UNICEF: 242 triệu trẻ em gián đoạn việc học bởi biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu, đặc biệt là các đợt nắng nóng, đã làm gián đoạn việc học tập của khoảng 242 triệu trẻ em tại 85 quốc gia trong năm 2024.
Điều này có nghĩa là cứ 7 học sinh thì có một em bị ảnh hưởng. Báo cáo của Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nhấn mạnh đây là khía cạnh bị bỏ qua trong cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Theo báo cáo, nắng nóng có tác động lớn nhất đến trẻ em, trong khi bà Catherine Russell, Giám đốc điều hành UNICEF, cảnh báo rằng trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương trước thời tiết khắc nghiệt.
"Trẻ em nóng lên nhanh hơn, đổ mồ hôi kém hiệu quả và hạ nhiệt chậm hơn so với người lớn", bà Russell cho biết.
Bà cho rằng trẻ em không thể tập trung trong các lớp học không có biện pháp giảm nhiệt, không thể đến trường nếu đường bị ngập hoặc trường học bị cuốn trôi.
Hoạt động của con người, bao gồm việc đốt nhiên liệu hóa thạch không kiểm soát trong nhiều thập kỷ, đã làm hành tinh ấm lên và thay đổi mô hình thời tiết.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong năm 2024 và thậm chí đã tạm thời vượt qua ngưỡng tăng nhiệt 1,5 độ C, một mốc quan trọng, lần đầu tiên trong lịch sử.
Hậu quả là các đợt mưa lớn trở nên dữ dội hơn, các mùa khô kéo dài hơn, làm gia tăng sức nóng và các cơn bão, đồng thời khiến con người ngày càng dễ bị tổn thương trước thảm họa.
Số liệu 242 triệu trẻ em bị ảnh hưởng chỉ là "ước tính khiêm tốn," báo cáo của UNICEF nhấn mạnh, do thiếu hụt dữ liệu.
Hàng triệu học sinh từ bậc mầm non đến trung học đã phải đối mặt với các hình thức gián đoạn như nghỉ học, kỳ nghỉ bị thay đổi, lịch học bị xáo trộn và thậm chí trường học bị hư hỏng hoặc phá hủy bởi các cú sốc khí hậu trong năm qua.
Ít nhất 171 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi nắng nóng, trong đó 118 triệu em chịu ảnh hưởng chỉ trong tháng 4 khi nhiệt độ tăng cao kỷ lục ở Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Thái Lan và Philippines.
Tại Philippines, hàng ngàn trường học không có điều hòa nhiệt độ đã buộc phải đóng cửa do nguy cơ trẻ bị sốc nhiệt.
Tháng 9, thời điểm khai giảng năm học ở nhiều quốc gia, cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Các lớp học bị đình chỉ tại 18 quốc gia, chủ yếu do siêu bão Yagi tàn phá khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Nam Á là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất với 128 triệu học sinh bị gián đoạn học tập.
Tại Ấn Độ, 54 triệu trẻ em bị ảnh hưởng, chủ yếu bởi nắng nóng. Trong khi đó, Bangladesh ghi nhận 35 triệu trẻ em chịu tác động tương tự.
Số lượng trẻ em bị ảnh hưởng dự kiến sẽ tăng trong những năm tới khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng. Hiện tại, một nửa số trẻ em trên thế giới, khoảng 1 tỷ em, đang sống ở các quốc gia có nguy cơ cao trước các cú sốc khí hậu và môi trường.
Theo ước tính của UNICEF, nếu lượng khí thải nhà kính tiếp tục duy trì ở mức hiện tại, đến năm 2050, số trẻ em phải đối mặt với các đợt nắng nóng sẽ tăng gấp tám lần so với năm 2000. Số trẻ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt cực đoan sẽ tăng gấp ba lần và số trẻ đối mặt với cháy rừng sẽ tăng 1,7 lần.
UNICEF lo ngại rằng những tác động từ biến đổi khí hậu có thể khiến nhiều trẻ em, đặc biệt là các bé gái, phải bỏ học hoàn toàn.
Hiện tại, khoảng hai phần ba trẻ em trên toàn cầu không thể đọc hiểu thành thạo ở tuổi 10. Báo cáo nhấn mạnh: “Các thảm họa khí hậu đang làm trầm trọng thêm thực trạng này”.
Giáo dục là một trong những dịch vụ thường xuyên bị gián đoạn nhất bởi các cú sốc khí hậu, bà Russell nói. "Tuy nhiên, đây lại là vấn đề thường bị bỏ qua trong các cuộc thảo luận chính sách", bà cảnh báo.
UNICEF kêu gọi đầu tư vào các lớp học có khả năng chống chịu tốt hơn trước các thảm họa khí hậu, đồng thời nhấn mạnh tương lai của trẻ em phải được đặt lên hàng đầu trong mọi kế hoạch và hành động liên quan đến khí hậu.