Ứng phó lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở đất: 'Không để thảm họa đến khi nó đã bị lãng quên'
Lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở đất tại khu vực miền núi, đặc biệt là tại miền núi phía Bắc thời gian qua không chỉ gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản mà còn để lại những hệ lụy nghiêm trọng về môi trường và kinh tế - xã hội. Đây là vấn đề đòi hỏi quy tụ các chuyên gia để thảo luận về giải pháp thực tế, lâu dài nhằm giảm thiểu thiệt hại và nâng cao ý thức cộng đồng trong việc phòng chống thiên tai.
Do đó, ngày 4.1, tại Hà Nội, Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp với Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam tổ chức hội thảo Lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc - Giải pháp ứng phó và giảm thiểu thiệt hại. Tại hội thảo, các chuyên gia đánh giá tình hình sạt lở vùng núi phía Bắc và thảo luận các giải pháp giúp người dân ứng phó kịp thời với thiên tai.
“Thảm họa đến khi nó bị lãng quên”
Thực trạng thiên tai tại miền núi phía Bắc Việt Nam trở nên đáng báo động trong những năm gần đây, đặc biệt với những trận lũ quét và sạt lở đất xảy ra sau bão số 3 (bão Yagi). Hậu quả nặng nề không chỉ thể hiện qua số người thiệt mạng, mất tích năm 2024 mà còn ở việc hàng loạt cộng đồng dân cư bị cô lập, hàng nghìn ngôi nhà và công trình bị phá hủy. Những vùng đất dốc, nơi mưa lớn kéo dài làm yếu nền đất, trở thành “điểm nóng” dễ xảy ra sạt lở quy mô lớn, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ngành để đánh giá, dự báo, và có các biện pháp ứng phó hiệu quả.
Ông Nguyễn Xuân Tùng, Phó trưởng Phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhận định lũ quét gây thiệt hại lớn nhất, sau đó mới đến giông lốc. Đánh giá thiệt hại về người do thiên tai từ năm 2015 - 2024 ở miền núi phía Bắc, ông Tùng cho biết, năm 2024, số người thiệt mạng, mất tích ở vùng núi cao nhất, lên tới 434 người.
Nêu nguyên nhân của hiện tượng trượt lở quy mô lớn tại các vùng đất dốc ở Việt Nam, GS-TS. Đỗ Minh Đức, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết đó là do hệ thống khe nứt, phân lớp của đá dốc và tình trạng mưa lớn.
Ông Đức nhấn mạnh cần có chuyên gia về địa chất để phát hiện trượt lở đất, tránh tiếp cận đơn ngành, chỉ nhìn vào bản đồ địa chất: “Các thông tin về địa chất trên bản đồ đã được xuất bản là yếu tố địa chất lớn, mức độ phá hủy cao nhưng lâu dài tạo ra địa hình bằng phẳng, như đứt gãy sông Hồng tạo ra đồng bằng. Sự phát sinh trượt lở ở vùng núi là đứt gãy phân nhánh, tức yếu tố rất nhỏ của hoạt động đứt gãy. Vì vậy, việc phát hiện chính xác các hoạt động đứt gãy của trượt lở không thể nào được phát hiện bởi người không chuyên sâu về địa chất… Thảm họa rất nhiều năm tới một lần, khi nó tới thì đã bị lãng quên”. Từ đó, GS. Đỗ Minh Đức đề xuất cần phát hiện sớm các địa hình bất lợi: nguy cơ cao về trượt quy mô lớn, về nghẽn dòng.
“Tại sao xây dựng một ngôi nhà ở Hà Nội có khảo sát đất đai, công trình nhưng xây dựng cả một vùng tái định cư ở miền núi lại chưa có? Hiện nay, xây dựng tái định cư cho người dân miền núi chưa có quy định nào về khảo sát địa chất, không may xây vào vùng địa chất yếu thì rất nguy hiểm”, ông Đức bày tỏ quan ngại.
TS. Trần Bá Việt, Phó Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam, cho rằng cần nhìn hiệu quả kinh tế từ quan trắc trong thực tiễn ở vùng núi dân cư, nhà ở phía Bắc: “Quan trắc có lẽ phù hợp với giao thông, đường sắt, thủy lợi chứ không nên dùng cho nhà ở. Nhà ở vùng núi phía Bắc, trừ đô thị, không có nhà cao tầng. Thay vào đó, quy hoạch mới là quan trọng nhất, chuyên gia thực địa, khảo sát điều chỉnh quy hoạch”.
Đồng ý với TS. Việt về tầm quan trọng của quy hoạch, GS-TS. Đỗ Minh Đức cho biết: “Việc quan trắc có tác dụng phòng tránh rủi ro, cung cấp thông tin giúp hiểu bản chất vật lý để phục vụ khu vực khác. Chúng tôi vận hành 10 hệ thống quan trắc, có những nơi bố trí nơi dân cư tỉnh Hà Giang. Theo thời gian, chất lượng có phần suy giảm nhưng thông số cảnh báo sẽ góp phần giúp người dân chủ động ứng phó sạt lở”.
GS-TS. Đỗ Minh Đức, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, phát biểu tại hội thảo.
