Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ 3 ở phụ nữ từ 15-44 tuổi
Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị 'Nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến chuyên ngành Sản - phụ khoa Hà Nội lần thứ XII năm 2024' do Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức ngày 20-12.
Hội nghị chuyên ngành Sản phụ khoa được tổ chức thường niên nhằm cập nhật nhiều vấn đề mới về thành tựu và thách thức trong lĩnh vực sản phụ khoa.
Tại hội nghị, Thạc sĩ-bác sĩ Nguyễn Cảnh Chương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã có bài trình bày về ung thư cổ tử cung - mối nguy hàng đầu đe dọa sức khỏe, tính mạng của phụ nữ trên toàn cầu.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, nhiễm HPV (vi rút u nhú ở người) là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới, nhiễm HPV gây ra hơn 569 nghìn ca ung thư cổ tử cung và hơn 311 nghìn ca tử vong mỗi năm. Cứ 2 phút có thêm 1 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung.
Còn tại Việt Nam, HPV gây ra hơn 4.000 ca ung thư cổ tử cung mới và hơn 2.000 ca tử vong mỗi năm. Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ 3 ở phụ nữ trong độ tuổi từ 15-44.
Ung thư cổ tử cung gây tử vong thứ 7 trong các loại ung thư ở phụ nữ. Mỗi ngày có 7 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung.
Ngoài yếu tố chủ yếu nhiễm HPV, còn phải kể đến các yếu tố nguy cơ gây ra ung thư cổ tử cung như: Hành vi tình dục (phụ nữ sinh hoạt tình dục sớm, nhiều bạn tình), nhiễm trùng, nhiễm Herpes vi rút, tác động của tinh dịch, trạng thái suy giảm miễn dịch, hút thuốc lá, dinh dưỡng…
Bệnh lý ung thư cổ tử cung không có triệu chứng rõ ràng, tiến triển âm thầm nên khó phát hiện và can thiệp kịp thời. Điều đáng nói, ung thư cổ tử cung có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, đe dọa sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Do đó, việc tầm soát bệnh có ý nghĩa quan trọng, giúp phát hiện sớm những nguy cơ, có biện pháp điều trị kịp thời và đúng cách ngay từ giai đoạn khởi phát.
Các chuyên gia khuyến cáo, thời điểm tốt nhất để thực hiện việc tầm soát ung thư cổ tử cung sẽ khác nhau ở mỗi người tùy theo sức khỏe, môi trường sống và chế độ sinh hoạt… Tuy nhiên, nhìn chung, chị em phụ nữ từ 21 tuổi trở lên nên thực hiện tầm soát định kỳ theo yêu cầu của từng phương pháp cũng như chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ung thư cổ tử cung, tại hội nghị này, các chuyên gia ngành Sản khoa cũng đã có các bài báo cáo khoa học đề cập đến hội chứng buồng trứng đa nang; phương pháp điều trị u xơ tử cung ít xâm lấn; sàng lọc và quản lý khối u vú; lạc nội mạc tử cung - điều trị bảo tồn hay phẫu thuật…
Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Mai Trọng Hưng, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, trong những năm qua, chuyên ngành Sản - phụ khoa đã có bước tiến quan trọng, từ công tác chăm sóc sức khỏe của bà mẹ, thai nhi đến các lĩnh vực chuyên sâu về sàng lọc trước sinh, can thiệp bào thai, ung thư phụ khoa, nội tiết, sinh sản, vô sinh, hiếm muộn… Những thành tựu này có được là nhờ sự đóng góp của các chuyên gia, đồng nghiệp trên cả nước, trong đó vai trò của chỉ đạo tuyến.
Tiến sĩ Mai Trọng Hưng nhấn mạnh, từ năm 2018, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được Bộ Y tế trao quyết định công nhận bệnh viện tuyến cuối và phân công nhiệm vụ chỉ đạo tuyến chuyên ngành Sản phụ khoa. Hội nghị này là dịp để Bệnh viện Phụ sản Hà Nội với bệnh viện các tuyến của Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố hợp tác, trao đổi nghiệp vụ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và cải thiệt chất lượng giống nòi.