'Ươm mầm' nhân lực cho ngành blockchain Việt Nam
Dư địa phát triển của ngành blockchain tại Việt Nam rất lớn, với sự hỗ trợ từ Chính phủ trong việc thiết lập khung pháp lý. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nhân sự có kinh nghiệm đang khiến các nhà phát triển gặp ít nhiều khó khăn.
Thách thức luôn tồn tại trong mỗi cơ hội
Trong dòng chảy của cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ chuỗi khối (blockchain) - một hạ tầng số phi tập trung cho dữ liệu công, dịch vụ công, tài chính số và các ứng dụng công nghệ sổ cái phân tán DLT (hệ thống lưu trữ dữ liệu, với các thông tin, bản ghi được phân phối trên nhiều máy chủ hoặc nút mạng khác nhau - PV) - được kỳ vọng sẽ mang tới cơ hội phát triển mới cho Việt Nam.

Việt Nam đặt mục tiêu quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu khu vực về blockchain vào năm 2030. Ảnh: TL
Đón nhận cơ hội này, One Mount Group, Techcombank và các đối tác đã ra mắt startup 1Matrix, với định hướng xây dựng mạng blockchain Layer 1 "Make in Vietnam". Mạng này được thiết kế với cơ chế vận hành khai thác, tương tác và liên thông giữa các loại hình mạng chuỗi khối tại Việt Nam, góp phần hỗ trợ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân thực hiện dịch vụ công, giao dịch tài chính, xác thực - truy xuất nguồn gốc...
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Công ty 1Matrix, đánh giá yếu tố này là cần thiết trong bối cảnh dòng vốn từ tài sản mã hóa (những tài sản được tạo ra và trao đổi trên các nền tảng blockchain – PV) chảy vào Việt Nam ở mức 100 tỉ đô la/năm trong giai đoạn 2022-2024, nhưng khoảng trống về chủ quyền công nghệ tại nước ta rất lớn.
“Nhiều dịch vụ tài chính có thể ứng dụng blockchain, nhưng chưa thể thực hiện vì các mạng blockchain gốc chủ yếu từ nước ngoài, phụ thuộc vào hạ tầng đám mây ở những nơi khác. Do đó, việc làm chủ công nghệ không chỉ giúp Việt Nam chủ động phát triển kinh tế số, mà còn củng cố chủ quyền quốc gia về dữ liệu, an ninh thông tin", Chủ tịch 1Matrix nhấn mạnh.
Mong muốn là vậy, nhưng ông Trung cũng thừa nhận các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn do thiếu nhân sự được đào tạo về blockchain.
Còn báo cáo thị trường việc làm blockchain Việt Nam 2024 của BlockchainWork cho cho biết, chỉ có khoảng 7,8% nhân sự trong ngành có kinh nghiệm làm việc trên 5 năm. Với nhân sự có kinh nghiệm trên 3 năm, con số này là 20,5%. Còn lại là nhân sự trẻ, có kinh nghiệm dưới 1 năm (48,1%) và nhân sự có kinh nghiệm khoảng 1-3 năm (31,4%).
Hơn nữa, yêu cầu nhân sự có kiến thức về mật mã học, khoa học máy tính, tài chính, luật pháp và kinh nghiệm triển khai, vận hành dự án blockchain, khiến việc tìm kiếm ứng viên thành một thách thức lớn với nhà tuyển dụng. Thậm chí, nhiều dự án blockchain đã bị chậm tiến độ, hoặc không thể triển khai, do không có đủ nhân lực phù hợp.
Về nguồn cung nhân sự, hiện chỉ có một số đơn vị, như đại học Bách khoa Hà Nội, đại học kinh tế TPHCM, tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX, dần đưa nội dung về blockchain vào các môn học trong chương trình đào tạo chính quy. Bên cạnh đó, chỉ có 2/5 những ngôn ngữ lập trình thường được sử dụng trong blockchain phổ biến tại việt Nam là Javascript và Python.
“Ngành công nghệ blockchain tại Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này đòi hỏi hành động từ các doanh nghiệp, tổ chức giáo dục và Chính phủ để cùng tạo ra một hệ sinh thái blockchain bền vững, toàn diện”, bà Tiên Lê, CEO BlockchainWork cho biết.
