Ứng phó dinh dưỡng khẩn cấp trong phòng chống thiên tai

Ngày 28/4, tại thành phố Tuy Hòa, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh tổ chức hội thảo về ứng phó dinh dưỡng khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai. Hội thảo nhằm mục đích chia sẻ công tác phòng chống thiên tai tại khu vực duyên hải miền trung, chính sách, kế hoạch can thiệp dinh dưỡng với một số loại hình thiên tai chủ yếu cũng như các giải pháp đảm bảo dinh dưỡng khi thiên tai gây cô lập kéo dài tại cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phát biểu khai mạc hội thảo.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phát biểu khai mạc hội thảo.

Theo đánh giá của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, sự ấm lên toàn cầu đã làm tình hình thiên tai trên thế giới diễn ra ngày càng phức tạp với xu thế gia tăng cả về tần suất và cường độ. Việt Nam là một trong những quốc gia đang chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai cực đoan, trong đó, Bắc Bộ và duyên hải miền Trung là những khu vực có mức độ ác liệt hơn so với các vùng miền khác. Điển hình như những đợt mưa lũ kinh hoàng như: trận lũ lịch sử năm 1999, mưa lũ sau bão số 9 (KETSANA) năm 2009; Bão số 12 đổ bộ vào Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và một phần nam Tây Nguyên ngày 4//11/2017 được ghi nhận là cơn bão mạnh nhất lịch sử tại Phú Yên trong 30 năm qua, với sức gió mạnh nhất lên tới cấp 13. Gần đây nhất là mưa lũ nghiêm trọng vào cuối năm 2020, đã khiến người dân miền Trung phải căng mình, đối diện với tình huống “lũ chồng lũ”, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Trong vòng 20 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm thiên tai đã làm hơn 300 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế từ 1 đến 1,5% GDP, nhưng hệ lụy sau khi thiên tai, bão lũ đi qua mới nặng nề. Đó là nguy cơ thiếu thực phẩm, thiếu dinh dưỡng cho người dân, đặc biệt là trẻ em tại các địa phương chịu ảnh hưởng, đồng thời gây cản trở quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội lâu dài.

Đặc biệt, cơn bão số 3 (Yagi) - cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông, và trong 70 năm qua tại đất liền năm 2024 đã đổ bộ trực tiếp vào nước ta, gây thiệt hại rất lớn đối với 26 địa phương khu vực miền núi phía Bắc và trung du Bắc Bộ. Nhiều tháng sau khi bão tàn phá, trẻ em và các gia đình ở những khu vực bị ảnh hưởng vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Hệ thống y tế và nước sạch bị hư hại, làm gián đoạn việc tiếp cận nước uống an toàn và vệ sinh cho 570.000 người, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh; khoảng 220.000 trẻ em dưới năm tuổi và 70.000 phụ nữ mang thai và cho con bú đang có nguy cơ suy dinh dưỡng do dịch vụ y tế và các dịch vụ khác bị gián đoạn, thiếu hụt nước sạch và nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên, trong phòng chống thiên tai, khái niệm “Ứng phó dinh dưỡng trong phòng chống thiên tai” vẫn là một vấn đề khá mới, cần được quan tâm trong giai đoạn tới. Với tầm quan trọng đó,

Tại hội thảo, nhiều tham luận được trình bày gồm: Đặc điểm thiên tai khu vực duyên hải miền Trung và công tác ứng phó; các cơ chế, chính sách về dinh dưỡng và nâng cao khả năng ứng phó dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp; hướng dẫn về dinh dưỡng trong phòng, chống thiên tai; hệ thống ứng phó khẩn cấp tại Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm từ các đáp ứng khẩn cấp đã thực hiện; đánh giá trong tình huống khẩn cấp và ứng phó thiên tai; các can thiệp trong dinh dưỡng khẩn cấp và ứng phó thiên tai; hướng dẫn lập kế hoạch phòng, chống và ứng phó dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp…

TIẾN ĐẠT

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ung-pho-dinh-duong-khan-cap-trong-phong-chong-thien-tai-post875973.html
Zalo