UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP lên 7% song lưu ý những rủi ro năm 2025

Trong dự báo về triển vọng kinh tế công bố ngày 9/1, Ngân hàng UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 7% từ mức 6,6% nhờ kỳ vọng vào sự chuyển biến nhiều nhân tố. Đồng thời, lưu ý những rủi ro đến từ triển vọng thương mại không chắc chắn nửa cuối năm và sự suy yếu VND năm thứ 4 liên tiếp.

Năm 2025, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7%, trong khi Chính phủ đưa ra mục tiêu phấn đấu cao hơn, tăng trưởng ít nhất 8%, nhằm tăng tốc và bứt phá để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ 2021-2025. Mục tiêu này có vẻ khá tham vọng, nhưng nhóm phân tích từ Ngân hàng UOB cho rằng vẫn có những dư địa để đạt được.

Rủi ro từ triển vọng thương mại không chắc chắn

Dựa trên động lực mạnh mẽ được tiếp nối từ năm 2024 kết hợp với việc xem xét những rủi ro và tác động ngược từ các cuộc xung đột thương mại sắp tới từ chính quyền mới của Hoa Kỳ, Ngân hàng UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2025 lên 7%, trước đó là 6,6%.

"Chúng tôi kỳ vọng về những chuyển biến tích cực từ các động lực trong nước như: sản xuất, chi tiêu của người tiêu dùng và lượng khách du lịch sẽ đóng góp vào các hoạt động, đặc biệt là trong nửa đầu năm" - Ngân hàng UOB nêu rõ.

Theo nhóm chuyên gia từ UOB, sự không chắc chắn về triển vọng thương mại sẽ là rủi ro lớn đối với Việt Nam trong nửa cuối năm, với sự phụ thuộc ngày càng tăng vào xuất khẩu, đã tăng lên mức cao kỷ lục là hơn 400 tỷ USD vào năm 2024, gần bằng quy mô GDP danh nghĩa của Việt Nam (450 tỷ USD). Ở góc nhìn tích cực, Ngân hàng UOB đặt nhiều kỳ vọng vào việc chính phủ Hoa Kỳ sẽ áp dụng chính sách thuế quan bổ sung theo cách có tính toán và linh hoạt hơn.

GDP của Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV/2024, đạt mức 7,55% so với cùng kỳ năm trước từ mức 7,43% đã điều chỉnh trong quý III/2024. "Con số này cao hơn nhiều so với mức dự báo trung bình của thị trường là 6,7% và dự báo của chúng tôi là 5,2%" - chuyên gia UOB cho biết.

Với hiệu suất mạnh mẽ đáng ngạc nhiên trong ba quý vừa qua, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,09% trong năm 2024 so với mức 5,1% trong năm 2023, vượt qua mức dự báo chung của thị trường là 6,7% và mục tiêu chính thức là 6,5%. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất kể từ khi phục hồi sau Covid-19 vào năm 2022 (8,1%).

Lĩnh vực sản xuất và dịch vụ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, trong khi hoạt động ngoại thương vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt năm 2024. Sự gia tăng doanh số ngành bán dẫn kể từ giữa năm 2023 cho thấy đà tăng trưởng có khả năng sẽ tiếp tục trong 1-2 quý tới.

Ngân hàng UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP lên 7% và lưu ý những rủi ro năm 2025.

Ngân hàng UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP lên 7% và lưu ý những rủi ro năm 2025.

Hoạt động ngoại thương tăng tốc là lý do chính cho tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam. Xuất khẩu tăng trong 10 tháng qua, riêng tháng 12 đạt mức tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng cả năm là 14%, đối lập với mức giảm 4,6% vào năm 2023. Trong khi đó, nhập khẩu tăng 16,1% vào năm 2024.

Thặng dư thương mại khoảng 23,9 tỷ USD, lớn thứ hai sau mức cao kỷ lục 28,4 tỷ USD vào năm 2023. Đây là năm thứ chín liên tiếp Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại hàng năm, điều này sẽ hữu ích trong việc neo giữ tỷ giá cho đồng VND.

VND đã suy yếu ba năm liên tiếp và tiếp tục chịu sức ép

Dự báo về việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2025, UOB cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong thời điểm hiện tại. Với lạm phát chung và lạm phát cơ bản vẫn ở mức dưới mục tiêu chính thức là 4,5% trong năm 2024, đặc biệt là vào cuối năm, điều này mở ra khả năng cho NHNN nới lỏng lập trường chính sách của mình.

Tuy nhiên, tỷ giá hiện là một vấn đề cần cân nhắc khác đối với NHNN và nhiều khả năng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách để chống lại áp lực mất giá đối với đồng nội tệ. Với sự không chắc chắn trong tương lai về chu kỳ điều chỉnh lãi suất chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) và căng thẳng địa chính trị, thương mại sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Trump nhậm chức, Ngân hàng UOB kỳ vọng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách, với lãi suất tái cấp vốn được giữ ở mức 4,5%.

Cũng theo Ngân hàng UOB, VND đã suy yếu so với USD, cùng với các loại tiền tệ châu Á khác, kể từ cuối quý III/2024 trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đang diễn ra căng thẳng. Kết thúc năm 2024, VND ở mức thấp kỷ lục là 25.485 VND/USD, giảm 5% trong cả năm và là mức giảm năm thứ ba liên tiếp.

Báo cáo chiến lược tỷ giá và ngoại hối hàng tháng mới nhất của UOB công bố vào tháng 1/2025 đã nêu bật triển vọng đồng USD sẽ mạnh hơn nữa trong nửa đầu năm 2025, sau sự trở lại của Donald Trump với vị trí là Tổng thống Hoa Kỳ và rất nhiều bất ổn về chính sách mà ông sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ thứ hai của mình kể từ ngày 20/1. VND vẫn dễ bị tổn thương trước các yếu tố bên ngoài như chính sách lãi suất của FED.

Thị trường cũng điều chỉnh lại dự báo với ít đợt cắt giảm lãi suất của FED trong nhiệm kỳ Trump 2.0, có nghĩa là sức mạnh của đồng USD sẽ tiếp tục được hỗ trợ. VND có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Trump và xu hướng của đồng Nhân dân tệ.

Căng thẳng tỷ giá USD/VND đẩy lên đỉnh điểm vào quý III/2025

"Với những bất lợi bên ngoài khó có thể biến mất trong thời gian ngắn, VND có khả năng sẽ tiếp tục giảm so với USD. Nhìn chung, chúng tôi dự báo tỷ giá USD/VND ở mức 25.800 trong quý I/2025, 26.000 trong quý II/2025, 26.200 trong quý III/ 2025 và 26.000 trong quý IV/2025" - Ngân hàng UOB nhìn nhận.

Ánh Tuyết

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/uob-nang-du-bao-tang-truong-gdp-len-7-song-luu-y-nhung-rui-ro-nam-2025-168351.html
Zalo