Ứng phó phù hợp
So với các nước bị Mỹ áp thuế đối ứng, mức thuế 46% áp cho Việt Nam thuộc hàng cao nhất và áp dụng đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu nhất, cao hơn nhiều so với mức thuế Mỹ áp đối với các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam vào thị trường Mỹ. Vì vậy, việc tìm cách ứng xử phù hợp và đàm phán khéo léo với chính quyền Tổng thống Mỹ sẽ giúp kinh tế Việt Nam tránh chịu một 'cú sốc' mạnh.
Trong bối cảnh xuất khẩu đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và thị trường Mỹ chiếm tới 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024, việc áp thuế cao sẽ tác động trực tiếp đến dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài (FDI) - nguồn lực quan trọng trong việc xây dựng nền tảng sản xuất và xuất khẩu. Điều này không chỉ có nguy cơ làm giảm quy mô sản xuất mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm tăng sự bất ổn trong thị trường lao động và kéo theo sự suy giảm tiêu dùng. Mục tiêu tăng trưởng 2 con số sẽ gặp trở ngại lớn nếu không tìm cách ứng phó phù hợp.
Ngay trong sáng 3-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành để đánh giá tình hình, thảo luận các giải pháp ứng phó trước mắt và lâu dài. Có một sự trùng hợp, từ ngày 6 đến ngày 14-4, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ tham dự chương trình Đối thoại chính sách cấp cao tại Đại học Columbia (New York), thăm và làm việc tại Mỹ. Điều tích cực là phía Mỹ đã để ngỏ khả năng đàm phán về vấn đề thuế, vì thế chuyến đi được giới quan sát và các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội thảo luận với chính quyền Mỹ về mức thuế áp cho từng dòng hàng, đặc biệt là các dòng hàng Việt Nam có lợi thế so sánh nhưng Mỹ thì không có lợi thế.
Về phía Mỹ, mục đích chính của chính sách thuế quan được Tổng thống Donald Trump đề cập suốt quá trình vận động bầu cử là để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất nội địa Mỹ. Tuy nhiên, với các mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam như dệt may, gỗ, giày dép không phải là lợi thế sản xuất của Mỹ, việc áp thuế cao sẽ không đạt được mục tiêu bảo vệ ngành sản xuất trong nước của Mỹ. Thay vào đó, nó sẽ gây khó khăn cho các nhà nhập khẩu và doanh nghiệp bán lẻ ở Mỹ, những đơn vị sẽ phải gánh chịu chi phí tăng cao mà không thu lại được lợi ích tương xứng.
Với Việt Nam, như Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây cũng là cơ hội khẳng định bản lĩnh, sức mạnh của dân tộc; cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế; mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy nội địa hóa…
Nhìn tổng thể đối với chính sách thuế, đây là cơ hội để chúng ta thể hiện thiện chí hướng đến sắc thuế công bằng; điều chỉnh chính sách thương mại phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu và tận dụng cơ chế đối thoại trong khuôn khổ các hiệp định thương mại song phương và đa phương để đề xuất các giải pháp cân bằng lợi ích. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi mà sự phụ thuộc vào một thị trường quá lớn có thể gây rủi ro đáng kể.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần phải nhìn nhận lại chiến lược phát triển, đặc biệt là trong việc đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu. Trên thực tế Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan rất tốt ở các thị trường châu Âu, châu Á, Canada, Australia và Trung Đông; nhất là thị trường Canada, Anh, Australia đang nổi lên nhờ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), giúp Việt Nam miễn thuế nhập khẩu và đó là lợi thế cạnh tranh rất tốt cho các doanh nghiệp Việt.
Cú sốc thuế đối ứng này, dù gây khó khăn trước mắt, lại mở ra những cơ hội lớn để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng các thị trường xuất khẩu mới, qua đó xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ, độc lập và tự chủ hơn trong bối cảnh hội nhập.