Ước mơ của ông và khát khao từ cháu
6 năm sau khi Đoàn Văn Hậu sang Heerenveen (Hà Lan), bóng đá Việt Nam mới chứng kiến thêm một trường hợp ở ngưỡng tuổi U.22 ra nước ngoài chơi bóng.
Đó là thủ thành Hồ Tùng Hân đầu quân cho câu lạc bộ (CLB) Balestier Khalsa của Singapore.
Trải nghiệm quý
“Có một ước mơ mà tôi sẽ quyết tâm phấn đấu trong năm 2025, đó là được cùng U.22 Việt Nam thi đấu tại SEA Games 33. Đó không chỉ là khát vọng của cá nhân tôi mà còn là mong mỏi của ông nội. Khi biết tôi quyết tâm theo đuổi nghiệp “gác đền”, ông đã nói với tôi rằng: Được nhìn thấy cháu chơi cho đội tuyển Việt Nam tại SEA Games là niềm hạnh phúc vô bờ”, Hồ Tùng Hân, thủ môn 21 tuổi đang chơi bóng tại Singapore, tâm sự cùng người viết.
Như một cơ duyên, CLB Balestier Khalsa của giải vô địch quốc gia Singapore tìm kiếm thêm người “gác đền” trẻ tại V-League. Họ quyết định chấm Tùng Hân, thủ môn của đội U.19 Việt Nam thuộc biên chế CLB Đà Nẵng. Những trao đổi giữa hai CLB xoay quanh thủ thành sinh năm 2003 được tiến hành tức thì. Sau một buổi tập cùng đội bóng sông Hàn, Tùng Hân được Chủ tịch Đà Nẵng gặp gỡ riêng. Lời đề nghị sang Singapore với thời hạn 6 tháng cũng được đưa ra cho thủ thành cao 1,78m ngay sau đó.
“Bất ngờ lắm!”, Tùng Hân chia sẻ, “Đó là cơ hội quý giá với bản thân tôi. Mấy ai ở độ tuổi này có được bước ngoặt lớn như vậy. Tôi lập tức gật đầu đồng ý không một chút đắn đo. Tôi dặn mình quyết tâm phải đi, bởi mình còn trẻ, cần phải khám phá và thử thách bản thân. Ngay cả khi không được trao cơ hội, tôi cũng sẽ học hỏi và trưởng thành hơn qua môi trường chuyên nghiệp mới”.
![Tùng Hân (bên phải) trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp tại Balestier Khalsa. Ảnh do nhân vật cung cấp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_16_51423943/27d837e30eade7f3bebc.jpg)
Tùng Hân (bên phải) trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp tại Balestier Khalsa. Ảnh do nhân vật cung cấp
Tùng Hân xách ba lô lên đường. 4 tuần thử việc hồi cuối năm 2024 diễn ra có cả chông gai lẫn êm đềm. “Tôi có chút bất ngờ, lạ lẫm khi lần đầu đến thử sức tại Balestier Khalsa. Xung quanh tôi, các đồng đội giao tiếp bằng tiếng Anh. Tôi thật sự rất khó để nghe được từng từ, từng câu của đồng đội hay huấn luyện viên (HLV). Hơn nữa, cách phát âm tiếng Anh của các ngoại binh đến từ Nhật Bản, Indonesia, Hà Lan... khác biệt và khó để hiểu ngay trong những lần đầu tiếp xúc. Tôi chia sẻ với đồng đội rằng tiếng Anh của tôi chưa thật tốt và mong mọi người giúp đỡ. Nếu có từ nào chưa hiểu, tôi sẽ hỏi lại các bạn. Đến cuối ngày, tôi lại ghi những từ mới học vào cuốn sổ. Tôi cũng học thêm bằng ứng dụng trên điện thoại. Nhờ vậy, tiếng Anh của tôi được cải thiện. Ở giai đoạn cuối thử việc, tôi có thể bắt chuyện với các đồng đội, hiểu được HLV chỉ đạo mình ra sao. Sau cùng, tôi được Balestier Khalsa chọn và ký hợp đồng 6 tháng”, Tùng Hân tâm sự với tác giả.
Đi một ngày đàng...
Tiếng Anh không phải thứ duy nhất Tùng Hân tiến bộ trong giai đoạn sang Singapore thi đấu. Cuộc sống tự lập, giàu trải nghiệm và khác biệt so với quê nhà là điều mà thủ môn 21 tuổi này đang từng bước thích nghi tại quốc đảo sư tử.
“Thời gian đầu mới đến Singapore, tôi nhớ nhà vô cùng. Tôi vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm gia đình. Nhờ có các thầy, các anh động viên: “Không biết khi nào em mới có cơ hội tốt như vậy lần nữa, hãy cố tận dụng, dốc hết tâm sức nhé” nên tôi càng ra sức cố gắng”, Tùng Hân cho hay.
Đội Balestier Khalsa không di chuyển tập trung như đội Đà Nẵng. Một ngày tại Singapore bắt đầu với các cầu thủ từ lúc 6 giờ 45 phút. Sau 1 tiếng đồng hồ ăn sáng, các cầu thủ đi xe đạp hoặc xe bus đến đại bản doanh của đội bóng. Điểm đến của Tùng Hân cùng một vài đồng đội là ga tàu điện ngầm. Đó là phương tiện công cộng đưa cầu thủ đến sân tập của Balestier Khalsa, bởi chi phí đi lại bằng ứng dụng xe công nghệ rất tốn kém ở nước bạn. “Chúng tôi chưa được cấp ô tô để tự di chuyển như nhiều ngôi sao hoặc cầu thủ bản địa Singapore”, Tùng Hân cho biết.
Vào buổi chiều, Tùng Hân sẽ tập yoga hoặc gym; sau đó, anh cùng ngoại binh người Nhật Bản Kodai Tanaka và ngoại binh người Slovenia Alen Kozar (ở chung căn hộ) cùng nhau nấu ăn. Cuối ngày, các ngoại binh sẽ chủ động học tiếng Anh.
Việc tự mình nấu ăn cũng là trải nghiệm đáng giá tại nước ngoài đối với Tùng Hân. Ban đầu, khi mới sang Singapore, anh ăn theo sở thích cá nhân dẫn tới không bảo đảm cường độ tập luyện. Dần dà, Tùng Hân bắt đầu quan sát nhiều hơn từ đồng đội. Họ ăn uống vừa đủ, lựa chọn những thực phẩm giàu dinh dưỡng, không ưu tiên tinh bột.
Đến nay, Tùng Hân đã ra sân 2 trận cho Balestier Khalsa, bao gồm 1 trận giao hữu, cùng 1 lần thi đấu cho đội U.21. Với việc giải Ngoại hạng Singapore có tới 24 vòng đấu, cơ hội để Tùng Hân ra sân ở các trận đấu chính thức của Balestier Khalsa thời gian tới đây là có cơ sở.
Bản thân thủ môn này cũng được huấn luyện kỹ tại Balestier Khalsa. “HLV thủ môn thường xuyên trao đổi với tôi sau mỗi buổi tập. Ông dạy tôi cách quan sát, di chuyển của đồng đội để phối hợp sao cho nhuần nhuyễn. Ông cũng yêu cầu tôi phải tư duy nhiều hơn, đặt câu hỏi cho bản thân rằng phải làm điều gì trước khi nhận bóng. Tôi cũng rất vui khi ông khen tôi có khiếu chỉ huy hàng phòng ngự, có thể chuyền bóng tốt bằng chân”, thủ thành Tùng Hân phấn khởi chia sẻ.