Ươm mầm năng khiếu nghệ thuật cho trẻ
Những năm qua, việc giáo dục toàn diện cho trẻ ngày càng được nhà trường và nhiều gia đình quan tâm. Bên cạnh học kiến thức và tiếp cận bước đầu với một số môn nghệ thuật ở trường, trẻ còn được đầu tư cho học các môn năng khiếu bên ngoài nhà trường. Qua đó, giúp các em phát triển khả năng bản thân và không ít em tiếp tục đi xa trên con đường theo đuổi các bộ môn nghệ thuật. Đáp ứng nhu cầu thực tế, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân tổ chức dạy, bồi dưỡng các môn nghệ thuật cho trẻ...
Trung tâm Nghệ thuật Kiều Hương (thành phố Phủ Lý) đã thành lập được khoảng 10 năm nay và luôn có hàng trăm học sinh theo học. Được biết, hiện đơn vị có 2 cơ sở ở Phủ Lý, dạy nhiều môn năng khiếu cho trẻ em như: nhảy, múa, dẫn chương trình (MC), chỉnh vóc dáng, piano, thanh nhạc, mỹ thuật. Học sinh học ở trung tâm hầu hết gắn bó lâu dài chứ không chỉ học trong dịp hè. Hiện trung tâm duy trì 12 lớp, thu hút khoảng 200 học sinh, trong đó không ít em đã gắn bó với trung tâm nhiều năm. Vào kỳ nghỉ hè, số lượng học sinh tại trung tâm có tăng lên đôi chút, khoảng 50 học sinh.
Chị Kiều Hương, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Kiều Hương chia sẻ: Hầu hết các gia đình cho con theo học ở trung tâm đều xác định học lâu dài, với mục đích tạo môi trường cho con thể hiện khả năng của bản thân, phát triển kỹ năng sống, tự tin; đồng thời giúp con được tham gia các hoạt động giải trí, thể thao hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi. Một số gia đình cũng có sự tính toán, đầu tư và định hướng để cho con tiếp tục đi theo con đường chuyên nghiệp sau này nếu thấy con có năng khiếu và niềm yêu thích môn nghệ thuật đang học. Hiện có một học sinh của trung tâm đã là sinh viên năm thứ 3 của Khoa biên đạo múa quần chúng, Trường Đại học Sân khấu điện ảnh. Năm nay, có thêm một học sinh của trung tâm cũng thi vào Trường Đại học Sân khấu điện ảnh. Ngoài có giáo trình chất lượng, phù hợp, sự giảng dạy nhiệt tình của giáo viên, trung tâm cũng thường xuyên cho học sinh tham gia các cuộc thi trong, ngoài tỉnh để các em có cơ hội được cọ xát và nâng cao khả năng, có động lực phấn đấu. Gần như năm nào trung tâm cũng tham gia các cuộc thi do đài truyền hình trung ương, địa phương, các ngành chức năng, câu lạc bộ nghệ thuật,… tổ chức và luôn giành được giải cao.

Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Kiều Hương và các học trò nhận giải thưởng tại Cuộc thi The face Kid 2025.
Bé Nguyễn Phạm Ngân Anh, 7 tuổi, nhà ở phường Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý) là một học sinh gắn bó với trung tâm từ khi hơn 2 tuổi. Ngân Anh được đánh giá là một tài năng “nhí” của trung tâm khi đoạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi ở trung ương, địa phương. Ông Lê Văn Luận, ông nội của bé Ngân Anh cho biết: Năm 2 tuổi, gia đình cháu gặp biến cố nên tôi đón cháu về nuôi. Khi đó cháu nhút nhát, rất e dè trong giao tiếp. Qua giới thiệu, tôi đã gửi cháu đến Trung tâm Nghệ thuật Kiều Hương cho cháu tham gia học một số môn nghệ thuật. Ở đây, cháu được các cô giáo nhiệt tình dạy dỗ, khéo léo động viên nên dần hoạt bát trở lại và ngày càng thể hiện rõ khả năng nghệ thuật, nhất là ở các môn nhảy múa và trình diễn thời trang. Gần 5 năm học ở trung tâm, cháu đã đoạt được nhiều thành tích, gia đình vô cùng vui mừng và phấn khởi. Qua việc học các môn năng khiếu đã giúp cháu từ một cô bé nhút nhát trở nên năng động, tự tin, phát hiện được khả năng của bản thân. Trước mắt, gia đình để cháu phát triển tự nhiên, coi học các môn nghệ thuật như khoảng thời gian thư giãn của con sau giờ học ở trường, còn sau này khi cháu lớn hơn và yêu thích môn nào gia đình sẽ cho cháu tự quyết định học lên cao hơn để theo con đường chuyên nghiệp.
