Ứng phó với vòng xoáy thuế quan: Chủ động mở rộng, đa dạng thị trường xuất khẩu
Tuyên bố tạm thời dời áp thuế quan 90 ngày từ Mỹ có thể xoa dịu những lo ngại trước mắt, song bài học mà các doanh nghiệp Việt cần nhớ chính là không quá phụ thuộc vào một thị trường. Giới chuyên gia khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt cần phải thay đổi chiến lược trong đó chú trọng đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Tránh “bỏ trứng vào một giỏ”
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu như trước đây chiến lược mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm là mục tiêu dài hạn thì nay đang trở thành yêu cầu cấp bách và sống còn của doanh nghiệp (DN). DN xuất khẩu thay vì chỉ tập trung vào những thị trường truyền thống cần phải mở rộng, tiếp cận các thị trường mới.

Nhiều doanh nghiệp may mặc đang mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: Đ.H
Theo ông Phạm Quang Anh - Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc tế Dony: “Việc “bỏ trứng vào một giỏ” tại thị trường Mỹ tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi sự cạnh tranh từ Trung Quốc ngày càng gay gắt”. Theo vị đại diện DN may mặc này, thị trường Trung Đông, dù quy mô dân số nhỏ hơn nhưng lại có những khách hàng lớn với đơn hàng giá trị cao. Ngược lại, ở Mỹ, DN có thể chỉ tiếp cận được các đơn hàng nhỏ lẻ. Bởi vậy, nếu chú trọng tiếp cận các thị trường mới thì DN sẽ có nhiều cơ hội nhận được đơn hàng lớn hơn. Đơn cử, năm 2024, đơn hàng đầu tiên của Dony xuất khẩu sang châu Phi đã lên tới 110.000 sản phẩm. Tiếp nối thành công, năm 2025, Dony tiếp tục tạo bất ngờ khi chinh phục thành công thị trường Trung Quốc. Ông Phạm Quang Anh cho biết: “Chúng tôi vừa xuất khẩu lô áo khoác đầu tiên sang Trung Quốc. Đây là một thị trường tiềm năng nhưng chưa tạo được bước ngoặt. Hiện các sản phẩm của Công ty CP quốc tế Dony đã đặt chân đến các thị trường khác như châu Phi, Canada, Đức...”.
Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex thông tin, với Intimex, thị trường Mỹ đang chiếm tỷ trọng rất nhỏ với doanh thu 100 triệu USD trong tổng giá trị xuất khẩu gần 1,5 tỷ USD năm 2024. Nói như vậy không có nghĩa là việc áp thuế đối ứng sẽ không ảnh hưởng bởi hiện tại các đơn hàng của DN sang Mỹ chỉ dừng đến tháng 6/2025. Trường hợp, Mỹ cứ áp mức thuế nói trên trong thời gian dài chắc chắn các DN sẽ khó gồng gánh nổi. Thêm vào đó, đối thủ lớn nhất của cà phê Việt Nam hiện nay là Brazil, rất có thể họ sẽ tận dụng mức thuế thấp hơn để vượt Việt Nam đưa hàng vào Mỹ. Vị này cho biết thêm, trong vòng hai năm trở lại đây thị trường cà phê thế giới luôn trong tình trạng cung không đủ cầu, vì vậy Intimex đang tận dụng lợi thế này để đa dạng hóa thị trường sang các quốc gia khác như châu Âu, Trung Đông… cũng như các quốc gia mà Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Riêng với thị trường Mỹ, Intimex sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và xây dựng thương hiệu để tăng sức cạnh tranh ngay cả khi có thuế cao.
Đề cập đến giải pháp ứng phó với chính sách thuế đối ứng của Mỹ, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho biết, qua khảo sát, các DN ngành gỗ đang trong quá trình tìm giải pháp ứng phó, bao gồm mở rộng thị trường. HAWA đã làm việc và khảo sát từ DN hội viên, bao gồm cả DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm ghi nhận thông tin, tình hình ứng phó với thuế đối ứng và kiến nghị từ phía DN. Theo thống kê, hiện nay ngành gỗ xuất khẩu vào Mỹ chiếm 52%.
Giảm phụ thuộc vào một vài thị trường, mặt hàng
Khó khăn và biến động cũng là cơ hội để DN thể hiện linh hoạt thích ứng, thay đổi, khai thác thị trường xuất khẩu mới. Hiện Việt Nam đã ký kết 17 FTA song phương và đa phương, các FTA này còn nhiều dư địa để DN khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu. Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ được thì chắc chắn cũng sẽ dễ dàng xuất sang được các nước khác có ký kết FTA như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA)... mà Việt Nam là thành viên.
Thời điểm này, các hiệp hội DN cũng đang cùng nỗ lực đưa ra các pháp nhằm vững chân tại các thị trường xuất khẩu nhằm ứng phó với vòng xoáy thuế quan. Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ DN BSA nhấn mạnh: “Hiện nay việc tìm thị trường mới thay thế thị trường Mỹ là giải pháp chủ động cao nhằm giảm phụ thuộc thị trường Mỹ. Trước mắt, chúng ta thấy rất khó khăn, nhưng dù khó cũng sẽ vượt qua được, điều quan trọng là tất cả cùng chung sức tìm hướng ra. Đặc biệt, các DN xuất khẩu cần giữ vững thị trường trong nước ổn định và cùng nhau đi tìm các thị trường mới”.