Giới thiệu 5 module quan trắc trượt lở, ông Đào Minh Đức, Viện Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết phải bố trí cảm biến tại hiện trường. Đó là module quan trắc lũ quét, lũ bùn đá, trượt lở khối lớn, sạt lở - lũ quét, lở đá: “Những module quan trắc trên dựa vào cộng đồng ở cấp thôn bản. Chúng tôi đưa tới bản tin cảnh báo trực tiếp tới cộng đồng, nhận thấy ý thức người dân nâng cao sau khi tiếp nhận. Họ đều phản ánh hiện trạng tai biến, lũ quét, trượt lở. Trên trang Facebook, Zalo, người dân tương tác tích cực, kiểm tra khu vực sinh sống có an toàn hay không sau sự kiện thiên tai. Nhiều người dân phát hiện vết nứt sau sườn đồi, báo cáo cho nhóm nghiên cứu đề tài, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, nhận diện”.
Cần giải pháp công nghệ và dịch vụ công
Trong bối cảnh thiên tai ngày càng phức tạp, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến như GIS và trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành nhu cầu cấp bách. Hệ thống quan trắc thời gian thực, cùng với các công cụ như Spectee Pro, không chỉ giúp dự báo chính xác khu vực có nguy cơ xảy ra thảm họa mà còn hỗ trợ cảnh báo sớm, nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó của người dân. Các nền tảng này tích hợp dữ liệu từ mạng xã hội, bản đồ nguy cơ, và hình ảnh từ camera quan sát, giúp cơ quan chức năng đưa ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả, đồng thời xây dựng các chiến lược ứng phó dài hạn.
Về giải pháp công nghệ, PGS-TS. Đỗ Hoài Nam, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, đề xuất sử dụng Spectee Pro – sản phẩm công nghệ AI đang được triển khai ở Nhật Bản, Philippines, có khả năng xác định địa điểm xảy ra thảm họa, dự tính thiệt hại qua hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội, từ đó thông báo tới cơ quan chức năng và người dân để ứng phó kịp thời. Ngoài thông tin, dữ liệu thu thập từ không gian mạng, Spectee Pro còn sử dụng nhiều nguồn khác nhau, như nguồn dữ liệu chính thống, dữ liệu công khai từ camera quan sát (CCTV) và bản đồ cảnh báo rủi ro thiên tai, hiểm họa.
Khi được hỏi về khó khăn triển khai ở Việt Nam, PGS-TS. Đỗ Hoài Nam chia sẻ đó là về tính bảo mật của thông tin trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng, thủ tục cho phép sử dụng còn rườm rà: “Thủ tục hiện nay là phải có dấu xác nhận của địa phương với bảng biểu, thống kê thiệt hại về người do thiên tai. Công nghệ ở đây mang tính chất tham khảo, đưa trước thông tin. Cần chấp nhận rủi ro khi tiếp cận công nghệ mới”, ông Nam bộc bạch.
Đồng tình với PGS-TS. Đỗ Hoài Nam về thủ tục xác minh số người thiệt hại do thiên tai, GS-TS. Nguyễn Quốc Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, chia sẻ: “Thế giới sử dụng các bản đồ khác nhau, tính số nhà nhân với 4 người. Ở nước ta, phải tới xã lấy số liệu, chính quyền ký, đóng dấu vào văn bản. Thế nhưng, số liệu chưa chắc đã đúng. Bởi con em người dân chưa chắc cư trú trên địa bàn, hộ khẩu ở địa phương nhưng sống ở nơi khác, rồi số liệu năm nay đúng nhưng chưa chắc đúng với năm sau. Chúng tôi từng làm thử nghiệm so sánh phương pháp tính toán của thế giới với hướng dẫn của Tổng cục Phòng chống thiên tai, chênh lệch chỉ 5% số người. Trong khi đó, bản đồ ngập lụt gồm rất nhiều tỉnh”.
GS-TS. Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh mọi công cụ cần phải có hành lang pháp lý. Vấn đề không phải đưa công nghệ vào sử dụng như thế nào mà là làm thế nào để biến công nghệ thành công cụ. Để làm được như vậy cần có tiêu chuẩn, định mức đơn giá. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần có quy định về dịch vụ công – tư, tiến tới xã hội hóa.
Kết luận hội thảo, TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhận định đây là công tác lâu dài, cần kiên trì, bền bỉ. Hội thảo đã tiến hành kiến nghị các vấn đề về thể chế, các giải pháp về công nghệ, công trình, phi công trình, quy hoạch. Đặc biệt, giải pháp về tuyên truyền cần được chú trọng nhất để người dân có thể tự bảo vệ bản thân trước tiên khi đối mặt với thiên tai.
Việc giảm thiểu thiệt hại từ lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở đất không chỉ nằm ở các giải pháp công nghệ mà còn ở sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách, quy hoạch, và tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng. Để tạo nên sự thay đổi bền vững, cần kết hợp các sáng kiến mới với nỗ lực xã hội hóa, đảm bảo rằng mỗi người dân đều trở thành một nhân tố chủ động trong cuộc chiến với thiên tai.