Ứng phó thuế quan đối ứng của Hoa kỳ: Không hoang mang, lo sợ
Về ứng phó với chính sách của các nước, nhất là thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ, Thủ tướng nêu rõ tinh thần chung là giữ vững bản lĩnh, trí tuệ, bình tĩnh xử lý chủ động, sáng tạo, linh hoạt.
Sáng 6-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Chính phủ với các địa phương.
Các báo cáo, ý kiến tại hội nghị thống nhất đánh giá về công tác chỉ đạo, điều hành trong tháng 3 và từ đầu năm đến nay.
Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Tổng Bí thư Tô Lâm, của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các báo cáo, ý kiến cũng đánh giá nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng sau tốt hơn tháng trước, tính chung quý I tốt hơn cùng kỳ năm trước với 10 nhóm kết quả quan trọng đạt được trên các lĩnh vực.
Mục tiêu tổng quát không thay đổi
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến, giao Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện các báo cáo và dự thảo Nghị quyết phiên họp, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, các bộ, ngành khẩn trương rà soát, xử lý kiến nghị của các địa phương.
Thủ tướng nhấn mạnh 3 bài học kinh nghiệm quan trọng.
Thứ nhất, càng khó khăn, thách thức, áp lực thì càng phải nỗ lực, phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, thể hiện bản lĩnh, giá trị cốt lõi, trí tuệ và văn hóa người Việt Nam; "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể"; dựa vào nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá.
Thứ hai, phải nắm chắc diễn biến tình hình, phát huy bản lĩnh, trí tuệ, sáng suốt, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả; nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn; coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng thời điểm; chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; phân công nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm: "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả"; "làm việc nào ra việc đấy; làm việc nào dứt việc đó".

Thủ tướng yêu cầu phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: VGP
Thứ ba, phải tăng cường đoàn kết, thống nhất; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại; phát huy sức mạnh đoàn kết trong từng cơ quan, đơn vị, cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực với quan điểm "Đảng chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu tổng quát không thay đổi về ổn định và phát triển gồm ổn định bên trong và bên ngoài, ổn định lòng dân, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau; không ngừng nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân.
Bình tĩnh xử lý chủ động, linh hoạt, hiệu quả
Hội nghị thống nhất cao các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung trọng tâm.
Về ứng phó với chính sách của các nước, nhất là thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ, Thủ tướng nêu rõ tinh thần chung là không hoảng hốt, hoang mang, lo sợ mà giữ vững bản lĩnh, trí tuệ, bình tĩnh xử lý chủ động, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nắm chắc tình hình, đề ra kế hoạch, giải pháp cả trước mắt và lâu dài.
Các giải pháp cần nghiên cứu theo hướng trực tiếp và gián tiếp, cả thuế quan và phi thuế quan, thương mại và phi thương mại. Trong đó có cả biện pháp tổng thể, chiến lược và cả giải pháp cụ thể, có trọng điểm và diện rộng; thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư Tô Lâm. Coi đây là cơ hội để phấn đấu, vươn mình, vượt lên, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản xuất và xuất khẩu.

Thủ tướng coi đây là thời cơ để cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, cơ cấu lại sản xuất. Ảnh: VGP
Thủ tướng nêu rõ, xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng phải thúc đẩy nhưng không phải động lực duy nhất. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất nhưng không phải là thị trường duy nhất. Do đó, chúng ta rất tôn trọng, giải quyết các vấn đề quan tâm của Hoa Kỳ và tiến hành đàm phán với Hoa Kỳ theo thỏa thuận cấp cao giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump. Trong đó, đặt quan hệ kinh tế - thương mại với Hoa Kỳ trong tổng thể quan hệ kinh tế, thương mại của Việt Nam với các nước, đặc biệt là các nước đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và các hiệp ước quốc tế khác trên tinh thần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ với các đối tác.
Thủ tướng chỉ đạo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, các cơ quan rà soát, chuẩn bị kỹ phương án, kế hoạch đàm phán cụ thể với Hoa Kỳ. Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chỉ đạo Tổ công tác, các bộ, cơ quan liên quan rà soát, có kế hoạch, phương án và triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp, công việc cụ thể trên các lĩnh vực và kết nối chặt chẽ với đoàn công tác đàm phán.
Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Hoa Kỳ nói riêng. Đồng thời chủ động làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp lớn, có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả; chủ động cung cấp thông tin, phản hồi kịp thời, đầy đủ, minh bạch những vấn đề Hoa Kỳ quan tâm, nhất là về sở hữu trí tuệ, chống gian lận xuất xứ hàng hóa…
Cùng với đó, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan ngang bộ khác.
Tăng trưởng kinh tế cao nhất so với cùng kỳ từ 2020
GDP quý I-2025 tăng 6,93% (cùng kỳ 2020 -2024 tăng lần lượt là 3,21%, 4,85%, 5,42%, 3,46%, 5,98%). Cả 3 khu vực đều tăng trưởng tốt: Nông nghiệp 3,74%; công nghiệp, xây dựng 7,42%; dịch vụ 7,70%.
Đặc biệt, các địa phương đầu tầu tăng trưởng đạt kết quả tốt: TP.HCM tăng 7,51%, Hà Nội tăng 7,35% và 9 địa phương tăng trưởng 2 con số (Bắc Giang tăng 13,82%, Hòa Bình 12,76%, Nam Định 11,86%, Đà Nẵng 11,36%, Lai Châu 11,32%, Hải Phòng 11,07%, Quảng Ninh 10,91%, Hải Dương 10,87%, Hà Nam 10,54%).
Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm (thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, an ninh lương thực, năng lượng, cung cầu lao động được bảo đảm). CPI tháng 3 giảm 0,03% so với tháng 2; bình quân quý I tăng 3,22%.
Xuất, nhập khẩu tháng 3 đạt trên 75 tỉ USD, tăng 18,2% so với tháng 2 và 16,6% so với cùng kỳ; tính chung quý I đạt trên 202 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%, nhập khẩu tăng 17%, xuất siêu 3,16 tỉ USD.
Thu ngân sách Nhà nước quý I trên 721.000 tỉ đồng, đạt 36,7% dự toán năm, tăng 29,3% so với cùng kỳ. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát tốt, thấp hơn nhiều giới hạn quy định, tạo dư địa cho điều hành.