Ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ quét
Ngày 11-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét tại khu vực Bắc bộ.
Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành trong khu vực dự báo tiếp tục chỉ đạo rà soát kỹ các khu dân cư, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ mất an toàn, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ngập sâu; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện kiên quyết di dời dân ra khỏi nơi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
* Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, từ đêm 10-8 đến ngày 11-8, nhiều nơi ở Bắc bộ có mưa to trở lại. TP Hà Nội có mưa rào kèm sấm sét. Trọng tâm mưa ở khu vực miền núi phía Bắc. Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ lũ, ngập lụt, sạt lở tại các tỉnh Lai Châu, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng…
Sáng 11-8, mực nước suối Lênin ở huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) dâng cao làm ngập một số nơi tại Khu di tích quốc gia Pác Bó. Do nước đục và chảy mạnh nên ban quản lý khu di tích phải thông báo cho khách du lịch nên cân nhắc khi tham quan.
Ông Lã Phi Trường, Chủ tịch UBND thị trấn Trà Lĩnh (Cao Bằng), thông tin, mưa to xối xả, lượng nước dồn về làm ngập lụt nhiều nhà dân; sinh hoạt và sản xuất của người dân bị ảnh hưởng. Nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có mưa 100-150mm gây sạt lở đất đá, ách tắc giao thông; quốc lộ 4A bị sạt lở taluy dương, ách tắc tại 3 vị trí; quốc lộ 4C bị sạt lở đất đá tại xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm; quốc lộ 3 có cây to đổ ngang đường tại huyện Hòa An. Quốc lộ 3B từ TP Bắc Kạn đi huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) bị sạt lở taluy dương tại 2 điểm.
Còn ở tỉnh Sơn La, ngày 11-8 tiếp tục xảy ra sạt lở đất đá, làm sập tường và tràn vào nhà ông Lò Văn Huấn ở bản Nà Lếch (xã Chiềng Lao, huyện Mường La), khiến 2 cháu nhỏ bị thương. Trước đó, ngày 10-8, một vụ sạt lở đã xảy ra tại bản Tà Xùa, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên (tỉnh Sơn La) với khối lượng khoảng 50.000m3 đất, đá từ trên sườn núi sạt trượt qua hàng trăm mét xuống, cắt qua tỉnh lộ 112, vùi lấp một nhà hàng và một homestay bên dưới. Sau khi xảy ra sự cố, nhiều người đã hủy tour du lịch Tà Xùa hoặc dời sang ngày khác.
Chiều cùng ngày, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, ở Trung bộ, từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận vẫn có nắng nóng 37-380C, kéo dài thêm nhiều ngày tới. Mưa dông xuất hiện cục bộ tại các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum và một số nơi ở Nam bộ.
* Ngày 11-8, tại huyện Đông Hải (Bạc Liêu), đoàn công tác của Trung ương do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau về tình hình sụt lún, sạt lở đất và công tác ứng phó tại hai địa phương này.
Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, 10 năm qua, tại Bạc Liêu thường xuyên xảy ra sạt lở và sụt lún đất ở các khu vực ven sông và đê Biển Đông. Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến nay, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra nghiêm trọng hơn.
Hiện trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 77 khu vực sạt lở bờ sông, 6 khu vực sạt lở bờ biển, tổng chiều dài sạt lở gần 600km. Tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ 3.436 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đối với 5 khu vực sạt lở xung yếu, cấp bách và phòng chống triều cường, bảo vệ sản xuất với tổng chiều dài gần 80km...
Còn theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tổng chiều dài các đoạn bờ biển sạt lở đặc biệt nguy hiểm và sạt lở nguy hiểm trên địa bàn tỉnh là gần 84km; có 355 điểm sạt lở bờ sông, trong đó có đến 82 điểm sạt lở nghiêm trọng với tổng diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng lên đến 3.724ha.
Ông Lê Văn Sử cho hay, trong mùa khô năm 2023-2024, hạn hán kéo dài, không có nguồn nước ngọt bổ sung, vùng Bắc Cà Mau bị thiếu nước nghiêm trọng để sinh hoạt, sản xuất và phòng cháy chữa cháy; mặt khác còn làm mất phản áp gây sạt lở, sụt lún bờ sông, đường giao thông. Tỉnh Cà Mau kiến nghị Trung ương hỗ trợ hơn 2.000 tỷ đồng để địa phương đầu tư các dự án ứng phó sạt lở bờ biển và bờ sông.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, ĐBSCL có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia. Tuy nhiên, khu vực này dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Do đó, cần thiết phải có giải pháp đồng bộ, tổng thể đối với việc phòng chống sạt lở, sụt lún.
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phối hợp các cơ quan chức năng của Trung ương làm tốt công tác dự báo tình hình sạt lở, sụt lún. Các địa phương phải kiên quyết di dời người dân ở những nơi xung yếu đến nơi an toàn; quan tâm chăm lo sinh kế cho bà con. Về kinh phí đầu tư, phải làm đúng nguyên tắc, xếp theo thứ tự, ưu tiên làm trước các dự án cấp bách nhất.