Ước mơ của những đứa trẻ trong 'gia đình ma túy'
30/117 hộ có người liên quan đến ma túy, 7 người đang thụ án liên quan đến ma túy, 7 người mãn hạn tù, 8 người nghiện tại bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát) là con số không khỏi xót xa. Hệ lụy của nó như những bóng ma, lơ lửng trên đầu những đứa trẻ vô tội.

Bản Ón từng được xem là “thủ phủ” ma túy ở huyện Mường Lát.
Nỗi đau mang tên ma túy
Nếu như xã Tam Chung là địa đầu của huyện Mường Lát, thì bản Ón là địa đầu của xã Tam Chung. Do vị trí địa lý đặc biệt, bản Ón một thời là địa điểm tập kết của những kẻ buôn “hàng trắng”. Ban đầu chúng kết thân rồi lôi kéo những thanh niên ăn chơi vào con đường hút chích, nghiện ngập. Mối họa từ đó cứ lớn dần, nhiều người dân trong bản đã không cưỡng nổi sự dụ dỗ của “con ma trắng”. Hậu quả để lại là nhiều gia đình ly tán, hàng chục người vào trại cai nghiện và thụ án tù.
Ma túy đến và nhanh chóng “phủ” lên những mái nhà nơi đây. Không tính số người nghiện, chỉ tính số đi tù vì ma túy thì từ năm 2010 đến cuối năm 2024 bản có khoảng 20 người. Bí thư chi bộ, trưởng bản Ón Giàng A Chống nhẩm tính rồi cảm khái: "Giờ thì đã hết cái thời ra ngõ gặp ma túy rồi. Lực lượng công an, biên phòng đã và đang cố gắng hết sức để giữ bình yên cho bản. Chỉ thương những đứa trẻ. Cháu thì bố đi tù, cháu mẹ đi trại, cũng có cháu cả bố mẹ đều không ở nhà”.

Ngôi nhà và cuộc sống tự lập của chị em Giàng Minh Tuấn, học sinh lớp 3, điểm trường bản Ón.
Gia đình Giàng A Vảng và chị Sùng Thị Công có lẽ là “nốt trầm” của bản. Vảng có 9 anh chị em thì 4 người vướng vào vòng lao lý vì ma túy. Cộng thêm cả vợ chồng Vảng, gia đình này có tới 6 người đang ở trại giam do liên quan đến chất trắng. Vợ chồng Vảng sinh được 6 người con. Nghèo đói, Vảng sang Sơn La bốc vác kiếm tiền nuôi con. Bị lôi kéo Vảng mắc nghiện, dần lần mò sang Lào mua ma túy về Việt Nam bán lẻ. Trở thành tay buôn ma túy, Vảng mời anh em, bạn bè, thậm chí cả vợ mình sử dụng và buôn bán ma túy. Vảng bị bắt trước rồi đến lượt vợ, 6 đứa trẻ “tan đàn xẻ nghé” từ đó.
Điểm nóng ma túy bản Ón đã hạ nhiệt trong những năm gần đây. Thế nhưng cuộc chiến với ma túy thì vẫn đang được chính quyền, lực lượng chức năng địa phương triển khai quyết liệt từng ngày, từng giờ.
Tương lai nào cho con trẻ?
Điểm Trường Tiểu học Tam Chung ở bản Ón đang được xây dựng. Trong niềm vui của các em nhỏ chuẩn bị có điểm trường mới, bí thư chi bộ, trưởng bản Giàng A Chống chia sẻ: “Thời gian ngắn nữa thôi là trẻ em trong bản được học ở điểm trường học mới tốt hơn. Có trường, lớp kiên cố, khang trang, các thầy, cô giáo và học sinh sẽ đỡ vất vả hơn".

Đường đến trường của những đứa trẻ ở bản Ón.
Giữa không gian bình yên của núi rừng, tiếng đọc bài của các em vang lên trong căn nhà gỗ mượn từ người dân và nhìn vẻ hồn nhiên của những đứa trẻ, chúng tôi nhói lòng khi nỗi đau ma túy vẫn hiện hữu ở đây.
“Điểm trường có 89 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, thì khoảng 10 trường hợp mồ côi cha hoặc mẹ, thậm chí cả hai hay cha hoặc mẹ đi tù. Có em còn cha mẹ nhưng cũng như không, phải sống với người thân hay tự sống một mình. Nhà trường đã cố gắng để các em không bỏ học giữa chừng, nhưng với hoàn cảnh như thế việc yên tâm để học hành đối với các em cũng không dễ dàng gì”, thầy giáo Vi Văn Chuân, phụ trách điểm trường buồn rầu nói.
9 tuổi, Giàng Minh Tuấn không còn sự hồn nhiên như những bạn khác. Tuấn chỉ nhớ mang máng về bố mẹ của mình bởi cả hai đã không ở với chị em Tuấn từ lâu. Bố Tuấn nghiện ma túy, nhiễm HIV. Khi Tuấn lên 3 tuổi thì bố mất, một thời gian ngắn sau mẹ bỏ đi biệt tích. Khi được hỏi về cuộc sống thường ngày, Tuấn cúi mặt, nói: “Hai chị em ở với nhau, bữa nào không có ăn thì nhịn”.

Giàng A Dơ và ước mơ ngày tết của Dơ.
Bố mẹ của em Giàng A Dơ đều đang thi hành án tại Trại giam số 5, Bộ Công an. Bố bị bắt trước rồi đến mẹ. Em không biết bố mẹ phải thụ án trong bao lâu. Chỉ biết từ rất lâu, cuộc sống của em không có sự hiện diện của bố mẹ. Em lớn lên như cây cỏ bên họ hàng. Nghèo, nhận thức hạn chế, người họ hàng ấy chẳng thiết tha đến chuyện học của đứa cháu kém may mắn. Cứ học được ít bữa lại thấy Dơ nghỉ học. Các thầy đến nhà thì Dơ đang phải chăn bò. Dơ nhớ bố, mẹ. Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua, thầy giáo chia cho các em những mẩu giấy nhỏ để viết ra ước mơ của mình, Dơ đã viết: “Món quà con mong được nhận được trong dịp tết là được gặp bố mẹ, được nhìn thấy khuôn mặt của bố mẹ”.
Có những nỗi đau không gì bù đắp, có những thiếu thốn chẳng thể lấp đầy, có những nỗi buồn khó để nguôi ngoai; và tôi chẳng thể mường tượng hết những xúc cảm, khát khao trong trái tim của những đứa trẻ ấy - những đứa trẻ sinh ra trong gia đình ma túy. Có lẽ, chúng vẫn sẽ lớn lên, cắp sách tới trường, nhưng việc thiếu hơi ấm của mẹ, sự dạy bảo của cha, con đường đến trường và xa hơn là tương lai của các em hẳn sẽ gập ghềnh như con đường mòn vắt qua những dãy núi cao vào bản Ón.