Ứng phó bệnh hô hấp trỗi dậy dịp cuối năm

Virus gây ra bệnh hô hấp thường gia tăng vào mùa đông và đầu mùa xuân; trẻ dưới 5 tuổi, người già là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất

Những ngày gần đây, sự xuất hiện nhiều ca bệnh đường hô hấp đang gia tăng tại Trung Quốc khiến cộng đồng lo lắng liên tưởng đến thảm họa đại dịch COVID-19 từng xảy ra.

Dịch bệnh không mới, bùng phát theo mùa

Trước sự gia tăng đột biến bệnh về đường hô hấp gây tâm lý bất an cho cộng đồng này, Bộ Y tế nước ta đã vào cuộc ứng phó. Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho hay ngay sau khi ghi nhận các thông tin, cục đã liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ y tế quốc tế (IHR) của Trung Quốc (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Trung Quốc - CDC Trung Quốc). "Đến thời điểm hiện tại, WHO chưa có thông tin chính thức về tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc. Đồng thời, chưa được xác minh độ tin cậy và tính chính thống của thông tin đang lan truyền như lo ngại về một cuộc khủng hoảng y tế khác sau COVID-19" - ông Đức thông tin.

Trẻ nhỏ, người cao tuổi miễn dịch yếu là đối tượng dễ mắc bệnh đường hô hấp. Ảnh: HÀ CHI

Trẻ nhỏ, người cao tuổi miễn dịch yếu là đối tượng dễ mắc bệnh đường hô hấp. Ảnh: HÀ CHI

Theo Cục Y tế dự phòng, qua báo cáo kết quả giám sát trọng điểm các bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường hô hấp trong tuần thứ 52 năm 2024 của CDC Trung Quốc, các mẫu bệnh phẩm thu thập từ Khoa Khám bệnh ngoại trú và Khoa Cấp cứu của các bệnh viện ghi nhận các tác nhân chủ yếu là virus cúm, Human Metapneumovirus (HMPV) và rhovirus. Các mẫu bệnh phẩm của các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng phải nhập viện ghi nhận các tác nhân chủ yếu là virus cúm, Mycoplasma pneumoniae và HMPV. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã thông tin bệnh nhiễm trùng đường hô hấp đang lây lan ở nước này là bệnh thường quy, không phải sự kiện y tế bất thường, các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thường đạt đỉnh vào thời điểm này trong năm tại Trung Quốc.

PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết theo thông tin từ Trung Quốc, bệnh hô hấp này do virus cúm, virus hợp bào hô hấp RSV thông thường gây ra. Tuy không phải là bệnh mới nhưng số ca mắc lại tăng tại Trung Quốc khiến nhiều người nhập viện. Bệnh do HMPV là bệnh xảy ra hằng năm, là một loại virus đường hô hấp phổ biến gây ra các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới, đặc biệt vào mùa đông xuân, tương tự như virus hợp bào hô hấp RSV và cúm. Do vậy, khi vào mùa virus phát triển, cùng với biện pháp phòng dịch hạn chế, miễn dịch cộng đồng giảm, dẫn đến số ca mắc gần đây có sự gia tăng.

Không hoang mang nhưng chớ chủ quan

Cũng theo ông Phu, đây là những loại virus bình thường, không phải loại nguy hiểm. "Vì vậy, người dân không nên quá hoang mang. Tuy vậy, cũng cần chú ý phòng bệnh giống như các bệnh lây qua đường hô hấp khác" - ông Phu lưu ý.

Các chuyên gia dịch tễ cũng nhấn mạnh HMPV là một dạng biến thể của virus RSV, đã từng được ghi nhận, không quá nguy hiểm. Đây là chủng virus đường hô hấp lây lan nhanh vào mùa đông và đầu mùa xuân. Tương tự như cúm và virus hợp bào hô hấp RSV, chủng virus này gây nhiễm trùng đường hô hấp trên và có thể gây ra các biến chứng viêm phổi, viêm phế quản,… khi không được phát hiện và điều trị đúng cách. Bệnh có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua các giọt bắn có chứa virus được người bệnh giải phóng khỏi cơ thể khi ho, hắt hơi, sổ mũi, nói chuyện… Ngoài ra, virus này có thể tồn tại khá lâu trong không khí, trên các bề mặt, đồ vật và xâm nhập cơ thể khi chúng ta va chạm hay tiếp xúc với chúng. Khả năng đột biến của virus diễn ra thường xuyên. Vì vậy, người dân cần tiếp tục theo dõi, không nên quá hoang mang nhưng cũng không chủ quan. Nếu dịch phát triển, có nguy cơ lây lan nhanh hoặc độc tính thì cần có khuyến cáo phù hợp.

Để tiếp tục đưa ra khuyến cáo ứng phó kịp thời, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho hay đang tiếp tục bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh; phối hợp chặt chẽ với WHO, đầu mối thực hiện IHR của Trung Quốc để cập nhật thông tin và chủ động cung cấp, chia sẻ đầy đủ, chính xác tới người dân. Hiện HMPV chưa có vắc-xin phòng bệnh, do đó cục khuyến cáo người dân các biện pháp phòng bệnh như phòng COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp khác như: đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, giữ vệ sinh cá nhân.

