Ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai - Kỳ 3: Khắc phục thiệt hại thiên tai khi kinh phí thiếu, định mức thấp

Dù có sự chủ động và chuẩn bị theo kế hoạch, nhiệm vụ hàng năm nhưng thiên tai và mức độ thiệt hại thường khó đoán trước. Khi sự cố bất ngờ xảy đến, mục tiêu cứu người, thông đường nhanh nhất được đặt lên hàng đầu nhưng sau đó công tác xử lý hư hỏng kết cấu hạ tầng và nghiệm thu hoàn công cũng lắm gian nan.

Sạt lở tại Km30 thuộc QL1B qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Sạt lở tại Km30 thuộc QL1B qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Kinh phí thiếu, định mức thấp

Tổng số kinh phí dành cho bảo trì đường bộ được cấp cho Cục Đường bộ Việt Nam hàng năm khoảng hơn 8.000 tỷ đồng. Với định mức 50 triệu đồng/km/năm, chi phí cho công tác bảo dưỡng thường xuyên (BDTX) cho hơn 24.000 km quốc lộ là hơn 1.200 tỷ đồng. Số tiền còn lại trong tổng số kinh phí bảo trì được dành cho công tác sửa chữa, trong đó có sửa chữa định kỳ, sửa chữa vừa và sửa chữa lớn.

Thời gian qua, mặc dù ngành GTVT luôn chú trọng ưu tiên các nguồn vốn cho công tác BDTX hạ tầng giao thông đường bộ nhưng với định mức được bố trí 50 triệu đồng/km/năm (bao gồm cả việc sửa chữa ngay hư hỏng nhỏ mặt đường), công việc chủ yếu là bảo dưỡng mặt đường, bạt lề đường, cắt cỏ, quét đường. Còn những hạng mục khác như: Đắp phụ nền, lề đường, sửa chữa rãnh đá xây, bổ sung nắp rãnh bê tông, nắp hố ga, thay thế, bổ sung cột đỡ, biển báo hiệu khó thực hiện.

"Đó là trong điều kiện bình thường, còn khi thiên tai bất ngờ xảy ra gây lấp đường, đứt đường, việc bố trí kinh phí khắc phục bước 1, bước 2 càng khó hơn", ông Lê Văn Định, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cao Bằng chia sẻ và giải thích, khi xảy ra sự cố thiên tai gây tắc đường, đứt đường, đơn vị quản lý đường bộ sẽ thực hiện các công việc: Cử nhân viên tuần đường đến kiểm tra hiện trường, báo cáo nhanh sự cố đến Hạt trưởng hoặc phản ánh trực tiếp trên nhóm quản lý chung (mỗi tuyến đường có một nhóm zalo quản lý chung). Sau khi nhận được thông tin phản ánh, căn cứ vào tình hình thực tế hiện trường, đơn vị quản lý tuyến sẽ huy động lực lượng, máy móc thiết bị để hót sụt thông tuyến hoặc lấp tạm các đoạn đường sụt lún, đứt gãy bằng vật liệu sẵn có trên tuyến để đảm bảo thông tuyến một cách nhanh nhất. Trong nhiều trường hợp phải huy động máy móc, thiết bị thông tuyến giúp lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường một cách nhanh nhất để cứu hộ, cứu nạn (hót dọn bùn đất tìm kiếm người, phương tiện, tài sản…), hỗ trợ các phương tiện khác di chuyển trên tuyến, hỗ trợ người dân đi qua các vùng ngập lụt nguy hiểm.

Cũng theo ông Định, đối với các vị trí sụt lún nguy hiểm, phương án xử lý phức tạp, đơn vị quản lý tuyến sẽ lắp dựng rào chắn để cảnh báo, đồng thời cắm biển cảnh báo nguy hiểm và cắt cử người trực để đảm bảo giao thông, đồng thời tiếp tục theo dõi trong thời gian chờ phương án xử lý từ cơ quan có thẩm quyền (các vị trí này thường được xử lý sau khi có Lệnh xây dựng khẩn cấp của Cục Đường bộ Việt Nam).

