB, nhiều VĐV đã được lựa chọn vào đội tuyển của tỉnh để tiếp tục đào tạo bồi dưỡng, thi đấu, trở thành những VĐV đẳng cấp quốc gia, quốc tế, tiêu biểu như: Nguyễn Thị Thu Thủy (wushu), Phạm Tiến Sản (điền kinh)…

Những năm qua, các CLB thể thao ở nhiều huyện, thị xã, TP trên địa bàn tỉnh là địa chỉ tin cậy trong công tác huấn luyện VĐV tuyến cơ sở. Đa số các VĐV là học sinh phổ thông được phát hiện, tuyển chọn từ các giải phong trào. Tùy từng thế mạnh, điều kiện thực tế, mỗi địa phương định hướng thành lập các CLB khác nhau. Ví như huyện Tân Yên, Yên Thế tập trung đầu tư cho võ thuật, vật, điền kinh, bắn nỏ, cờ tướng; huyện Lạng Giang chú trọng môn điền kinh, cầu lông; huyện Sơn Động, Hiệp Hòa đầu tư chuyên sâu cho môn vật, võ thuật, đẩy gậy, kéo co, cờ tướng…

Ở huyện vùng cao Sơn Động, CLB Đẩy gậy - kéo co Trường THPT Sơn Động số 3 là nơi phát hiện, đào tạo nhiều VĐV tài năng. Người khởi xướng thành lập CLB là thầy giáo Nguyễn Tiến Duy, dạy môn Giáo dục thể chất trong nhà trường, là chủ nhiệm kiêm HLV của CLB. Khi mới thành lập, CLB có hơn 20 học sinh. Sau này, các em ra trường dù làm nhiều ngành nghề khác nhau nhưng vẫn tích cực tham gia. Sau 10 năm, đến nay, CLB thu hút hơn 130 thành viên, trong số này có khoảng 70% VĐV nguyên là học sinh của trường, hiện đang sinh sống trong và ngoài huyện.

Thầy giáo Nguyễn Tiến Duy chia sẻ: "Ngoài chú trọng thực hành các kỹ thuật, chiến thuật, CLB thường xuyên quan tâm rèn thể lực. VĐV phải trải qua những bài tập rèn sức bền khá vất vả như gánh tạ (trọng lượng từ 60-120 kg) vài chục lượt/buổi tập hoặc chạy, chống đẩy hàng tiếng đồng hồ". Vài năm gần đây, đoàn VĐV môn đẩy gậy - kéo co của tỉnh Bắc Giang tham gia các giải đấu quốc gia phần lớn là thành viên của CLB, mỗi năm giành hàng chục huy chương. Chỉ tính trong năm 2024, ở các giải đẩy gậy, kéo co quy mô toàn quốc, đoàn Bắc Giang giành 30 huy chương các loại, trong đó có 6 HCV.

Như "con tằm nhả tơ"

Phóng viên có mặt tại nhà ông Phạm Văn Vũ, thôn Cầu Chính, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang), Chủ nhiệm CLB Cầu lông Tân Dĩnh đúng lúc ông đang huấn luyện các học trò "nhí" thực hiện kỹ thuật đập cầu, treo cầu, đẩy cầu… Nhìn dáng người nhỏ bé bên những chiếc vợt nặng trĩu, không ai nghĩ các em lại có thể phản xạ nhanh; phát, đỡ, đập cầu dứt điểm, chính xác đến thế. Ông Vũ kể, trước kia từng công tác trong ngành nông nghiệp, chơi cầu lông giỏi, giành nhiều thành tích ở các giải đấu. Sau này nghỉ hưu, với mong muốn lan tỏa phong trào cầu lông trong giới trẻ ở địa phương, ông đề xuất với xã cho thành lập CLB Cầu lông Tân Dĩnh do mình làm chủ nhiệm.

 Ông Phạm Văn Vũ hướng dẫn các em trong CLB Cầu lông Tân Dĩnh kỹ thuật chơi cầu.

Ông Phạm Văn Vũ hướng dẫn các em trong CLB Cầu lông Tân Dĩnh kỹ thuật chơi cầu.