Đánh giá cao phản ứng của Việt Nam trong việc chủ động tìm giải pháp ứng phó với chính sách thuế đối ứng được công bố của Mỹ, GS.TS Trần Ngọc Anh – Đại học Indiana Hoa Kỳ nhấn mạnh, mức thuế 46% với Việt Nam cũng được hiểu là một “đòn cân não” mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donlad Trump dùng để nắm thế chủ động trong đàm phán chứ không hẳn mà một mức thuế cứng. Việt Nam cần coi đây là cơ hội cấu trúc lại nền kinh tế, cấu trúc lại ngành hàng và thị trường xuất khẩu. Thay vì tập trung vào tăng kim ngạch xuất khẩu, hàng Việt Nam phải hướng đến phân khúc thị trường cao hơn, mở rộng xuất khẩu dịch vụ bởi vì hiện nay Mỹ chỉ đánh thuế hàng hóa mà không tính dến giá trị dịch vụ.
Chia sẻ về các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, thành phố sẽ khẩn trương triển khai giải pháp hỗ trợ DN. Đó là, nắm bắt tình hình DN xuất khẩu trọng điểm; hỗ trợ DN xử lý các tình huống cụ thể bị ảnh hưởng do mức áp thuế mới; sẽ tăng cường cập nhật thông tin về quy định thuế quan, rào cản thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm để DN biết và chủ động đáp ứng. Đồng thời triển khai giải pháp hỗ trợ DN nâng cao giá trị gia tăng, chứng mình nguồn gốc sản phẩm. Theo Sở Công thương thành phố, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của DN TPHCM trong nhiều năm (sau Trung Quốc). Trong tổng số 24 mặt hàng xuất khẩu nhiều vào thị trường Hoa Kỳ, có 5 mặt hàng (4 mặt hàng thuộc nhóm ngành công nghiệp và 1 mặt hàng thuộc nhóm ngành nông, lâm, thủy sản) sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu Mỹ áp mức thuế 46%.
Ông Bruno Jaspaert - Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham): Tin tưởng khả năng ngoại giao khéo léo của Việt Nam
Những cải cách kinh tế và tái cấu trúc của Việt Nam đã tạo nền tảng vững chắc, giúp củng cố tâm lý tích cực trong cộng đồng DN. Các DN châu Âu ghi nhận những bước tiến này và nhìn chung thể hiện quan điểm trung lập đến tích cực về môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, xu hướng dè chừng đã bắt đầu xuất hiện. Dự báo các cú sốc từ bên ngoài – đặc biệt là từ Washington – vẫn hiện hữu, phản ánh tác động rõ rệt của các bất ổn thương mại quốc tế đến tâm lý nhà đầu tư.
Hầu hết các DN châu Âu không thể lường trước những biện pháp thuế quan quyết liệt như vậy. Khoảng 2/3 số DN tham gia khảo sát giữ quan điểm trung lập, không quá lạc quan cũng không quá lo ngại. Kháo sát cho thấy, 39% DN dự đoán chiến lược giá – bao gồm biến động thuế quan và chi phí vận hành sẽ là thách thức lớn. Trong khi đó, 36% dự đoán nhu cầu thị trường và doanh thu sẽ gặp khó khăn từ mức trung bình đến đáng kể. Tuy nhiên, DN châu Âu luôn đặt niềm tin vào khả năng ngoại giao khéo léo của Việt Nam trong việc điều hướng căng thẳng thương mại toàn cầu. Ghi nhận, phần lớn các DN vẫn chưa điều chỉnh chiến lược đầu tư hoặc tuyển dụng, phản ánh cách tiếp cận chờ đợi và quan sát trước những biến chuyển trong chính sách thương mại toàn cầu.
Thủ tục hải quan thuận lợi cho doanh nghiệp
Không chỉ ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ bằng cách mở rộng thị trường xuất khẩu, hiện nay hải quan các khu vực đều hỗ trợ thủ tục cho DN sao cho thuận lợi hơn. Chi cục Hải quan khu vực XVI tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN làm thủ tục hải quan. Cụ thể, giảm học miễn tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa, chuyển kiểm tra qua máy soi container để giúp DN rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Đối với những hồ sơ hoàn thuế DN tiến hành kiểm tra nhanh hoặc hoàn trước, kiểm tra sau giúp DN có dòng vốn duy trì hoạt động,... Tương tự, sau khi có thông tin thuế đối ứng của Mỹ, thực hiện chỉ đạo của Cục Hải quan, Chi cục Hải quan khu vực II triển khai ngay các giải pháp hỗ trợ DN xuất khẩu hàng hóa, đồng thời thống kê cụ thể số lượng tờ khai xuất khẩu đi Mỹ bị hủy. Từ đó tìm hiểu khó khăn, vướng mắc của DN để có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ trước việc áp thuế đối ứng của Mỹ.