Ứng phó mưa lớn, gió mạnh, Thừa Thiên-Huế sẵn sàng sơ tán dân
Các địa phương, đơn vị chức năng tại Thừa Thiên-Huế được yêu cầu tổ chức rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm sẵn sàng ứng phó với mưa lớn, gió bão trong những ngày tới.
Ngày 11/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh TT-Huế phát công văn khẩn gửi các đơn vị chức năng, địa phương, chủ hồ các chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn về việc chủ động ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lớn trong những ngày tới.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh TT-Huế, kể từ chiều 11 đến ngày 13/11, trên địa bàn tỉnh có mưa, rải rác mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa cả đợt từ 100-150mm, có nơi cao hơn 200mm.
Mưa với cường độ mạnh nhất tập trung từ đêm 11 đến ngày và đêm 12/11. Người dân cần đề phòng mưa có cường độ rất to trong thời gian ngắn (trên 50mm/1giờ và trên 100mm/3 giờ) gây ngập úng đô thị trên diện rộng.
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó gió bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT-Huế yêu cầu các đơn vị, địa phương, chủ các công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn theo dõi sát diễn biến thời tiết xấu trong những ngày tới được cập nhật trên hệ thống thông tin của tỉnh và trung ương.
Đồng thời, đề nghị cơ quan phát thanh, truyền hình, phương tiện thông tin đại chúng tăng cường các biện pháp cảnh báo về diễn biến thời tiết, thiên tai đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Các địa phương, đơn vị chức năng cần tổ chức rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện phải tổ chức kiểm tra, thực hiện các phương án ứng phó thiên tai đã được phê duyệt; chủ động tính toán vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn; tiếp tục trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc và vận hành công trình theo quy trình đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.
Các địa phương, lực lượng chức năng rà soát phương án đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là khu vực dễ bị chia cắt; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.