Ứng viên HĐGS cơ sở nào có tỷ lệ đạt ở HĐGS ngành Kinh tế nhiều nhất?

Theo thống kê, 104 ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành Kinh tế (thông qua vòng xét duyệt của Hội đồng Giáo sư ngành) đến từ 47 đơn vị.

Vừa qua, Hội đồng Giáo sư nhà nước đã công bố danh sách ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024.

Hội đồng giáo sư ngành Kinh tế có 4 ứng viên không đạt

Theo danh sách công khai, 6 Hội đồng có tỷ lệ ứng viên qua vòng xét duyệt của Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành cao nhất (100%) bao gồm: Cơ học, Giao thông vận tải, liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học/Nhân học, Tâm lý học, Thủy lợi và liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục thể thao.

Ngành Công nghệ thông tin có tỷ lệ ứng viên qua vòng xét duyệt của Hội đồng Giáo sư ngành thấp nhất (55,56%).

Ngành Kinh tế có 104 người được Hội đồng Giáo sư ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

So với danh sách do Hội đồng Giáo sư cơ sở đề xuất trước đó, có 4 ứng viên không đủ điều kiện vượt qua vòng xét duyệt của Hội đồng Giáo sư ngành.

Trong số các ứng viên không đủ điều kiện trên, có Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Trung (hiện là Phó Giám đốc cơ sở II, Trường Đại học Ngoại thương tại thành phố Hồ Chí Minh) trước đó từng được truyền thông chú ý đến khi là ứng viên giáo sư trẻ nhất trong mùa xét duyệt giáo sư, phó giáo sư năm nay (38 tuổi).

Theo thống kê của phóng viên, 104 ứng viên giáo sư, phó giáo sư đạt tín nhiệm của Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế đến từ 47 đơn vị.

Trong đó, các ứng viên hầu hết đều công tác tại các trường đại học, đại học, học viện, chỉ duy nhất 1 ứng viên phó giáo sư không công tác trong nhà trường (làm việc tại Kiểm toán nhà nước - Khu vực IV).

Trong số 47 đơn vị, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị có nhiều ứng viên nhất với 10 người, gồm 1 ứng viên giáo sư và 9 ứng viên phó giáo sư.

Xếp thứ 2 là Học viện Ngân hàng với 7 ứng viên phó giáo sư.

Vị trí thứ 3 là Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh với 6 ứng viên phó giáo sư.

Tiếp theo, 12 đơn vị có số lượng ứng viên được đề nghị xét công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư nhiều gồm: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Quốc gia Hà Nội, mỗi đơn vị có 5 ứng viên (gồm 1 giáo sư và 4 phó giáo sư);

Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (5 ứng viên phó giáo sư);

Trường Đại học Ngoại thương; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Tài chính - Marketing, mỗi đơn vị có 4 ứng viên phó giáo sư.

Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Nha Trang và Trường Đại học Thương mại, mỗi đơn vị có 3 ứng viên phó giáo sư.

Ứng viên Hội đồng Giáo sư cơ sở nào có tỷ lệ đạt ở Hội đồng giáo sư ngành Kinh tế nhiều nhất?

Theo thông báo công khai danh sách ứng viên đạt tín nhiệm ở Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có 7 ứng viên đủ điều kiện xét đề nghị công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024.

Kết quả tại Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế, cả 7 ứng viên (đạt 100%) trên đều đủ điều kiện tiếp tục tham gia xét ở Hội đồng Giáo sư nhà nước.

Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương (Hiệu trưởng nhà trường) là Chủ tịch Hội đồng. Thầy Chương cũng là Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế năm 2024.

 Kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 tại Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh chụp màn hình

Kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 tại Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh chụp màn hình

Tại Hội đồng Giáo sư cơ sở Học viện Ngân hàng, có 11 ứng viênđạt phiếu tín nhiệm tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Trong đó, có 10/11 ứng viên thuộc ngành Kinh tế, 7 ứng viên đến từ Học viện Ngân hàng, 3 ứng viên đến từ Trường Đại học Ngoại thương.

Kết quả, cả 10 ứng viên này cũng đều đạt ở Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế (đạt 100%).

 Kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 tại Hội đồng Giáo sư cơ sở Học viện Ngân hàng. Ảnh chụp màn hình

Kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 tại Hội đồng Giáo sư cơ sở Học viện Ngân hàng. Ảnh chụp màn hình

Các Hội đồng Giáo sư cơ sở cũng có tỷ lệ ứng viên ngành Kinh tế đạt 100% như: Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh; Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh; Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Nha Trang; Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Thương mại.

Tại Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, có 11 ứng viên ngành Kinh tế, 10/11 ứng viên đến từ Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, 1 ứng viên đến từ Học viện hàng không.

Kết quả ở Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế, cả 11 ứng viên này đều được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

 Kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 tại Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp màn hình

Kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 tại Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp màn hình

Hay tại Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Nha Trang, có 5 ứng viên được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024. Trong đó, có 3/5 ứng viên thuộc ngành Kinh tế. Các ứng viên đều công tác tại Trường Đại học Nha Trang.

Kết quả, cả 3 ứng viên cũng đều đạt tín nhiệm ở Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế.

 Kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 tại Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Nha Trang. Ảnh chụp màn hình

Kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 tại Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Nha Trang. Ảnh chụp màn hình

Theo quy định tại Quyết định 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm, căn cứ nhu cầu xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học quyết định việc thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở (trong đó, cần đảm bảo yêu cầu về số lượng và tiêu chuẩn thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở theo quy định).

Hội đồng Giáo sư cơ sở sau khi thành lập có nhiệm vụ thẩm định hồ sơ của ứng viên. Các ứng viên đủ điều kiện sẽ trình bày báo cáo khoa học tổng quan trước Hội đồng Giáo sư Giáo sư cơ sở;

Hội đồng Giáo sư cơ sở phối hợp với cơ sở giáo dục đại học tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ phục vụ công tác chuyên môn và khả năng giao tiếp tiếng Anh của từng ứng viên.

Từ đó, Hội đồng biểu quyết danh sách ứng viên đủ tiêu chuẩn bằng hình thức bỏ phiếu tín nhiệm. Mỗi hồ sơ của ứng viên phải đạt ít nhất 2/3 số phiếu của tổng số thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở.

Cuối cùng, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư cơ sở tổ chức tổng hợp kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, công bố công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học và báo cáo kết quả xét lên người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học.

Tiếp đến, các ứng viên tiếp tục trải qua vòng xét duyệt ở Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư nhà nước.

Theo kế hoạch, từ ngày 21/10 đến 31/10 tới đây, Hội đồng Giáo sư nhà nước họp sẽ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024.

Phóng viên không tìm thấy thông tin công khai của Hội đồng Giáo sư cơ sở Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định tại Quyết định 37.

Thông tin của một số Hội đồng Giáo sư cơ sở khác cũng không đầy đủ (đơn cử như Hội đồng Giáo sư cơ sở Học viện Tài chính chưa công khai kết quả thẩm định và bỏ phiếu tín nhiệm ứng viên năm 2024).

 Phóng viên không tìm thấy kết quả tín nhiệm đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 của Hội đồng Giáo sư cơ sở Học viện Tài chính. Ảnh chụp màn hình

Phóng viên không tìm thấy kết quả tín nhiệm đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 của Hội đồng Giáo sư cơ sở Học viện Tài chính. Ảnh chụp màn hình

Trong khi đó, Quyết định 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định, nhiều nội dung công khai trên trang thông tin điện tử mà các cơ sở giáo dục đại học có ứng viên đăng ký xét công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư và các Hội đồng Giáo sư cơ sở cần thực hiện như: công khai hồ sơ điện tử của ứng viên; kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư ở cấp cơ sở; kết quả bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư,...

Thông tin tới phóng viên, cán bộ truyền thông của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) cho biết, nhà trường có công khai thông tin. Tuy nhiên do hệ thống website của đơn vị đang trong quá trình tái cấu trúc và quy hoạch lại, do đó vị trí sắp xếp một số thông tin có thể gây khó khăn cho người tìm kiếm. Theo đó, thông tin về hoạt động của Hội đồng giáo sư cơ sở Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh được công khai tại mục Hội đồng Khoa học và Đào tạo của nhà trường.

Minh Chi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ung-vien-hdgs-co-so-nao-co-ty-le-dat-o-hdgs-nganh-kinh-te-nhieu-nhat-post246192.gd
Zalo