Từ góc nhìn của cơ quan mật mã quốc gia, TS Hoàng Văn Thức, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ, cho biết việc phát hành tài sản mã hóa và vận hành ổn định sàn giao dịch tài sản mã hóa đều dựa trên blockchain. Trong đó, yếu tố cốt lõi bảo đảm an toàn cho công nghệ này là mã hóa.
Để làm được việc này, Ban Cơ yếu Chính phủ đã phối hợp các cơ quan chuyên môn để nghiên cứu, tham mưu và đề xuất với Đảng, Nhà nước các nội dung về bảo đảm an toàn mật mã cho lĩnh vực này gần 10 năm nay. Nhưng bên cạnh việc xây dựng hành lang pháp lý và hạ tầng cơ sở, ông Thức vẫn cho rằng cần có nguồn nhân lực cho blockchain và sổ cái phân tán ở tầm cao hơn.
Giải bài toán khó từ đâu?
Xác định chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất, không chỉ đối với riêng sự phát triển của từng đơn vị, mà còn tác động trực tiếp đến sự phát triển của ngành blockchain Việt Nam, Viện Công nghệ Blockchain và trí tuệ nhân tạo (ABAII) thuộc Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã phối hợp với một số trường đại học để từng bước lan tỏa và thúc đẩy tiến trình phổ cập blockchain, với mong muốn phổ cập blockchain và AI cho một triệu người đến năm 2030.
Còn đại học Công nghệ thông tin và truyền thông (ICTU), thuộc Đại học Thái Nguyên, cũng ký kết hợp tác toàn diện với nền tảng blockchain OKX, với định hướng trở thành trung tâm đào tạo hàng đầu lĩnh vực này tại Việt Nam.

Nhóm kỹ sư trẻ của Mirai Labs, một startup công nghệ blockchain cho trò chơi điện tử, tiền mã hóa và Web3 có văn phòng tại TPHCM và Hà Nội. Ảnh: DNCC.
Nhưng theo đại diện BlockchainWork, việc cần làm sớm là rút ngắn khoảng cách giáo dục trong đào tạo và yêu cầu thực tế. Theo đó, có ba bài toán cần giải quyết.
Thứ nhất, thiếu chương trình đào tạo chính thức. Hiện số lượng trường đại học và cơ sở giáo dục cung cấp chương trình đào tạo chuyên sâu về blockchain còn hạn chế, phần lớn các khóa học chỉ ở mức giới thiệu hoặc tích hợp một phần nhỏ trong các chương trình đào tạo chung.
Thứ hai, chất lượng đào tạo không đồng đều. Nhiều khóa học về blockchain xuất hiện, nhưng chất lượng và độ sâu kiến thức không đồng nhất. Điều này khiến ứng viên có kiến thức không đồng đều, gây khó khăn cho nhà tuyển dụng trong việc đánh giá và lựa chọn.
Thứ ba, thiếu chuẩn hóa và chứng chỉ công nhận. Hiện chưa có hệ thống chuẩn hóa hay chứng chỉ công nhận rộng rãi cho lĩnh vực blockchain, khiến việc xác định năng lực và trình độ của ứng viên trở nên phức tạp hơn.
Nói về việc thu hút nhân tài cho các ngành công nghệ số trên nghị trường Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng chính sách về lương, thuế thu nhập cá nhân, thủ tục lao động, giấy phép thị thực phải thuận lợi, thông thoáng và có hiệu lực thực thi trong dài hạn, mới có thể thu hút nhân lực chất lượng cao.
Với nhân sự có quốc tịch nước ngoài, có thể xem xét cấp thẻ tạm trú tạm thời trong 5 năm cho họ và người thân. Trong trường hợp cần thiết, sẽ kéo dài thời hạn tạm trú.
“Cần đồng bộ với Luật Xuất nhập cảnh để quy định rành mạch, rõ ràng. Ví dụ, họ cần ở Việt Nam lâu dài, nhưng không nhập quốc tịch, vậy sau 5 năm nên tiếp tục gia hạn thêm bao lâu? Nếu cần thiết thì trải thảm đỏ, sử dụng họ và cho họ ở lại Việt Nam luôn. Đấy là vấn đề hết sức cần thiết”, ông Hòa nói tại phiên thảo luận về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.