Trong khi đó, liên quan đến thủ tục để thực hiện thanh toán hoàn công đối với công tác xử lý đảm bảo giao thông để thông tuyến, trên nhật ký công việc thực hiện hàng ngày phải ghi rõ số lượng máy huy động, thời gian hoạt động của máy, số lượng nhân công huy động trực tiếp trên tuyến. Riêng công tác hót dọn đất sau khi thông đường, chủ đầu tư tổ chức đoàn xác minh, đo kích thước khối lượng từng vị trí để làm cơ sở cho đơn vị thực hiện. Sau khi hót dọn xong, tổ chức đoàn kiểm tra, nghiệm thu để xác định khối lượng thực tế đã thực hiện tại hiện trường.

Sau khi hoàn thiện các công việc tại hiện trường, đơn vị thi công phối hợp với đơn vị tư vấn lập hồ sơ hoàn thành công trình, gửi Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt để làm cơ sở giao dự toán chi (từ nguồn kinh phí sự nghiệp được giao). Nhưng trước đó, đơn vị quản lý tuyến khi thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai phải ứng trước toàn bộ kinh phí để thực hiện, không có tạm ứng và đặc biệt không được tính phần chi phí lãi vay để thực hiện.

Sạt lở tại Km88+750 QL15C qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Sạt lở tại Km88+750 QL15C qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Gian nan chờ nghiệm thu, thanh quyết toán

Theo ông Đàm Văn Tiến, Giám đốc Công ty CP Quản lý đường bộ Cao Bằng, hiện công tác thanh toán các nội dung công việc thực hiện khắc phục sự cố thiên tai chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể, chẳng hạn như việc nghiệm thu số lượng, số ca máy huy động được thực hiện như thế nào, thành phần nào nghiệm thu. Bởi thường trong lúc xảy ra thiên tai bất ngờ, tất cả đều chỉ quan tâm đến việc tìm kiếm cứu nạn và việc xác định số lượng máy, ca máy hoạt động chỉ do đơn vị quản lý BDTX ghi chép, chưa quy định thành phần nghiệm thu.

Bên cạnh đó, trong tình huống cấp bách, việc thông tuyến có thể ảnh hưởng đến đất đai, hoa màu của người dân nhưng chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể về nội dung này. "Thường thì sau khi thông tuyến, đơn vị quản lý tuyến phải tự chịu trách nhiệm đền bù hoa màu, cây cối cho người dân nếu bị thiệt hại", ông Tiến nói và cho biết, thậm chí còn chưa quy định về thanh toán cho lực lượng quản lý đường bộ tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Cũng liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo sở GTVT một địa phương khu vực miền núi phía Bắc cung cấp thêm thông tin, với những sự cố gây tắc đường, đứt đường, sau khi đơn vị BDTX thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý ùn tắc đảm bảo giao thông (thường hay gọi là bước 1) thì chủ đầu tư sẽ tổ chức lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ hoàn thành công trình (bao gồm bản vẽ hoàn công và dự toán kinh phí) làm cơ sở thanh quyết toán kinh phí cho các nhà thầu thi công. Việc này thực hiện nhanh nhất trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, việc thanh quyết toán hoàn toàn phụ thuộc vào việc giao dự toán chi (nguồn kinh phí chi thường xuyên hàng năm từ ngân sách nhà nước).

Theo đó, đối với nguồn vốn Trung ương thường được giao dự toán chi hoặc điều chỉnh giao dự toán chi (hồ sơ hoàn thành có quyết định phê duyệt thì được ưu tiên giao dự toán khi điều chỉnh dự toán chi) 3 lần (thường lần 1 là cuối tháng 12 của năm trước, lần 2 là tháng 7, 8 của năm ngân sách, lần 3 điều chỉnh lần cuối trước ngày 15/11). Như vậy, nếu việc phê duyệt hồ sơ xử lý ùn tắc vào tháng 1 thì tháng 8 mới được bố trí nguồn vốn để thanh toán cho nhà thầu.