Cô giáo Ngô Thị Hồng Thanh, giáo viên bộ môn Mỹ thuật, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành là một giáo viên say mê với việc dạy và phát huy khả năng hội họa của trẻ em. Cô Thanh chia sẻ: Mỗi đứa trẻ là một nghệ sĩ, bởi tâm hồn các em rất thơ ngây, trong veo, nhìn sự vật, hiện tượng với một góc nhìn thật đặc biệt. Học vẽ, các em như được "vừa vẽ vừa kể chuyện” , "vừa vẽ vừa được hát". Mỗi cung bậc của cảm xúc sẽ cho ra một nét vẽ khác nhau... Người ta cho rằng, môn học này giống như một phương pháp điều trị liều cao cho bài tập cân bằng cảm xúc và phát triển cân bằng hai bán cầu não là thế.
Với suy nghĩ như vậy, cô Thanh truyền tình yêu mỹ thuật và khơi lên sự hứng thú, niềm say mê với bộ môn nghệ thuật này cho học sinh. Cùng với việc dạy ở Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, cô còn điều hành hoạt động câu lạc bộ mỹ thuật của trường với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, bổ ích, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Ngoài ra, cô Thanh còn mở 5 lớp dạy vẽ cho trẻ em trong độ tuổi từ 5- 18 tuổi ở Phủ Lý. Không chỉ dạy bồi dưỡng năng khiếu, cô còn dạy cả học sinh ôn thi đại học. Cô Thanh cho biết thêm: Việc học vẽ của trẻ, trước hết để trẻ thể hiện khả năng của bản thân trong lĩnh vực hội họa nhưng đó cũng là một hoạt động thư giãn ý nghĩa cho trẻ sau những giờ học văn hóa căng thẳng. Qua học tập, nếu cháu nào có năng khiếu nổi bật và có niềm yêu thích mỹ thuật, hội họa, tôi sẽ định hướng cho cháu đó tiếp tục theo đuổi lĩnh vực mỹ thuật hoặc liên quan đến mỹ thuật.
Trong chương trình giáo dục của các cấp học, việc dạy một số môn nghệ thuật cho học sinh cũng được xây dựng nội dung và tổ chức bài bản. Theo đó, các nhà trường đã duy trì tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để học sinh thể hiện khả năng; các ngành chức năng cũng có những hoạt động tạo sân chơi cho trẻ em thể hiện các môn năng khiếu. Đặc biệt, việc phát triển các trung tâm, câu lạc bộ nghệ thuật tư nhân với sự đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, đội ngũ, chất lượng dạy, tích cực tham gia các cuộc thi trong, ngoài tỉnh đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng dạy các môn năng khiếu cho trẻ.
Việc cho trẻ học các môn năng khiếu ngoài khám phá và phát triển sở trường cá nhân, giúp phát hiện sớm những năng lực đặc biệt và định hướng nghề nghiệp phù hợp trong tương lai, giải tỏa căng thẳng, phát triển cảm xúc tích cực, còn mang lại nhiều lợi ích khác. Ví dụ như học âm nhạc giúp tăng cường khả năng ghi nhớ, logic và sáng tạo. Học mỹ thuật và thủ công rèn luyện tư duy hình ảnh, khả năng tưởng tượng và cảm nhận thẩm mỹ... Học năng khiếu đòi hỏi quá trình luyện tập lâu dài, giúp trẻ hình thành thói quen kiên trì và kỷ luật. Trẻ được thể hiện cảm xúc, suy nghĩ thông qua nghệ thuật, biểu diễn hoặc thi đấu, từ đó tự tin hơn trong giao tiếp và cuộc sống. Vì thế, ngày càng có nhiều gia đình đầu tư cho con học các môn năng khiếu từ sớm để giúp con phát triển toàn diện.