Ứng phó bão số 3, Bắc bộ và Bắc Trung bộ đảm bảo an toàn đê điều

Ứng phó với bão số 3, tối nay (4/9), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ chủ động các giải pháp đảm bảo an toàn đê điều.

Nội dung Công văn nêu rõ, bão số 3 với tên quốc tế là Yagi đang hoạt động trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông có cường độ rất mạnh, sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 14 và còn tiếp tục mạnh lên cấp 14 đến 15, giật cấp 16 đến cấp 17 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh thuộc khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ, đe dọa trực tiếp đến an toàn các tuyến đê biển, đê cửa sông và hoàn lưu của bão có thể gây mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng đến an toàn các tuyến đê sông.

Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vừa nêu chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm Công điện số 86 của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3.

Thi công cống qua đê thuộc dự án phát triển cơ sở hạ tầng ven biển hỗ trợ ứng phó khí hậu ở Thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, Thái Bình. Ảnh minh họa: TTXVN

Thi công cống qua đê thuộc dự án phát triển cơ sở hạ tầng ven biển hỗ trợ ứng phó khí hậu ở Thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, Thái Bình. Ảnh minh họa: TTXVN

Đối với các tuyến đê biển, đê cửa sông, tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt là các tuyến đê thường xảy ra sự cố khi có bão đổ bộ, các vị trí đê, kè đã bị xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục như: đê biển Cồn Tròn, Hải Thịnh và sự cố sạt lở kè biển Thịnh Long trên tuyến đê biển Hải Hậu, tỉnh Nam Định, các công trình đê điều đang thi công dở dang, nhất là đối với các cống tiêu số 1, số 2 trên tuyến đê biển Hà Nam, tỉnh Quảng Ninh, các tuyến đê biển chưa được gia cố mặt đê, mái đê phía đồng nguy cơ bị sạt lở khi sóng tràn qua như: tuyến đê biển Bình Minh 4, tỉnh Ninh Bình, trong đó khẩn trương hoàn thành gia cố các vị trí có nguy cơ mất an toàn trước khi bão đổ bộ. Bố trí sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.

Dự báo hướng đi của bão số 3. (Ảnh: NCHMF)

Dự báo hướng đi của bão số 3. (Ảnh: NCHMF)

Đối với các tuyến đê sông, kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu; khẩn trương gia cố các vị trí đê điều đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục và các công trình đê điều đang thi công dở dang để chủ động ứng phó với tình huống mưa lớn kéo dài do hoàn lưu của bão và vận hành điều tiết xả lũ của các hồ chứa có thể gây lũ trên hệ thống sông. Tăng cường công tác kiểm tra đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 01. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, tình hình hệ thống đê điều, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên) để phối hợp chỉ đạo.

Minh Long/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ung-pho-bao-so-3-bac-bo-va-bac-trung-bo-dam-bao-an-toan-de-dieu-post1118870.vov
Zalo