Gần 30 năm kể từ khi thành lập, bất kể nắng mưa, giá rét, các em nhỏ (từ 6 đến 9 tuổi) lại có mặt tại nhà ông để được kèm cặp, huấn luyện miễn phí. Như "con tằm nhả tơ", ông Vũ đã truyền lửa đam mê, đào tạo hàng trăm VĐV. Từ chỗ chưa biết cầm vợt, phát cầu, sau một thời gian huấn luyện, các em tiến bộ vượt bậc. Rất nhiều ngôi sao sáng trong "làng cầu lông" Việt Nam là con em xã Tân Dĩnh, trưởng thành từ lò luyện của ông, sau này trở thành kiện tướng như: Vũ Thị Trang, Nguyễn Thị Sen, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Trần Thị Phương Thúy, Hà Thị Thu Thảo. "Tôi luôn coi các em như con cháu trong gia đình. Điều cảm thấy hạnh phúc nhất đó là các em không chỉ chơi giỏi, yêu thích môn cầu lông mà còn giúp lan tỏa phong trào trên địa bàn trong và ngoài xã".

Ở thôn Quang Sơn, xã Trung Sơn (thị xã Việt Yên), CLB "Võ đường bên lũy tre xanh" do ông Nguyễn Văn Tụng (SN 1958) làm chủ nhiệm hơn 30 năm qua đã thu hút hàng trăm võ sinh theo học. Mỗi năm, ông Tụng tuyển chọn từ 15-20 em (từ 8 đến 12 tuổi) có năng khiếu môn vật để dạy, giới thiệu từ 3-5 em cho đội tuyển của tỉnh.

Thời gian qua, các CLB thể thao ở cơ sở đã khắc phục khó khăn trong công tác huấn luyện, bồi dưỡng. Các CLB như những "viên gạch hồng" nâng đỡ để nhiều tài năng trẻ nỗ lực vươn lên, bổ sung nguồn VĐV chất lượng cao cho tuyến tỉnh tiếp tục đào tạo".

Ông Bùi Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh.

Ông Tụng chia sẻ, đào tạo môn vật rất vất vả bởi phải kết hợp nhiều yếu tố từ động tác, tư thế đến kỹ thuật, chiến thuật (phòng thủ, tấn công), cách "bắt bài" đối thủ. Không chỉ đơn thuần đào tạo các em trở thành VĐV giỏi, điều sâu sắc, ý nghĩa hơn mà ông luôn tâm niệm, đó là mong muốn góp sức để bảo tồn môn thể thao truyền thống do cha ông gìn giữ từ bao đời. Rất nhiều VĐV trước đây do ông dạy đã giành HCV, Huy chương Bạc ở một số kỳ SEA Games.

Ngoài các CLB do trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao cấp huyện, các trường học trực tiếp thành lập, quản lý, để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo, huấn luyện ở cơ sở, hiện nay, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao (TDTT) tỉnh duy trì 13 CLB thể thao tại một số huyện, thị xã, TP. Mỗi năm, các CLB cung cấp hàng chục VĐV xuất sắc cho tuyến tỉnh. Ông Bùi Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh cho biết:"Tuy cơ sở vật chất còn thiếu thốn song thời gian qua, các CLB thể thao ở cơ sở đã khắc phục khó khăn trong công tác huấn luyện, bồi dưỡng. Các CLB như những "viên gạch hồng" nâng đỡ để nhiều tài năng trẻ nỗ lực vươn lên, bổ sung nguồn VĐV chất lượng cao cho tuyến tỉnh tiếp tục đào tạo".

Tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 144, ngày 22/8/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 70, ngày 31/1/2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới. Mục tiêu đến năm 2030, đối với thể thao thành tích cao, hằng năm VĐV Bắc Giang tham gia thi đấu giành từ 220 - 250 huy chương các loại, trong đó có 8-10 huy chương quốc tế, đóng góp từ 20-25 VĐV vào các đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia, có từ 70 VĐV trở lên đạt đẳng cấp quốc gia. Tỉnh chỉ đạo xây dựng chương trình huấn luyện ban đầu và mở rộng các lớp năng khiếu thể thao tại cơ sở phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng cho công tác đào tạo, bổ sung VĐV các đội tuyển của tỉnh.

Tâm huyết với phong trào TDTT, các HLV, VĐV của các CLB ở cơ sở luôn vững tin, tận tâm, trách nhiệm, góp sức vào thành tích chung của thể thao Bắc Giang.

Công Doanh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/uom-mam-tai-nang-tu-co-so-postid410362.bbg
Zalo