Khi có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi… cần hạn chế đến nơi đông người, nơi công cộng để tránh lây nhiễm bệnh cho người khác; che miệng và mũi khi ho và hắt hơi; tránh dùng chung cốc và đồ dùng ăn uống với người khác. Người lành khi tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh cần đeo khẩu trang. Với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ sơ sinh, người lớn tuổi, người có bệnh nền (có tiền sử mắc bệnh phổi, hen suyễn), bệnh nhân COPD, người đang thực hiện hóa trị hay đã từng thực hiện phẫu thuật ghép tạng,… khi mắc bệnh có thể chuyển nặng. Vì vậy, khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở, đau ngực... nên đến ngay các cơ sở y tế để thăm, khám, điều trị kịp thời. "Trong giai đoạn mùa đông xuân hiện nay với điều kiện thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan, người dân không nên lơ là, chủ quan mà cần tăng cường phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình" - ông Đức nhấn mạnh.

Không khó xác định "thủ phạm"

Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TP HCM, trong các mùa dịch bệnh hô hấp, khi nhiều người trong gia đình, xóm hoặc cơ quan cùng mắc bệnh nhưng không thực hiện xét nghiệm cụ thể, thường sẽ cho rằng đó là cảm lạnh, cảm cúm hoặc cúm mùa. Tuy nhiên, những triệu chứng này có thể do nhiều loại virus khác nhau gây ra, như virus cúm, hợp bào hô hấp (RSV), Human Coronavirus, Adenovirus (loại virus này từng gây nhiều trường hợp viêm phổi ở trẻ em cách đây vài năm) và HMPV cùng nhiều virus khác.

Hiện nay, sau đại dịch COVID-19, với sự phát triển của công nghệ xét nghiệm, việc xác định chính xác tác nhân gây bệnh đã trở nên dễ dàng hơn. Nhiều quốc gia, đặc biệt là những nơi có điều kiện y tế tốt, thường tiến hành xét nghiệm để tìm hiểu nguyên nhân khi xuất hiện các đợt bùng phát bệnh hô hấp.

Chủ động mọi mặt

Tại TP HCM những ngày cuối năm vẫn đang tập trung duy trì, đồng thời triển khai một số giải pháp giám sát cảnh báo nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt dịch bệnh mới nổi. Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP HCM (HCDC), từ đầu năm đến ngày 26-12-2024, thành phố ghi nhận 16.122 ca bệnh sốt xuất huyết, 16.786 ca tay chân miệng. Cả 2 dịch bệnh này có xu hướng giảm nhưng riêng bệnh sởi vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Chỉ trong 1 tuần (từ ngày 20 đến 26-12-2024), thành phố ghi nhận thêm 405 ca mắc sởi mới, tăng 9,3% so với trung bình 4 tuần trước đó, nâng tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến gần cuối tháng 12 là hơn 4.000 ca sởi.

Cẩn trọng trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh về hô hấp, phổi. Ảnh: HÀ CHI

Thạc sĩ Trương Thị Thanh Lan, Trưởng Khoa Giám sát cảnh báo chuẩn bị và đáp ứng khẩn cấp dịch bệnh HCDC, cho biết với vị trí giao thương quan trọng, TP HCM luôn đối mặt với nguy cơ xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm mới nổi. Ngành y tế thành phố vẫn luôn duy trì một số giải pháp giám sát, cảnh báo nguy cơ. Mục tiêu là để phát hiện sớm nhất các dấu hiệu bất thường trong cộng đồng, từ đó can thiệp kịp thời để ngăn chặn nguy cơ bùng phát và lan rộng của dịch bệnh. Hiện nay, TP HCM đang triển khai đồng bộ nhiều hoạt động giám sát như sau:

Thứ nhất, giám sát tại cửa khẩu. Đây là hoạt động cực kỳ quan trọng, đóng vai trò như "người gác cổng" đầu tiên, giúp phát hiện các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ xâm nhập vào thành phố. Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, các cơ quan chức năng sẽ kịp thời xử lý để bảo vệ cộng đồng bên trong.

Thứ hai, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh. Các trường hợp bệnh truyền nhiễm nghi ngờ hoặc đã được chẩn đoán theo danh mục quy định phải được báo cáo ngay. Trung tâm y tế và trạm y tế sẽ nhanh chóng điều tra, xử lý, khoanh vùng ổ dịch để kiểm soát sự lây lan. Ngoài ra, các cơ sở y tế và phòng xét nghiệm cũng được yêu cầu báo cáo ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, chẳng hạn như trường hợp tử vong không rõ nguyên nhân hoặc sự gia tăng đột ngột bệnh nhân có cùng triệu chứng.

Thứ ba, giám sát trên các phương tiện truyền thông bằng cách theo dõi xu hướng tìm kiếm thông tin về dịch bệnh của người dân trên các nền tảng như Google hoặc các trang web. Bất kỳ sự gia tăng bất thường nào về xu hướng tìm kiếm tại một khu vực cũng sẽ được xác minh và đánh giá để phát hiện sớm các nguy cơ dịch bệnh mới.

Thứ tư, giám sát trọng điểm, TP HCM đã thiết lập các địa điểm giám sát cố định để theo dõi các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng và các tác nhân mới. Ví dụ, các trường hợp viêm phổi nặng sẽ được lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện sự biến đổi liên quan đến cúm hoặc các tác nhân gây bệnh khác.

NGỌC DUNG - HẢI YẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ung-pho-benh-ho-hap-troi-day-dip-cuoi-nam-19625010620465551.htm
Zalo