Việc tăng nguồn kinh phí, bố trí kịp thời cho công tác khắc phục đảm bảo giao thông bước 2 để có điều kiện thực hiện các hạng mục tiếp theo là rất cần thiết

Việc tăng nguồn kinh phí, bố trí kịp thời cho công tác khắc phục đảm bảo giao thông bước 2 để có điều kiện thực hiện các hạng mục tiếp theo là rất cần thiết

Còn đối với nguồn vốn địa phương thường được giao dự toán chi cuối tháng 12, chứ trong năm không có nguồn chi thường xuyên được giao bổ sung thêm cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai, vì vậy thường phải lấy nguồn năm sau để chi trả cho năm trước. Một số sở GTVT đang kiến nghị việc chủ động điều chỉnh dự toán chi như Trung ương thực hiện để ưu tiên bố trí nguồn vốn chi trả kịp thời cho nhà thầu BDTX bởi nguồn vốn đang rất khó khăn, bị động trong công tác chuẩn bị khắc phục hậu quả thiên tai.

Đại diện Sở GTVT tỉnh Nghệ An cho biết, Sở được Bộ GTVT ủy quyền quản lý 8 tuyến quốc lộ. Ngay sau khi xảy ra sạt lở ta-luy dương, gây ách tắc giao thông, Sở GTVT đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng và các đơn vị quản lý BDTX huy động máy móc, thiết bị, nhân lực tiến hành hót dọn đất đá sụt và chặt, thu dọn cây, bố trí, lắp đặt barie, rào chắn, biển báo… Thế nhưng, trong quá trình đảm bảo giao thông, việc hót dọn đất đá sạt trượt làm không ít nhà thầu ngán ngẩm do càng làm càng có nguy cơ lỗ.

Ông Nguyễn Bảo Giang, Trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ II.4 (Khu Quản lý đường bộ II) cho rằng, đơn giá hót đất sạt lở rất thấp, hiện tại chưa có định mức riêng nên đang áp dụng định mức của xây dựng cơ bản, không phù hợp với tổ chức giao thông trong tình huống khẩn cấp "4 tại chỗ" trong điều kiện nguy hiểm hót đất sạt lở. "Việc sạt lở xảy ra rải rác tại nhiều vị trí, nhiều khi máy móc ở rất xa nơi sụt trượt, trong khi lại không được tính hao phí máy móc. Đất sạt lở hầu hết trong tình trạng ngấm nước, bùn lẫn cây đổ gãy nên việc xúc dọn rất khó khăn. Thực tế cho thấy, máy móc làm rất kém năng suất do vừa làm vừa phải chờ, quan sát vì đất đá phía trên đỉnh ta-luy có thể ập xuống bất cứ lúc nào", ông Giang nói.

Cũng là địa phương bị thiệt hại nặng bởi hoàn lưu bão số 3 vừa qua, ông Hoàng Viết Đông, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn cho hay, hiện nay Sở được Cục Đường bộ Việt Nam giao quản lý 6 đoạn tuyến quốc lộ dài 453,906 km (gồm QL1B, 3B, 4A, 4B, 31 và QL279), tuy nhiên hiện nay chưa được Bộ GTVT công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trong lĩnh vực đường bộ và ban hành lệnh xây dựng các công trình, dự án khẩn cấp, do đó gây khó khăn trong quá trình khắc phục mưa bão.

"Nguồn vốn bố trí cho công tác bảo đảm giao thông hiện nay đang ở mức thấp, nên việc khắc phục đảm bảo giao thông bước 2 (xây dựng kiên cố như: Gia cố mái ta-luy, cống, rãnh thoát nước...) chưa thực hiện được ngay, vì vậy nguy cơ mất ATGT tại các vị trí này còn cao. "Đề nghị Bộ GTVT quan tâm tăng nguồn kinh phí, bố trí kịp thời cho công tác khắc phục đảm bảo giao thông bước 2 để có điều kiện thực hiện các hạng mục đảm bảo giao thông luôn thông suốt và an toàn", ông Đông đề xuất.

Minh Tùng, Phạm Hoạch

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/ung-pho-khac-phuc-hau-qua-thien-tai-ky-3-khac-phuc-thiet-hai-thien-tai-khi-kinh-phi-thieu-dinh-muc-thap-183241016093638419.htm
Zalo