Ứng phó bằng giải pháp, chiến lược nào?
Cơn bão số 3 đã đi qua, nhưng hậu quả mà các tỉnh phía Bắc phải gánh chịu rất lớn và phải mất rất nhiều thời gian, nguồn lực mới có thể khắc phục được.
Được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ, sơ bộ tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính trên 50 nghìn tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8 - 7%. Có 329 người chết, mất tích, khoảng 1.929 người bị thương; khoảng 234,7 nghìn căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại.
Đã xảy ra 726 sự cố đê điều; trên 307,4 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại. 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310 nghìn cây xanh đô thị bị gãy đổ… Các vấn đề xã hội, nhất là y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch nông thôn, nước sạch đô thị, lao động việc làm, đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng…
Câu hỏi đặt ra là bão lũ sẽ vẫn tiếp tục xảy ra bởi đây là quy luật của tự nhiên, vậy giải pháp, chiến lược gì để ứng phó? Đây không phải là vấn đề mới bởi cách đây 4 năm, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, kế hoạch năm 2021, mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu đã từng nêu quan điểm rằng, bão lũ sẽ còn xảy ra hàng năm nên cần có chiến lược lâu dài để hạn chế hậu quả.
Chiến lược đó, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phải được bàn bạc cẩn thận ở cấp quốc gia, có sự đóng góp của nhiều chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, từ vấn đề vĩ mô như thảo luận với các nước thượng nguồn sông đổ vào nước ta tới những việc cấp thiết như cập nhật bản đồ sạt lở khắp các vùng, xây nhà chống lũ, trang thiết bị cứu hộ, hệ thống cảnh báo lũ sớm, hiệu quả; có các khu tập trung người dân bị nạn khi lũ lụt. Như vậy, người nghèo, yếu thế, lực lượng chức năng, cơ quan y tế mới tránh được những tổn thất, hy sinh đau xót...
Chắc chắn đây là câu hỏi không dễ có câu trả lời và nếu có cũng khó thực hiện trong ngày một, ngày hai. Chế ngự, hay đối đầu với thiên nhiên là điều vô cùng khó, trong hầu hết các trường hợp là không thể. Hoặc có thể thực hiện được thì cũng sẽ đánh đổi bằng nhiều cái khác. Với những đợt bão lũ xảy ra vừa qua ở miền Bắc, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài yếu tố khách quan là cơn bão mạnh, do những biến đổi bất thường về khí hậu, thời tiết, đặc thù về địa chất... còn có những yếu tố chủ quan khác đó là những tác động của con người tới tự nhiên, cụ thể ở đây là việc mất rừng.
Theo quyết định công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc là 42,02%. Trong đó, diện tích rừng gồm cả diện tích rừng chưa đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ là 14.860.309ha nhưng diện tích rừng tự nhiên chỉ còn 10.129.751ha. Diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ là 13.927.122ha; trong đó, rừng tự nhiên 10.129.751ha, rừng trồng 3.797.371ha.
Đây là những con số rất đáng phải suy nghĩ. Và cho dù hiện nay chưa có cơ sở khoa học vững chắc nào chứng minh rằng nguyên nhân chính dẫn đến lũ lụt thời gian qua ở các tỉnh phía Bắc, hay ở các tỉnh miền Trung cũng như khu vực Tây Nguyên là do mất rừng, nhưng bão, lũ “lịch sử”, chưa từng có là hiện hữu. Cho nên, điều quan trọng ở đây là phải làm gì để tránh, để hạn chế mức độ ảnh hưởng, thiệt hại do bão lũ và nếu được thì bằng cách nào? Thực hiện trong bao lâu, nguồn lực như thế nào?