Ứng phó mưa lớn, miền Trung khẩn trương rà soát sơ tán người dân
Các địa phương miền Trung ban hành công điện khẩn trương ứng phó đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 13 đến ngày 17/10; khẩn trương tổ chức rà soát, chủ động sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm.
Tại Đà Nẵng, từ 12h-15h/13/10 đã có mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa từ phổ biến 30-80mm, có nơi trên 90mm, riêng Hòa Khương 107.0mm. Mưa lớn gây ngập cục bộ một số tuyến đường tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Cơ quan chức năng TP Đà Nẵng cảnh báo, chiều tối ngày 13/10, tại các quận huyện thuộc thành phố Đà Nẵng tiếp tục duy trì mưa to, mưa rất to. Lượng mưa 3 giờ tới phổ biến 40-80mm, có nơi trên 100mm.
Do mưa cường độ lớn tập trung trong thời đoạn ngắn có khả năng gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp và các khu đô thị trên địa bàn thành phố, gây cản trở giao thông và thiệt hại tài sản; nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi.
Tại Thừa Thiên Huế, chiều 13/10, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương ban hành công điện yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, ven biển, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn.
Kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ (chú ý các đối tượng dễ bị tổn thương, phụ nữ đang mang thai, người già yếu,…). Chú ý các khu vực đồi núi, khu vực có nguy cơ sạt lở cao như: A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc; các hộ dân ven sông Hương, sông Bồ.
Các địa phương chuẩn bị, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó mưa lũ tại cấp xã theo phương châm 4 tại chỗ
Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế rà soát, cập nhật phương án phòng, chống thiên tai ngành giáo dục và đào tạo; chỉ đạo các trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên và giáo viên khi có thiên tai xảy ra.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng có công điện yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương không được chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, tập trung chỉ đạo và chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng với với thiên tai.
Khẩn trương tổ chức rà soát, chủ động sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là các hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn; có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, bảo đảo ổn định đời sống cho người dân.
Chủ động triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập theo cấp báo động, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công, hạn chế tối đa thiệt hại.
Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương phối hợp với địa phương kịp thời chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện, nhất là đối với các hồ thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa từ 7h ngày 12/10 đến 7h ngày 13/10 phổ biến từ 15 - 60 mm.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ ngày 13 đến ngày 17/10, các địa phương trong tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, đến rất to; nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông, suối nhỏ; gây ngập úng tại các vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư.
Để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ kéo dài, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Bình vừa có công điện yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo các cấp trong ứng phó với mưa lũ; tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; kịp thời chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ".
UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra rà soát khu dân cư ven sông, ven suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng, khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn; đảm bảo dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đề phòng bị chia cắt dài ngày; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông; không để người dân vớt củi, đánh bắt thủy sản… trên sông, suối khi có mưa lũ.
Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan chỉ đạo các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời tình huống có thể xảy ra; kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm tràn, khu vực ngập sâu; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lũ lớn.